Lưu giữ những ký ức thời gian

11:07' - 21/11/2022
BNEWS Mê đắm những món đồ xưa cũ lưu giữ nhiều kỷ niệm và ký ức thời gian, anh Nguyễn Hải Hưng (khu 3, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã dành nhiều thời gian, công sức sưu tầm.

Khu trưng bày mang tên Lâm Sơn Trang của anh Hưng đang lưu giữ hơn 50.000 hiện vật, trong đó có khá nhiều hiện vật độc đáo gắn với các giai đoạn lịch sử của đất nước.

 

Luôn hướng đến mục tiêu xây dựng một bảo tàng mang tính chân quê, gần gũi nhất, trên khu đất rộng hơn 4.000m2, để bày biện các bộ sưu tập của mình, anh Hưng đã dựng lên những dãy nhà làm từ tranh tre, nứa lá theo kiến trúc xưa và 6 căn nhà cổ mua lại từ người dân các địa phương. Trong những ngôi nhà này, các cổ vật được anh sưu tầm, tập hợp về đây và sắp xếp theo từng chủng loại, niên đại, đồng thời bố trí một cách khéo léo, đẹp mắt, gần gũi với mọi người.

Ngắm bộ sưu tập đồ xưa cũ phủ màu thời gian của anh Nguyễn Hải Hưng, người xem như được sống lại những ký ức của những năm tháng đã qua. Những cổ vật từ các đồ đá, đồ gốm đến đồ đồng, đồ sắt đủ các niên đại đến những nồi niêu, bình lọ, bát đĩa bằng gốm, bằng đất nung, đồ dùng lao động, vũ khí thô sơ của người xưa được trưng bày ở đây giúp chúng ta hình dung ra phần nào lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước oai hùng của cha ông.

Trong bộ sưu tập đồ xưa cũ của anh Hưng, thu hút nhiều người xem có lẽ là chiếc trống đồng Đông Sơn có từ thế kỷ 7 trước Công nguyên; tượng thần đèn thời kỳ văn hóa Đông Sơn; hơn 300 kg tiền đồng các loại thời nhà Minh, nhà Thanh, nhà Lê..., chiếc ấm tổ ong thời nhà Hồ, ấm đầu rồng đuôi vẹt nhà Lý... Những bộ sưu tập cổ vật trên đều rất độc đáo và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa làm cho du khách hài lòng khi đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Anh Nguyễn Hải Hưng (khu 3, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc) cho biết, anh bắt đầu sưu tập đồ xưa cũ cách đây hơn 30 năm, cứ thế, bộ sưu tập của anh ngày càng nhiều theo thời gian. Kiếm được bao nhiêu tiền, anh lại dồn vào công cuộc sưu tầm, lưu giữ ký ức xưa.

“Mỗi món đồ là một câu chuyện và có giá trị riêng, hấp dẫn tôi bằng những vết sờn, sự cũ kỹ của thời gian. Chỉ cần anh em, bạn bè hoặc khách hàng gọi điện thông báo, dù xa tới đâu tôi cũng lập tức lên đường tìm đến tận nơi. Để có bộ sưu tập đồ sộ như hôm nay, ngoài thời gian, công sức, tiền bạc, cần có kiến thức để phân biệt hàng thật, hàng giả. Sưu tầm được món đồ nào, tôi thường tìm hiểu sâu về nguồn gốc, xuất xứ của chúng, cái gì không biết sẽ hỏi những người có kinh nghiệm, kiến thức hơn mình và tra cứu tài liệu".

Cùng với việc không ngừng sưu tập, gìn giữ, anh Nguyễn Hải Hưng luôn rộng cửa đón người dân, du khách đến tham quan, nghiên cứu và chiêm ngưỡng khu trưng bày cổ vật của gia đình. Tất cả hoạt động tham quan, trải nghiệm này đều miễn phí. Đặc biệt trong khoảng 10 năm gần đây, khu trưng bày cổ vật của gia đình anh Nguyễn Hải Hưng trở thành điểm tham quan vệ tinh của Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, thu hút khá nhiều du khách trong và ngoài nước.

Là một khách tham quan đến từ thành phố Thanh Hóa, anh Lê Anh Duy không khỏi ngạc nhiên cho biết, anh cùng bạn bè tới tham quan Di sản Thành nhà Hồ và Đàn tế Nam Giao, tiện đường rẽ vào thăm khu trưng bày của anh Nguyễn Hải Hưng vậy mà lại dừng ở nơi đây lâu nhất. Nhìn bộ sưu tập đồ sộ này, chứng tỏ anh Hưng rất dày công sưu tầm và chăm chút cho từng món đồ. Hỏi đến món nào anh Hưng đều có thể vanh vách kể rõ lai lịch, gốc tích khiến anh Duy đi từ thú vị này đến thú vị khác. Khi anh đăng hình, livestream (phát sóng trực tiếp) trên mạng xã hội, bạn bè khắp nơi đều rất thích thú và comment (bình luận) hỏi thăm, hỏi địa chỉ... Chắc chắn anh sẽ giới thiệu cho nhiều bạn bè về điểm đến thú vị này.

Không chỉ trưng bày tại nơi ở của mình, đã nhiều lần, bộ sưu tập đồ cổ của anh Hưng được tham gia các triển lãm, trưng bày lớn nhỏ, trong và ngoài tỉnh. Mới đây, nhân kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029-2019), gần 100 món cổ vật của anh Hưng được tham gia trưng bày trong triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” do UBND tỉnh tổ chức. Cá nhân anh Nguyễn Hải Hưng đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có nhiều thành tích trong các hoạt động kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa.

Ông Cao Văn Bình, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Vĩnh Lộc khẳng định: "Khu trưng bày của anh Hưng góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, du lịch, di sản của huyện Vĩnh Lộc tới người dân và du khách gần xa. Khu trưng bày đã mang hình hài, vị thế, vai trò của một Bảo tàng cổ vật tư nhân. Sắp tới, chúng tôi sẽ cùng anh Hưng đưa khu trưng bày này trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và kết nối với các ban, ngành liên quan sớm xây dựng Lâm Sơn Trang thành Bảo tàng đồ cổ tư nhân đầu tiên ở huyện Vĩnh Lộc."

Hơn 30 năm tìm lại ký ức xưa, anh Hưng vẫn chưa có ý định dừng lại. Với anh, sưu tầm vật xưa cũ không chỉ là thú chơi giữa cuộc sống xô bồ hiện đại mà nó còn giúp anh có thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa, con người qua từng thời kỳ. Ấp ủ lớn nhất của anh Nguyễn Hải Hưng là sẽ mở rộng khu trưng bày, thành lập bảo tàng tư nhân để trưng bày hiện vật một cách quy củ, khoa học hơn... từ đó góp phần giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di sản văn hóa xứ Thanh tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục