Quảng Ngãi: Nỗ lực duy trì việc làm, đảm bảo chế độ cho người lao động

Do thiếu đơn hàng, nhiều công ty phải giãn việc, cắt giảm giờ làm thêm của lao động nên các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi đang nỗ lực duy trì sản xuất, tìm kiếm đơn hàng để đảm bảo việc làm...
Quảng Ngãi: Nỗ lực duy trì việc làm, đảm bảo chế độ cho người lao động ảnh 1Sản phẩm thép xây dựng tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Do thiếu đơn hàng, nhiều công ty phải giãn việc, cắt giảm giờ làm thêm của người lao động.

Khắc phục khó khăn, các doanh nghiệp tại Quảng Ngãi đang nỗ lực duy trì sản xuất, tìm kiếm đơn hàng để đảm bảo việc làm, chế độ cho người lao động.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, được thiết kế quy mô công suất 4 triệu tấn/năm, sản phẩm chủ yếu gồm thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng.

Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất áp dụng công nghệ lò cao khép kín ưu việt với thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, từ đầu tháng 11/2022, do thị trường thép đang trong giai đoạn suy giảm nên Công ty phải dừng hoạt động hai lò cao ở Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Sản xuất thép là quá trình tích hợp đồng bộ, thường vận hành liên tục 24/7 trong cả năm, ngoại trừ giai đoạn bảo dưỡng và nâng cấp. Khi lò cao dừng hoạt động, các công đoạn sử dụng nước gang lỏng sau lò cao cũng phải ngừng theo, đồng nghĩa với việc Công ty phải giãn việc, cắt giảm giờ làm của người lao động.

[Doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, hàng vạn lao động mất việc trước Tết]

Anh Lưu Thanh Tùng, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất cho biết doanh nghiệp hiện có hơn 14.000 lao động. Vì vậy, để đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động là một thách thức rất lớn trong thời điểm này.

“Công ty đã phải cắt giảm giờ làm, một số bộ phận quá ít việc thì luân chuyển công việc, thay phiên nhau nghỉ để đảm bảo ai cũng có thu nhập. Ngoài ra, Công ty động viên, tuyên truyền để người lao động hiểu, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp," anh Lưu Thanh Tùng cho hay.

Anh Nguyễn Văn Đoàn, công nhân làm việc tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất cho hay, trước đây khi công ty còn hoạt động ổn định, bình quân mỗi tháng anh làm 18 công, hiện nay do gặp khó khăn nên giảm còn 10-11 công. Anh mong công ty sớm hoạt động bình thường trở lại để anh có thêm thu nhập lo cho gia đình.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn lâm sản Bình An Phú Dung Quất (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ gỗ, dăm gỗ, viên nén… với 235 công nhân, lao động. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhiều chuỗi cung ứng bị tác động, từ đó ảnh hưởng đến đơn hàng, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Để duy trì việc làm, giữ chân người lao động, Công ty tăng cường tìm kiếm đơn hàng, đa dạng sản phẩm phục vụ theo nhu cầu thị trường; đặc biệt thay đổi thị trường xuất khẩu, chú ý đến đơn hàng nội địa, đơn hàng nhỏ lẻ là giải pháp tình thế của doanh nghiệp hiện nay.

Quảng Ngãi: Nỗ lực duy trì việc làm, đảm bảo chế độ cho người lao động ảnh 2Công nhân làm việc tại nhà máy. (Nguồn: Công ty TNHH lâm sản Bình An Phú Dung Quất)

Ông Trương Văn Cường, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn lâm sản Bình An Phú Dung Quất cho biết Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gỗ, phần lớn đơn hàng là phục vụ xuất khẩu. Do ảnh hưởng chung của tình hình thế giới nên đơn hàng ít.

Trước thực trạng này, Công đoàn đã tham mưu cho Ban lãnh đạo công ty điều chỉnh, cắt giảm giờ làm. Nếu tình hình xuất khẩu vẫn tiếp tục khó khăn, đơn hàng giảm, đoàn viên nào có nguyện vọng chấm dứt hợp đồng lao động để tìm công việc khác, Công ty sẽ giải quyết. Đoàn viên vẫn muốn gắn bó với công ty ,xin nghỉ không lương đến khi doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Ban Chấp hành Công đoàn sẽ tham mưu cho lãnh đạo công ty để giải quyết. Trường hợp chấm dứt hợp đồng đối với người lao động, Công đoàn kịp thời tư vấn để doanh nghiệp đảm bảo chế độ theo đúng quy định pháp luật.

Ông Phạm Thái Dương, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cho biết, đến đầu tháng 12/2022, đơn vị ghi nhận một công ty chuyên về may mặc tại Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi chấm dứt hợp đồng lao động với gần 900 lao động.

Qua nắm bắt tình hình được biết từ nay đến đầu năm 2023, nhiều công ty tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng. Do đó, Công đoàn đã kêu gọi, vận động doanh nghiệp cố gắng duy trì việc làm cho người lao động, đặc biệt khi Tết Nguyên đán 2023 đã cận kề.

Công đoàn chỉ đạo Công đoàn các công ty, doanh nghiệp nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó có hướng xử lý phù hợp. Đối với doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, phải thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật, trong đó đặc biệt ưu tiên đến việc giám sát chế độ lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, giảm việc, ngừng việc, ảnh hưởng đến lao động nữ mang thai, đang trong thời gian nuôi con nhỏ, từ đó Công đoàn cấp trên kịp thời hỗ trợ và bảo vệ người lao động, ông Phạm Thái Dương cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục