Các dự án chậm triển khai làm "nóng" phiên họp chất vấn, tái chất vấn

15:02' - 09/12/2022
BNEWS Ngày 9/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 10, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên chất vấn, tái chất vấn các nhóm vấn đề được đại biểu, cử tri quan tâm.

Dự phiên chất vấn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; lãnh đạo UBND, HĐND thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố và quận, huyện, thị xã tham dự.

 

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, HĐND thành phố dành thời gian 1 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Qua tổng hợp, đa số các ý kiến của đại biểu HĐND thành phố đều thống nhất cao lựa chọn 3 nhóm nội dung đang được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Trong đó có tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, những cam kết của UBND thành phố và các cơ quan tại Kỳ họp thứ 3, Kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố liên quan đến các dự án đầu tư.

Đồng thời, HĐND thành phố chất vấn về 2 nhóm vấn đề: Bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn thành phố.
Tại phiên chất vấn nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc về các dự án chậm triển khai. Đặc biệt, đại biểu Trần Khánh Hưng nêu ý kiến: Tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố đã chất vấn về dự án tiếp nước, cải tạo khu vực sông Tích (huyện Ba Vì).

Đây là dự án trọng điểm của thành phố, được xây dựng từ năm 2011 nhưng đến nay chưa hoàn thành. Các đại biểu đề nghị cho biết nguyên nhân, giải pháp, kế hoạch cụ thể để triển khai dự án, bao giờ hoàn thành dự án ?
Đối với dự án tiếp nước, cải tạo khu vực sông Tích, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thời gian qua Thành ủy, HĐND thành phố đã thường xuyên chỉ đạo UBND thành phố có các cuộc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cũng như tháo gỡ các khó khăn.

Từ tháng 8/2022 đến nay, thành phố đã có 42 văn bản chỉ đạo tháo gỡ các mảng, các lĩnh vực; có 2 cuộc kiểm tra thực tế. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 8 cuộc họp để trực tiếp tháo gỡ. Đến nay, khó khăn, vướng mắc cơ bản được tháo gỡ, chỉ còn nhiệm vụ tập trung hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh tiến độ tại hiện trường.
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Tuân nêu vấn đề, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) đoạn km 19+900 - km 41+500 theo hình thức hợp đồng BT, được chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, UBND thành phố cam kết đến ngày 15/7/2022 sẽ chỉ đạo Thanh tra thành phố rà soát tổng thể dự án và đến tháng 9/2022, thành phố sẽ quyết định các nội dung liên quan đến việc triển khai dự án.

Theo các báo cáo, chỉ đạo của thành phố, trước ngày 30/11/2022, nhà đầu tư và doanh nghiệp phải thống nhất phương án giải quyết. Sau thời gian trên không thống nhất được, thành phố sẽ chấm dứt hình thức BT để chuyển sang đầu tư công. Vậy việc thực hiện này được Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai ra sao và khi nào tiếp tục thi công dự án này?
Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) đoạn km 19+900 - km 41+500 theo hình thức hợp đồng BT, chuyển về thành phố Hà Nội một thời gian khá dài.

Do có mâu thuẫn giữa chủ đầu tư (Tổng Công ty Công trình giao thông 5 - Cienco 5) và doanh nghiệp dự án (Công ty Cổ phần địa ốc Cienco 5 Land) nên xuất hiện đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phán ánh cần Thanh tra Chính phủ, cơ quan an ninh vào cuộc nên ảnh hưởng đến tiến độ.
Ông Dương Đức Tuấn cho biết thêm, UBND thành phố đã giao Thanh tra thành phố thanh tra dự án này. Đến ngày 24/8/2022, Thanh tra thành phố đã có văn bản số 3271 báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát tổng thể dự án. Trên cơ sở đó, thành phố đã chỉ đạo giải quyết vấn đề về đất đai, giao thông.

Ngày 25/10/2022, UBND thành phố đã có văn bản thông báo, để đảm bảo quyền, lợi ích của Nhà nước, thành phố và nhân dân, dự án được đưa vào khai thác. UBND thành phố đề nghị, trước ngày 30/11/2022, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất phương án giải quyết vướng mắc và cam kết tiến độ thực hiện dự án đầu tư BT đảm bảo tuân thủ pháp luật, có tính kế thừa.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Nếu nhà đầu tư và doanh nghiệp không đạt được thỏa thuận tiến độ, không đảm bảo cam kết đầu tư, thành phố sẽ thu hồi dự án để đảm bảo lợi ích của thành phố và nhân dân. Với sự quyết liệt của UBND thành phố, mong mỏi của các huyện, trước ngày 30/11/2022, Tổng Công ty và Công ty đã đạt được thỏa thuận và có cam kết tiếp tục triển khai dự án. Chủ đầu tư đã cam kết trước năm 2025 sẽ triển khai xong.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn: Công tác thúc đẩy các dự án đầu tư của thành phố luôn được HĐND, UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo và tiếp tục chất vấn tại kỳ họp này. Nhờ đó, nhiều công trình, dự án đã có chuyển biến rõ nét trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số dự án tiến độ còn chậm. Vì vậy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND thành phố, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần khẩn trương rà soát, chỉ đạo khắc phục những bất cập; thúc đẩy tiến độ dự án và kiên quyết xử lý những dự án cố tình chây ỳ, chậm tiến độ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục