'Văn hóa giúp các doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận'

Văn hóa doanh nghiệp được cụ thể hóa trong sứ mệnh, tầm nhìn, những giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao chứng nhận Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam năm 2022. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao chứng nhận Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam năm 2022. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Chiều sâu văn hóa giúp các doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận, làm giàu bằng mọi giá, mà còn biết tuân thủ đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ môi trường...

Đó là điều mà ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh tại Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ hai-năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa-Nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.”

Sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Công Thương; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” (Ban tổ chức 248); Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 3/12, tại Hà Nội.

[Doanh nghiệp lựa chọn văn hóa số để thu hút và giữ chân nhân tài]

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các giá trị văn hóa giúp doanh nghiệp có nền tảng vững chắc để xác định đúng triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi, nâng tầm trong các hoạt động quản lý, quản trị, điều hành, trong ứng xử với nhân viên, đối tác, khách hàng, từ đó tạo dựng được sự tin cậy, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Đó chính là chìa khóa và sự bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

'Văn hóa giúp các doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận' ảnh 1Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa này, trong thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ động, phối hợp với Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đan xen đến từ những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Trước các cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã lựa chọn chấn hưng văn hóa dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là điều cốt lõi.

Chính vì vậy, chúng ta cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, qua đó nhằm góp phần kiến tạo chính sách, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đồng thời cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới, mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề chính như: Vai trò, nội dung, tác động của chấn hưng văn hóa đến phát triển kinh tế bền vững; Những bài học thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam về phát huy vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19; Giải pháp nâng cao vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hậu COVID-19, các xung đột địa-chính trị và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.

'Văn hóa giúp các doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận' ảnh 2Các đơn vị nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam cho rằng văn hóa kinh doanh có thể sẽ không giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận ngay tức thì, nhưng đây sẽ là nền tảng giúp ngày càng tăng ngưỡng chịu đựng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, vượt qua mọi thử thách.

“Xu hướng người tiêu dùng ưa thích các thương hiệu bền vững. Vì vậy, có thể thấy, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp do doanh nhân dẫn dắt sẽ trở thành con đường duy nhất nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục tồn tại và phát triển. Song song với đó, những hoạt động kinh doanh phi văn hóa, làm ăn chộp giật sẽ bị đào thải,” bà Hà Thu Thanh chia sẻ./.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức cũng tôn vinh và trao chứng nhận "Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam" cho 24 doanh nghiệp đã đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, hiệp hội tham gia xây dựng.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tặng Bằng khen cho 13 tập thể có thành tích xuất sắc triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” và Ban tổ chức 248 tặng Bằng khen cho 33 đơn vị đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” năm 2022.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục