Giấc mơ có thật của VinFast

10:32' - 26/11/2022
BNEWS Doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã biến giấc mơ thành hiện thực, trở thành lịch sử của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

VinFast xuất lô hàng 999 chiếc xe điện đầu tiên sang Mỹ từ cảng Hải Phòng vào ngày 25/11. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi thành lập vào năm 2017, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã biến giấc mơ thành hiện thực, trở thành lịch sử của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi lần đầu tiên xuất khẩu sản phẩm xe điện thông minh đến thị trường có ngành công nghiệp ô tô hàng đầu thế giới.

*Xu hướng xe điện

Có thể thấy từ tuyên bố đến hành động của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - Công ty mẹ của VinFast là rất mạnh mẽ và dứt khoát.

Ngày 15/7/2022, Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast (VinFast) chính thức công bố dừng kinh doanh xe ô tô chạy xăng, sau khi lô xe Lux và Fadil cuối cùng đã được khách hàng đặt mua hết. VinFast đã tập trung sản xuất để bàn giao xe cho các khách hàng đã ký hợp đồng, đồng thời chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất và kinh doanh xe điện.

Việc ngừng sản xuất xe chạy xăng trong bối cảnh nhiều hãng xe nước ngoài vẫn bán xe chạy xăng chủ yếu tại thị trường Việt Nam và doanh số bán xe của VinFast vẫn đang trên đà tăng trưởng mạnh, thậm chí mẫu xe cỡ nhỏ VinFast Fadil còn thuộc Top những xe bán chạy nhất trong nhiều tháng, khiến người tiêu dùng bất ngờ.

Thực tế, nếu xét về xe xăng VinFast là hãng non trẻ, nhưng về xe ô tô điện thì hầu hết nhiều hãng xe cũng chỉ mới chuyển đổi sang. Như vậy, nếu làm tốt, VinFast hoàn toàn có thể tạo dựng được vị thế cao nhờ bước đi tắt, đón đầu này.

Hơn nữa, tầm nhìn của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng là vươn ra thế giới. Năm 2019, ông Phạm Nhật Vượng lần đầu đề cập trước truyền thông quốc tế về việc sẽ bán xe tại Mỹ. Thực tế, có thể thấy ý định thâm nhập thị trường Mỹ - một thị trường có nền công nghiệp hàng đầu thế giới, nhất là công nghiệp ô tô, đã được ông Vượng ấp ủ từ lâu.

Trước đó rất lâu, ông Vượng từng chia sẻ: "Vấn đề đi ra nước ngoài của Vingroup không định hướng là lợi nhuận, mà định hướng là cắm cờ. Nếu cắm vào Myanmar, Campuchia và Lào thì không 'oai' lắm. Đã thế cắm hẳn vào chỗ nào oai nhất mà vẫn kinh doanh được".

Dự định là vậy và ông Vượng đã chọn xe điện - một sản phẩm công nghiệp đang là xu hướng của thế giới để thâm nhập thị trường Mỹ. Hiện nay, tại Mỹ cần 30.000 xe điện mới/năm để đáp ứng các mục tiêu phát thải.

VinFast ra đời trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang dần chuyển mình sang sử dụng năng lượng tiết kiệm, thân thiện với môi trường. Để không bị lỡ nhịp, VinFast đã “rốt ráo” tận dụng tài nguyên sẵn có của doanh nghiệp để chế tạo và sản xuất thành công các mẫu xe điện đầu tiên.

Nhiều báo cáo trên thế giới cho thấy, phát thải từ giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây nên ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, nhiều quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Trung Quốc, Na Uy… đã sử dụng hàng loạt biện pháp hạn chế xe chạy bằng xăng, dầu.

Ngày 8/6/2022, Nghị viện châu Âu đã thông qua bản "Kế hoạch chống biến đổi khí hậu", trong đó kể từ năm 2035 sẽ cấm các nhà sản xuất ô tô bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch; 27 quốc gia thành viên EU đã thảo luận về lệnh cấm này để đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối năm 2022.

Hiện nay, xe điện được coi là giải pháp khắc phục những hạn chế về phát thải ô nhiễm môi trường. Với cơ chế hoạt động dựa trên hiện tượng cảm ứng điện từ, thay vì quá trình đốt cháy nhiên liệu như động cơ đốt trong, xe điện hoàn toàn có thể xóa bỏ được những ống xả đen.

Đặc biệt, vật liệu để làm ra pin xe điện có thể tái chế. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp xe điện thân thiện với môi trường, hứa hẹn mở ra tương lai của sự dịch chuyển trên toàn cầu.

* Chân trời mới cho Vingroup?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Tập đoàn Vingroup diễn ra hồi tháng 5, tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup khẳng định về lâu dài sẽ xuất khẩu xe VinFast.

Vị tỷ phú này cho biết, việc cho rằng khách hàng chỉ quan tâm đến thương hiệu là không phù hợp. Ví dụ, người dân Mỹ cứ xe tốt, xe rẻ, xe phù hợp là mua.

“Huyndai vào thị trường Mỹ chưa lâu đã chiếm tới 10% thị phần của Mỹ, đó là một con số khủng khiếp. Vậy thì VinFast khác gì Huyndai”, ông Vượng chia sẻ.

Ông Vượng cho biết đã từng học tập, làm việc tại Liên Xô cũ hơn 20 năm nên hiểu rõ thị trường và có nhiều mối quan hệ tại đây. “Đây là những thị trường thế mạnh mà chúng tôi có”, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho hay.

Ông Vượng cũng chia sẻ rằng đây không phải câu chuyện sau 3-5 năm doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận nên không đặt mục tiêu ngắn hạn như vậy.

Lâu dài đây sẽ là một trong những trụ cột chính của Vingroup, đi kèm với nó không phải chỉ là sản xuất ô tô. Một khi đã bước chân vào lĩnh vực công nghiệp nặng, doanh nghiệp đã nắm bắt được công nghệ, kỹ thuật, đã có uy tín; với những điều kiện đó công ty có thể sản xuất rất nhiều thứ.

“Với hệ sinh thái rộng lớn, năng lực sản xuất, năng lực tổ chức, chắn chắn đó sẽ là một chân trời mới cho Vingroup”, ông Vượng tin tưởng.

Theo nội dung Tờ trình của HĐQT Tập đoàn Vingroup đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại kỳ họp thường niên sáng 11/5, Vingroup cho biết, các mẫu xe điện mới được tập đoàn kỳ vọng sẽ giúp VinFast tiếp tục giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, nhanh chóng xây dựng thương hiệu tại các thị trường quốc tế bao gồm Mỹ, Canada và châu Âu.

Ông Vượng cũng cho biết, VinFast đặt mục tiêu bán 750.000 ô tô vào năm 2026, với 150.000 ô tô được sản xuất tại Bắc Carolina và phần còn lại từ nhà máy Việt Nam.

VinFast thuộc tập đoàn VinGroup và bắt đầu hoạt động vào năm 2019, đang đặt cược lớn vào thị trường Mỹ với kỳ vọng sẽ cạnh tranh được với các tên tuổi lớn cũng như những startup trong ngành.

Ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển Trạm sạc VinFast cho biết, hiện VinFast đã giới thiệu tổng cộng 6 dòng ô tô điện và hơn 10 dòng xe máy điện trải dài các phân khúc, đáp ứng đủ mọi nhu cầu của khách hàng.

Để phát triển thị trường xe điện trong nước, VinFast đang đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc rộng khắp và an toàn để tạo sự an tâm, thuận tiện cho khách hàng, qua đó đẩy nhanh quá trình sử dụng phương tiện xanh.

Cuối tháng 10 vừa qua, tại Osaka (Nhật Bản), Công ty CATL và VinFast đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược toàn cầu nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển xe điện.

Theo thoả thuận này, CATL và VinFast sẽ hợp tác để cùng phát triển công nghệ mới; trong đó, pin và nhiều bộ phận quan trọng được tích hợp vào khung gầm xe, giúp giảm trọng lượng, tăng quãng đường di chuyển của xe và giảm chi phí.

Dự kiến, VinFast sẽ là nhà sản xuất xe ô tô tiên phong đưa công nghệ mới này ra thị trường toàn cầu với sự hợp tác chiến lược cùng CATL.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup kiêm Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu, chia sẻ: “Việc trở thành đối tác chiến lược của CATL là một sự kiện rất quan trọng. Với việc kết hợp thế mạnh về phát triển xe của VinFast cùng với thế mạnh nghiên cứu, sản xuất pin của hãng pin số 1 thế giới CATL, VinFast sẽ tạo ra bước phát triển đột phá trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, mang lại khả năng tăng quãng đường di chuyển vượt bậc và giúp giá cả cạnh tranh hơn cho các dòng xe trong tương lai”.

Đặc biệt sự hợp tác này còn giúp thúc đẩy các đột phá về công nghệ pin và giải pháp di chuyển điện hóa trên phạm vi toàn cầu, đóng góp vào các mục tiêu chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu phát thải cac-bon trên hành tinh.

Những nỗ lực của doanh nghiệp ô tô Việt Nam này đã được đền đáp xứng đáng. Ngày 18/11/2022, VinFast công bố nhận được đơn đặt hàng xe VF 8 và VF 9 từ Autonomy – công ty cho thuê xe lớn nhất của Mỹ.

Với 2.500 xe, đây là một trong những đơn đặt hàng xe điện lớn nhất của Autonomy từ trước đến nay, khẳng định sự đón nhận của thị trường quốc tế dành cho hãng xe Việt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục