Chuyến thăm New Zealand của CTQH khẳng định quan hệ đối tác mạnh mẽ

Giáo sư Roberto Rabel nêu rõ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới New Zealand tiếp tục khẳng định về mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và tiềm năng hợp tác lớn hơn nữa giữa hai nước.
Chuyến thăm New Zealand của CTQH khẳng định quan hệ đối tác mạnh mẽ ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đón Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 14/11. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhân dịp chuyến thăm New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Giáo sư Roberto Rabel, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược, Đại học Victoria Wellington đã chia sẻ với phóng viên TTXVN tại châu Đại dương những đánh giá của ông về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, ý nghĩa chuyến thăm và hợp tác song phương trong các nỗ lực thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

Giáo sư Roberto Rabel đánh giá quan hệ đối tác chiến lược New Zealand-Việt Nam phản ánh thực trạng rất tốt đẹp của mối quan hệ hai nước hiện nay.

New Zealand và Việt Nam đã và đang hợp tác tích cực trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, du lịch, tăng cường năng lực và giáo dục.

Quan hệ đối tác chiến lược đã tạo cơ hội cho ngày càng nhiều người dân New Zealand đi du lịch và kinh doanh tại Việt Nam cũng như nhiều sinh viên Việt Nam sang học tập và nghiên cứu tại New Zealand. 

Theo Giáo sư, hai nước vẫn còn nhiều “dư địa” để mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác song phương trong các lĩnh vực trên và những lĩnh vực khác.

Để làm được điều này, Giáo sư Roberto Rabel cho rằng hai bên cần xác định và tập trung vào các mục tiêu "chiến lược" nhất trong quan hệ đối tác và tiến tới thể chế hóa các cơ chế và nguồn lực để thúc đẩy việc thực hiện.

Quan hệ đối tác chiến lược hiện nay cũng có thể được phát triển trên cơ sở phát huy nhiều hơn nữa sự thiện chí và tình cảm tốt đẹp giữa hai nước, vốn đã được xây dựng dựa trên các mối liên kết ngày càng tăng giữa người dân hai nước trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là thông qua hàng nghìn sinh viên và cán bộ Việt Nam đã được học tập và đào tạo tại New Zealand.

Giáo sư Roberto Rabel nêu rõ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới New Zealand diễn ra ngay sau chuyến công du thành công của Thủ tướng Jacinda Ardern tới Việt Nam, tiếp tục khẳng định về mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và tiềm năng hợp tác lớn hơn nữa giữa hai nước.

Điều đặc biệt có ý nghĩa là với tư cách là người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là cơ hội để thắt chặt hơn nữa mối liên kết giữa hai cơ quan lập pháp Việt Nam và New Zealand, trao đổi các quan điểm và kinh nghiệm trong hoạt động nghị viện cũng như về cách thức nghị viện hai nước thúc đẩy trách nhiệm và hành động của chính phủ ở mỗi nước trong việc tăng cường hợp tác song phương.

[Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng New Zealand]

Bên cạnh đó, việc mở rộng hiểu biết lẫn nhau thông qua chuyến thăm của các nhà lãnh đạo hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương. Chuyến thăm sẽ không chỉ giúp tăng cường việc trao đổi quan điểm thường xuyên hơn giữa hai cơ quan lập pháp mà còn là cơ hội để xác định những cách thức mà New Zealand có thể hỗ trợ quá trình phát triển của Việt Nam một cách hiệu quả hơn, cụ thể như thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn hay tổ chức các chương trình đào tạo cho các đại biểu quốc hội và cán bộ giúp việc các đại biểu của Việt Nam.

Giáo sư Roberto Rabel hy vọng tiếp theo sau chuyến thăm của Chủ tịch Vương Đình Huệ sẽ là chuyến thăm Việt Nam của phái đoàn nghị viện New Zealand do Chủ tịch Hạ viện dẫn đầu.

Theo Giáo sư Roberto Rabel, New Zealand và Việt Nam đã có nhiều đóng góp mang tính xây dựng cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngoài mối quan hệ song phương, hai nước có thể tăng cường đóng góp bằng cách hợp tác cùng nhau trong môi trường đa phương để củng cố cấu trúc kinh tế, chính trị và an ninh khu vực-chẳng hạn như thông qua Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và nhiều diễn đàn khu vực do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn dắt như Hội nghị cấp cao Đông Á.

Trên hết, cả hai quốc gia đều chia sẻ cam kết đối với một trật tự khu vực dựa trên luật lệ, cho phép tương tác hòa bình giữa nhiều quốc gia khác nhau và cho phép tất cả những tiếng nói đa dạng được lắng nghe thay vì chỉ tiếng nói của các quốc gia hùng mạnh nhất.

Để đảm bảo một trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực đòi hỏi phải đề cao "vai trò trung tâm" của ASEAN với tư cách là đầu mối tập hợp tất cả các quốc gia trong khu vực một cách toàn diện.

Thông qua các chuyến thăm lẫn nhau như chuyến thăm của Thủ tướng Jacinda Ardern và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, New Zealand và Việt Nam có thể trao đổi quan điểm về cách thức hợp tác hiệu quả hơn cả trong khuôn khổ song phương và khu vực phù hợp với lợi ích chung của hai nước trong việc duy trì hòa bình và thịnh vượng của khu vực, đồng thời tôn trọng chính sách đối ngoại độc lập của nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục