Công ty năng lượng Đức Uniper kiện Gazprom ra tòa trọng tài quốc tế

Uniper là công ty nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức, hiện đứng trước nguy cơ bị phá sản, buộc chính phủ phải tuyên bố quốc hữu hóa để giải cứu doanh nghiệp này, tránh cú sốc với nền kinh tế Đức.
Công ty năng lượng Đức Uniper kiện Gazprom ra tòa trọng tài quốc tế ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí trên đất liền từ Nga sang Đức Nord Stream 2 ở Lubmin, Đông Bắc Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/11, Uniper - công ty năng lượng hàng đầu của Đức- thông báo đã kiện tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga lên Tòa trọng tài quốc tế ở Stockholm (Thụy Điển) với cáo buộc không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng cung cấp khí đốt.

Thời gian qua, Gazprom giảm dần công suất và ngừng vận chuyển khí đốt với lý do những biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây nhằm vào Nga liên quan cuộc xung đột tại Ukraine đã cản trở các hoạt động vận chuyển. Theo Uniper, phía Gazprom không cung cấp khí đốt khiến công ty này chịu phí tổn lên tới 11,6 tỷ euro (12 tỷ USD).

Công ty Đức cho biết đã bắt đầu có hành động pháp lý nhằm vào Gazprom, theo đó liệt kê những tổn hại mà công ty gánh chịu kể từ khi đối tác Nga dừng cung cấp khí đốt hồi tháng 6.

Uniper cho biết đã buộc phải mua khí đốt thay thế với giá thị trường đắt đỏ và con số phí tổn sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2024.

[Chính phủ Đức xem xét mua 30% cổ phần trong Công ty năng lượng Uniper]

Uniper là công ty nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức, hiện đứng trước nguy cơ bị phá sản, buộc chính phủ phải tuyên bố quốc hữu hóa để giải cứu doanh nghiệp này, tránh những cú sốc với nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU).

Hồi đầu tháng này, Uniper báo cáo lỗ ròng 40 tỷ euro trong 9 tháng đầu năm 2022, khoản lỗ nặng nhất trong lịch sử các doanh nghiệp Đức. Chính phủ Đức ban đầu thông báo bơm 8 tỷ euro cho Uniper nhưng hồi tuần trước, công ty cho biết Berlin sẽ cần chi thêm 25 tỷ euro để giúp công ty này tránh kịch bản phá sản.

Để thực hiện kế hoạch "giải cứu" Uniper, Chính phủ Đức sẽ trích tiền từ quỹ 200 tỷ euro dành cho các biện pháp khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng với các hộ gia đình và các doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục