Các dự án BRI - bẫy nợ hay miếng bánh phát triển?

Các dự án BRI có thể giúp thời gian cung cấp, vận chuyển hàng hóa (logistics) giảm bớt khoảng 2,5%, chi phí thương mại toàn cầu giảm 2,2%, thu nhập thực tế toàn cầu tăng 2,9%.
Các dự án BRI - bẫy nợ hay miếng bánh phát triển? ảnh 1Cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo HK01 ngày 11/11, những năm gần đây, cộng đồng quốc tế liên tục xuất hiện dư luận công kích các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), cho rằng những dự án này tạo ra “bẫy nợ” cho các nước dọc tuyến.

Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng thực những luận điểm này, phần lớn là xuôi theo hướng chính trị hóa vấn đề kinh tế.

Trong khi đó, có số liệu cho thấy các dự án BRI có thể giúp thời gian cung cấp, vận chuyển hàng hóa (logistics) giảm bớt khoảng 2,5%, chi phí thương mại toàn cầu giảm 2,2%, thu nhập thực tế toàn cầu tăng 2,9%.

Do đó có thể thấy, việc thúc đẩy phát triển chất lượng cao trong khuôn khổ BRI không mang lại cái gọi là “bẫy nợ” cho các nước dọc tuyến, mà trên thực tế lại là “miếng bánh” phát triển.

“Bẫy nợ” là một thuật ngữ kinh tế được dùng để chỉ gánh nặng nợ quá cao của chính phủ, từ đó khiến nền kinh tế rơi vào trạng thái tuần hoàn ác tính nợ cao và tăng trưởng thấp không bền vững. Đối với mối quan hệ giữa nợ của chính phủ và phát triển kinh tế, các trường phái kinh tế trên toàn cầu có sự lý giải khác nhau.

Trường phái kinh tế Keynes cho rằng nợ chính phủ tăng trong ngắn hạn có thể giúp nâng cao thu nhập khả dụng của người dân, từ đó nâng cao tổng cầu xã hội, kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cũng có một số nhà kinh tế thuộc trường phái tân cổ điển nhấn mạnh rằng nợ chính phủ quá cao sẽ gây ra hiệu ứng lấn át (crowding out effect) đối với đầu tư và tiêu dùng trong nước, kiềm hãm tăng trưởng kinh tế của các nước mắc nợ.

Trong khi đó, định lý cân bằng Barro-Ricardo nổi tiếng lại cho rằng các chính phủ mắc nợ hay không không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy có một tỷ lệ nợ tối ưu giữa tăng trưởng kinh tế của các nước và tỷ lệ trái phiếu chính phủ/Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nếu đạt được tỷ lệ nợ tối ưu này thì sẽ có thể tối ưu hóa tăng trưởng kinh tế.

Tranh luận của giới kinh tế toàn cầu về mối quan hệ giữa nợ của chính phủ và phát triển kinh tế kéo dài. Thời gian thực hiện của phần lớn các dự án BRI khá ngắn, tạm thời chưa có đủ dữ liệu nghiên cứu mối quan hệ giữa các dự án xây dựng mà các nước dọc tuyến vay nợ từ Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế của các nước này.

Nghiên cứu cho thấy BRI là "miếng bánh" phát triển

Đến nay, giới học thuật trên thế giới chưa có nghiên cứu nào phát hiện Trung Quốc gây ra khủng hoảng nợ ở các nước dọc tuyến BRI, từ đó tiếp cận tài sản hoặc nguồn lực của các nước này.

Thậm chí một số học giả Mỹ, tổ chức nghiên cứu của Mỹ cũng dựa trên dữ liệu nghiên cứu, công bố nhiều báo cáo phản bác “ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc." Chẳng hạn, Giáo sư kinh tế-chính trị Deborah Brautigam của Đại học Johns Hopkins sau khi nghiên cứu đã nói rằng “bẫy nợ” của Trung Quốc là một thần thoại, vị Giáo sư này đã nêu ra các ví dụ Montenegro, Kenya, Zambia và các nơi khác, cho rằng truyền thông phương Tây đã thổi phồng mối lo ngại này, nhưng không có chứng cứ ủng hộ cách gọi “ngoại giao bẫy nợ."

[PGII của G7 - thách thức mới đối với BRI của Trung Quốc]

Báo cáo nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation cho thấy kết nối đường sắt thúc đẩy xuất khẩu của các nước dọc tuyến BRI tăng 2,8%. Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế Mỹ cũng nhấn mạnh trong báo cáo rằng các dự án xây dựng hạ tầng giao thông của BRI có thể rút ngắn thời gian logistic từ 1,2-2,5%, giúp chi phí thương mại toàn cầu giảm 1,1-2,2%.

Ngoài ra, còn có báo cáo phát hiện các dự án thuộc BRI có thể giúp thu nhập thực tế toàn cầu tăng từ 0,7-2,9%. Tất cả những số liệu này đều cho thấy nguồn vốn đầu tư đến từ Trung Quốc có hiệu ứng kinh tế tích cực đối với các nước dọc tuyến BRI và là miếng bánh phát triển chứ không phải “bẫy nợ."

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và nhiều học giả Trung Quốc cũng đã nhiều lần phản bác thuyết “bẫy nợ” liên quan đến Trung Quốc. Tháng 7/2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã trích dẫn số liệu của Ngân hàng thế giới (WB) nhấn mạnh trong tổng số nợ nước ngoài 696 tỷ USD của 49 quốc gia châu Phi có thể thống kê, tổng nợ vay từ các tổ chức tài chính đa phương và tổ chức tài chính tư nhân không bao gồm Trung Quốc lên đến 75%.

Lãi suất bình quân các khoản vay của những tổ chức tư nhân phương Tây dường như bằng 200% lãi suất các khoản vay từ những tổ chức tài chính Trung Quốc. Những thực tế và dữ liệu này đều chứng minh, cái gọi là thuyết “bẫy nợ” Trung Quốc hoàn toàn là thông tin sai sự thật.

Bốn phát hiện thú vị

Hai chuyên gia Lương Hải Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu về Con đường Tơ lụa Trung Quốc iValley và Phùng Đạt Toàn, Cố vấn cao cấp của Viện và có nhiều năm nghiên cứu về BRI, đã tiến hành nghiên cứu cụ thể đối với thuyết ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc, bên cạnh đưa ra kết luận các dự án BRI là “miếng bánh” chứ không phải “bẫy nợ," họ còn phát hiện bốn hiện tượng thú vị trong quá trình nghiên cứu.

Thứ nhất, các chính trị gia ở những nước dọc tuyến thổi phồng thuyết “bẫy nợ” Trung Quốc cuối cùng lại lựa chọn tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Để giành chiến thắng trong bầu cử, không ít đảng đối lập ở các nước dọc tuyến BRI coi thuyết ngoại giao “bẫy nợ” liên quan đến Trung Quốc là công cụ đọ sức trên chính trường, sử dụng vấn đề vay nợ Trung Quốc để gây khó khăn cho các đối thủ chính trị nhằm giành thắng lợi trong bầu cử.

Tuy nhiên, sau khi những đảng đối lập này lên cầm quyền lại nhanh chóng vay nợ và thu hút đầu tư của Trung Quốc, tình hình tương tự lần lượt diễn ra trong quá trình thay đổi chính phủ ở các nước như Sri Lanka, Malaysia…

Thứ hai, đầu tư của Trung Quốc đối với các nước dọc tuyến chú trọng đến lợi ích kinh tế dài hạn. So với sự thay đổi thường xuyên của các đảng phái chính trị ở nhiều nước phương Tây, chính phủ mới sau khi lên cầm quyền không thừa nhận những thỏa thuận đối ngoại mà chính phủ cũ đã ký kết. Trong khi đó, cam kết hợp tác của Chính phủ Trung Quốc với chính phủ các nước dọc theo tuyến BRI chắc chắn là lâu dài và thống nhất, nên có thể nhận được sự ủng hộ của các nước dọc tuyến hơn.

Đặc biệt là chu kỳ thu hồi vốn đầu tư cơ sở hạ tầng dài, khó có lợi nhuận trong ngắn hạn, do đó đầu tư của Trung Quốc đối với các nước dọc tuyến càng chú trọng hơn đến lợi ích kinh tế dài hạn của hai bên.

Chẳng hạn, theo ước tính của Chính phủ Indonesia, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung do Trung Quốc đầu tư ở Indonesia với kinh phí khoảng 8 tỷ USD, trong 40 năm tới có thể mang lại lợi ích hơn 23,1 tỷ USD.

Các dự án BRI - bẫy nợ hay miếng bánh phát triển? ảnh 2Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) tại cuộc gặp ở Bali, Indonesia, ngày 16/11. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung Quốc và Indoensia không những thu được lợi nhuận cao hơn chi phí đầu tư, mà Chính phủ Trung Quốc và Indonesia còn triển khai hợp tác đa lĩnh vực, do đó ngay cả trong bối cảnh tình hình quốc tế đầy thách thức hiện nay, quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Indonesia vẫn phát triển ngược dòng. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 124,43 tỷ USD, tăng 58,6% so năm 2020, ghi nhận mức cao mới trong lịch sử.

Kể từ năm 2019, Trung Quốc đã trở thành nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Indonesia, ngoại trừ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp Trung Quốc còn bao phủ ngành điện lực, khoáng sản, sản xuất ôtô, ngành công nghiệp internet mới nổi và lĩnh vực tài chính ở Indonesia.

Thứ ba, các nước mắc nợ vay tiền Trung Quốc để xây dựng và sửa chữa cơ sở hạ tầng, về lâu dài là để trả nợ cho phương Tây. Hiện nay, khoảng 70% đầu tư của các dự án BRI tập trung ở lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, 30% còn lại tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp y tế, công nghiệp công nghệ sáng tạo và du lịch…

Một trọng những lý do quan trọng khiến các nước dọc tuyến BRI vay nợ Trung Quốc để xây dựng và sửa chữa hạ tầng là để phát triển kinh tế nhằm trả nợ đã vay trước đó cho các nước phương Tây và các tổ chức tài chính đa phương.

Quốc tế thừa nhận rằng tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng có thể cải thiện nền kinh tế, gia tăng thu nhập của chính phủ. Chẳng hạn ở Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra kế hoạch cơ sở hạ tầng có quy mô hơn 1.200 tỷ USD, hy vọng dựa vào đây để kích thích phục hồi kinh tế, thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng thông qua phương thức vay nợ để xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, điều này không chỉ đặt nền tảng vững chắc cho sự “cất cánh” của nền kinh tế, mà còn thúc đẩy và mở rộng thành công hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.

Thứ tư, việc Fed tăng mạnh lãi suất và sự tấn công của đại dịch COVID-19 mới là thách thức thật sự đối với việc quản lý và điều hành nợ của các nước dọc tuyến BRI. Gần đây, Fed đã thực hiện tăng mạnh lãi suất khiến cho các nước dọc tuyến BRI có khối lượng nợ USD cao xuất hiện khủng hoảng nợ.

Ngoài ra, dưới sự tấn công của đại dịch COVID-19, nền kinh tế của các nước nhìn chung đi xuống, thu nhập ngân sách giảm, điều này đã làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ của những nước này, thậm chí một số nước rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng với áp lực rất lớn khi phải trả nợ nước ngoài vào đúng lúc khủng hoảng ập đến.

Theo các số liệu công khai, chủ nợ của nhiều quốc gia dọc tuyến BRI đang đối mặt với rủi ro nợ rất đa dạng và Trung Quốc không phải là chủ nợ duy nhất và chủ nợ lớn của các nước xuất hiện rủi ro nợ. Do đó, một số nước phương Tây thay vì cáo buộc Trung Quốc tiến hành chính sách ngoại giao “bẫy nợ," nên tập trung vào việc làm thế nào để nâng cao năng lực ứng phó với vấn đề nợ của các nước mắc nợ, cũng như tăng cường tham vấn và hợp tác giữa các nước về việc quản trị nợ quốc tế.

Cha đẻ của “Thuyết tiến hóa” Charles Darwin từng nói loài có thể tồn tại cuối cùng không phải là loài mạnh nhất, cũng không phải là loài thông minh nhất, mà là loài dễ thích ứng nhất với sự thay đổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục