Cô giáo vùng cao trốn bố mẹ, vượt qua hủ tục để đi tìm con chữ

Khát khao được đi học trong khi cả gia đình phản đối, từ bố mẹ đến ông bà đều bắt phải ở nhà đi lấy chồng, Bàn Thị Chẩy quyết định bỏ trốn. Cô đi bộ cả ngày đường để đến trường đăng ký học sư phạm.
Cô giáo vùng cao trốn bố mẹ, vượt qua hủ tục để đi tìm con chữ ảnh 1Cô Bàn Thị Chẩy, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Hợp Giang, thành phố Cao Bằng. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Sinh ra và lớn lên giữa cộng đồng dân tộc Dao ở miền biên viễn Cao Bằng, hành trình trở thành nhà giáo của cô Bàn Thị Chẩy (nguyên giáo viên Trường Tiểu học Hợp Giang, thành phố Cao Bằng) là sự nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua khó khăn, nghèo đói và ý chí mạnh mẽ để chiến thắng hủ tục tảo hôn khi cô từng phải bỏ trốn khỏi nhà để được tiếp tục đến trường.

Gian nan tìm chữ…

Tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 19/11 tại Hà Nội, trong số 400 giáo viên tiêu biểu được lựa chọn từ hơn 1,3 triệu nhà giáo trên cả nước, cô giáo Bàn Thị Chẩy nổi bật với bộ trang phục rực rỡ của đồng bào dân tộc Dao. Cả cuộc đời cống hiến cho nghề giáo với 36 năm công tác, ít ai biết hành trình đến nghề của cô là cả chuỗi những năm tháng gian nan.

Hành trình đó trước tiên là nỗ lực đi tìm con chữ cho bản thân, thoát ra khỏi quan niệm lạc hậu của gia đình cũng như cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng cao, nơi người dân chỉ chú trọng ở nhà làm nông nghiệp để được no bụng. 

“Đó là lý do ai cũng ngăn cản, không muốn cho tôi đi thoát ly đi học chữ để ở nhà lao động kiếm sống,” cô Bàn Thị Chảy chia sẻ.

Cô Chẩy là người dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên ở xã Thành Công, huyện Bình Nguyên, tỉnh Cao Bằng, một xã có địa hình đồi núi phức tạp, cách trung tâm huyện hơn 40 cây số đường rừng, cách trung tâm tỉnh 90 km.

Ở một nơi rất xa xôi nhưng cô Chẩy bảo mình may mắn khi nhà nước có mô hình nội trú cho các con em dân tộc thiểu số vùng cao được đi học. “Mới chỉ là học sinh lớp 1, chúng tôi lúc đó còn quá nhỏ trong khi các bảo mẫu ở trường không thể quan tâm, chăm sóc được hết cho từng trẻ, lại rất đói, ăn không đủ no bụng. Vì thế, rất nhiều bạn không chịu được, gần như bỏ về hết, chỉ còn lại một số ít cố gắng trụ lại với trường,” cô Chẩy nhớ lại.

Cô giáo vùng cao trốn bố mẹ, vượt qua hủ tục để đi tìm con chữ ảnh 2Cô Chẩy vinh dự Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tặng bằng khen. (Ảnh: NVCC)

Phải sống xa gia đình, xa người thân, ăn đói, mặc rét nhưng cô Chẩy bảo mình chưa khi nào muốn từ bỏ khát khao đến trường. Chứng kiến sự nghèo khổ của gia đình, của những người thân xung quanh mình cũng như của bà con trong bản, cô càng nhận thấy việc đi học là rất cần thiết và sẽ là con đường duy nhất để mình có thể vượt ra khỏi vòng xoay quanh quẩn với đói nghèo.

“Đó là giai đoạn khó khăn nhất của hành trình đi tìm cái chữ để phấn đấu trở thành cô giáo của tôi, là những năm tháng tôi phải vượt qua chính mình có thể để tiếp cận với tri thức và những hiện đại ngoài xã hội,” cô Chẩy xúc động nói.

Nhưng bên cạnh đói nghèo, cô Chẩy còn phải vượt qua những hủ tục, những suy nghĩ lạc hậu của cộng đồng nơi mình sinh sống bởi khi học hết lớp 7, Chẩy bị cả gia đình phản đối việc tiếp tục đi học. Từ bố mẹ đến ông bà nội đều bắt cô lấy chồng, lại có rất nhiều đám hỏi.

Không thể thuyết phục được gia đình trong khi khát khao đi học vẫn rất cháy bỏng, Chẩy quyết định bỏ trốn. Chỉ với vài bộ quần áo gói trong tay nải, cô đi bộ sang tỉnh Bắc Kạn để theo học lớp sư phạm theo chương trình 7+2 - chương trình đào tạo giáo viên ánh sáng văn hóa vùng cao.

Trước quyết tâm, nghị lực và ý chí mạnh mẽ của Bàn Thị Chẩy, gia đình cuối cùng cũng đành phải đồng ý cho cô đi học.

“Đó thực sự là bước ngoặt, là ngã rẽ cuộc đời của tôi,” cô Chẩy trầm ngâm nói.

Gieo những mầm xanh

Lớn lên giữa bản làng, phải nỗ lực và quyết tâm cao độ để vượt qua cái đói và tư duy lạc hậu, cô Chẩy bảo đó cũng lý do cô luôn khát khao có thể mang lại con chữ cho những em nhỏ vùng cao và giúp bà con nơi đây thay đổi nhận thức. Với khát khao đó, Chẩy chỉ mong được đi học để làm cô giáo.

Nhưng khi ra trường, chính thức vào nghề cô mới hiểu mình đã bước chân vào một chặng đường gian nan khác khi có muôn vàn khó khăn dù cô được về dạy tại chính xã Thành Công quê hương mình.

Đó là những năm 1982-1983, giai đoạn mới xóa bỏ bao cấp, cả đất nước đều rất khó khăn, với khu vực miền núi lại càng nghèo đói hơn. Phụ huynh chỉ muốn con nghỉ ở nhà để đi làm, việc học của các em gần như bị bỏ quên, phong trào giáo dục đi xuống.

Cô giáo vùng cao trốn bố mẹ, vượt qua hủ tục để đi tìm con chữ ảnh 3Dù đã nghỉ hưu nhưng với những thành tích, nỗ lực và cống hiến cho ngành trong suốt 36 năm công tác, cô Chẩy vinh dự là một trong 400 giáo viên tiêu biểu toàn quốc về dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Cô Chẩy phải đi bộ đường rừng đến từng nhà để vận động học sinh tới lớp. Có khi vận động mãi học sinh mới đi học nhưng chỉ được đúng một buổi thì hôm sau lại tiếp tục nghỉ. Việc dạy học cũng rất vất vả khi học sinh người Dao không biết tiếng phổ thông nên một buổi học, cô phải giảng đi giảng lại nhiều lần bằng cả hai thứ tiếng. Vừa học ngôn ngữ mới, vừa học kiến thức mới, nhiều học sinh xin cô Chẩy nghỉ học để ở nhà đi lấy củi vì lấy củi còn dễ hơn đi học.

Khó khăn chồng chất khó khăn, mệt mỏi, áp lực và chán nản, cô Chẩy bảo đã nhiều lần nghĩ đến chuyển nghề. “Nhưng mỗi khi gặp học sinh, tôi lại quên đi khó khăn vì các em cứ quanh quẩn bên cô, hỏi hết điều nọ đến điều kia. Và khi mình truyền thụ được một bài học cho các em, nhìn ánh mắt rất vui vẻ, hăng hái học tập của các em thì nguyện vọng muốn chuyển nghề lại vơi dần, vơi dần đi,” cô Chẩy xúc động nói.

[Cô giáo Thủ đô không ngừng sáng tạo, dạy học trò qua dự án]

Với tình yêu nghề, cô Chẩy đã không ngừng tìm tòi, học hỏi nâng cao kiến thức và đổi mới cách dạy học và trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cô cũng nhiều lần được cử là giáo viên thể nghiệm dạy tại các hội thảo về giáo dục vùng cao, các hội thảo lớn cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Chia sẻ về bí quyết để giữ chân học sinh đến lớp, cô cho hay đối với học sinh vùng cao, dạy và dỗ luôn phải đi song hành với nhau. Các em không quen với những kỷ luật chặt chẽ như ở miền xuôi mà ưa nịnh, thích nói ngọt. Giáo viên cũng không thể cố nhồi kiến thức, cứ dạy đến khi nào các em hiểu mới thôi vì như vậy, các em sẽ rất áp lực, nhanh nản và bỏ học.

Cô phải vừa dạy vừa kể chuyện, phải sử dụng các phương pháp giáo dục tích cực nhất, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách thoải mái nhất, phải chấp nhận đi đường vòng, mất thêm thời gian để đạt được đích mình mong muốn là học sinh nắm được bài học.

Bên cạnh đó, cô cũng thường xuyên phải phân tích cho các em hiểu phải có cái chữ để cải thiện cuộc sống sau này, nêu các tấm gương để các em thấy đi học sẽ có tương lai khác hơn. Điều đó giúp cho các em có thêm động lực, mục tiêu học tập rõ ràng hơn, nỗ lực hơn.

“Điều quan trọng phải tạo cho các em sự hứng thủ để các em muốn đến trường, muốn đến lớp, muốn gặp cô, muốn được chia sẻ, thấy vui, thấy hạnh phúc khi đi học. Đó là bí quyết của nghề,” cô Chẩy chia sẻ.

Với những nỗ lực và cống hiến cho ngành giáo dục, năm 2017, cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu giáo viên ưu tú dù chỉ là giáo viên tiểu học đơn thuần đứng lớp.

Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, cô được vinh dự là một đại biểu của tỉnh Cao Bằng, là một trong 400 giáo viên tiêu biểu cả nước được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Tôi thực sự thấy rất vui và hạnh phúc, thấy công sức mình bỏ ra trong cả cuộc đời 36 năm công tác, cống hiến cho nghề giáo là xứng đáng. Có những dịp như thế này thì các cô giáo vùng cao mới được về Thủ đô, được gặp rất nhiều những tấm gương tận tâm tận tụy với nghề, đã hy sinh cống hiến rất nhiều cho nghề, là những bông hoa đẹp cho đời. Tôi lại thấy mình quá nhỏ bé và ước mong được trẻ lại để có thể nỗ lực cống hiến hơn nữa,” cô Chẩy xúc động nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục