LHQ cảnh báo hiện tượng La Nina kéo dài bất thường có thể tiếp diễn

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho biết hiện tượng La Nina lần này có thể kéo dài tới cuối mùa Đông ở Bắc bán cầu, tức cuối mùa Hè ở Nam bán cầu.
LHQ cảnh báo hiện tượng La Nina kéo dài bất thường có thể tiếp diễn ảnh 1Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại ngoại ô Sydney, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện tượng La Nina kéo dài bất thường khiến hạn hán và lũ lụt ở các khu vực trên toàn thế giới trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngày 30/11, Liên hợp quốc cảnh báo hiện tượng này có khả năng tiếp diễn đến tháng 2 hoặc thậm chí tháng 3/2023.

Hiện tượng La Nina kéo dài bất thường lần này bắt đầu xảy ra từ tháng 9/2020, làm mát nhiệt độ bề mặt Trái Đất song tác động trên diện rộng tới các điều kiện thời tiết toàn cầu.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho biết hiện tượng La Nina lần này có thể kéo dài tới cuối mùa Đông ở Bắc bán cầu, tức cuối mùa Hè ở Nam bán cầu.

Theo WMO, khả năng La Nina tiếp diễn trong giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023 là 75% và từ tháng 1-3/2023 là 60%.

Đây là đợt La Nina kéo dài 3 năm liên tiếp đầu tiên của thế kỷ 21 và cũng mới là đợt thứ ba tính từ năm 1950. Đợt La Nina này có thể tiếp tục tác động đến nhiệt độ và lượng mưa, làm trầm trọng hơn tình trạng hạn hán và lũ lụt ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

[Dự báo hiện tượng thời tiết La Nina tiếp diễn qua năm 2022]

La Nina giúp làm mát nhiệt độ bề mặt Trái Đất ở vùng Trung và Đông Thái Bình Dương cận xích đạo. Thông thường cứ 2 đến 7 năm hiện tượng này lại xảy ra một lần. La Nina tác động trên diện rộng tới thời tiết trên toàn cầu, với đặc trưng trái ngược với hiện tượng El Nino (làm ấm nhiệt độ toàn cầu).

Theo WMO, La Nina là 1 hiện tượng tự nhiên nhưng đang diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu do tác động của con người làm nhiệt độ toàn cầu tăng và thời tiết khắc nghiệt hơn. Dù đã có La Nina giúp làm mát nhiệt độ bề mặt nhưng cả hai năm 2022 và 2021 đều nóng hơn bất kỳ năm nào trong giai đoạn từ 2015-2020.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết đợt La Nina kéo dài 3 năm liên tiếp bắt đầu xảy ra ở Thái Bình Dương từ tháng 9/2020, với một số lần gián đoạn ngắn, song tác động làm mát nhiệt độ toàn cầu chỉ hạn chế và tạm thời. Ông nhấn mạnh 8 năm qua có thể là những năm nóng nhất trong lịch sử, mực nước biển dâng và tình trạng ấm lên trong lòng đại dương cũng tăng nhanh.

Thông thường, La Nina thường làm một số khu vực trên thế giới có điều kiện ẩm ướt hơn trong khi một số khu vực khác khô hơn. Đợt La Nina xảy ra liên tiếp trong 3 năm này khiến các đợt hạn hán và lũ lụt ở nhiều khu vực kéo dài hơn.

Cộng đồng quốc tế hiện đặc biệt lo ngại vì tình trạng hạn hán kéo dài và gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây ở vùng Sừng châu Phi có thể dẫn tới thảm họa nhân đạo, đe dọa hàng triệu người dân trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục