Việt Nam - Nhật Bản tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y học cổ truyền

Chiều 7/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Đổi mới y học cổ truyền Việt Nam – Nhật Bản” do Hội Nam y Việt Nam và Công ty Cổ phần Hasu No Hana phối hợp tổ chức.

Hội thảo là diễn đàn cho gần khoảng 100 đại biểu là chuyên gia, nhà nghiên cứu về y dược cổ truyền Việt Nam và chuyên gia đầu ngành về y dược cổ truyền của Nhật Bản trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào thực tiễn của y học cổ truyền nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cộng đồng; đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước ngày càng bền chặt.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, cả nước hiện có 63 bệnh viện y học cổ truyền, trong đó có 3 bệnh viện trung ương. Trong những năm qua, ngành Y tế tập trung tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển mạnh y dược cổ truyền; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại; tăng cường quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền. 

Ngành Y tế Việt Nam đã đẩy mạnh việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại so với tổng số người bệnh được khám, chữa bệnh, trong đó tuyến trung ương đạt 25%, tỉnh đạt 30%, huyện 40%.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền hoặc bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền-phục hồi chức năng tuyến tỉnh; 95% bệnh viện đa khoa, viện có giường bệnh, bệnh viện chuyên khoa có khoa y, dược cổ truyền; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Thịnh mong muốn các hội hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền cả nước đồng hành với ngành nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng về cơ cấu bệnh tật của nhân dân.

Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Bình, Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam cho biết, ngày nay, nhu cầu chữa bệnh bằng y dược cổ truyền là xu hướng không chỉ ở phương Đông mà mang tính toàn cầu bởi lợi ích to lớn của nó trong việc nâng cao sức khỏe, điều hòa miễn dịch, chống các rối loạn chuyển hóa, chống lão hóa, điều hòa phản ứng bất lợi của cơ thể trước các yếu tố gây bệnh. Khi kết hợp y học cổ truyền với các phương pháp của y học phương Tây sẽ đạt kết quả tối ưu trong việc chăm sóc sức khỏe con người. Vì vậy, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, sinh học phân tử, tế bào gốc... ứng dụng trong y tế, y học cổ truyền cần có sự đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.  

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Việt Nam và Nhật Bản đã trình bày các tham luận khẳng định vai trò của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp đổi mới các phương pháp chữa bệnh truyền thống như: Đổi mới đào tạo trong y học cổ truyền; Đổi mới trong ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong y học cổ truyền Việt Nam; Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất thuốc Kampoo Nhật Bản… Bên cạnh đó, các chuyên gia còn giới thiệu những bài thuốc đơn giản chữa bệnh về đường tiêu hóa rất hiệu quả.

Tại tham luận “Các bệnh đường tiêu hóa và cách điều trị bằng y học cổ truyền” của bác sĩ Hoàng Sầm cho biết, các vị thuốc, cây thuốc chữa bệnh dạ dày tá tràng ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Ví dụ cây núc nác, cây rau muống già, cây rau má, hoa cây gạo cũng có thể có trong những bài thuốc dân gian chữa bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng…

Ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Công ty Cổ phần Hasu No Hana - nhà phân phối sản phẩm độc quyền cho nhiều công ty dược phẩm Nhật Bản tại thị trường Việt Nam đánh giá, Việt Nam có nguồn cung dược liệu khá dồi dào, với khoảng hơn 5.100 loài thực vật có công dụng làm thuốc. So với một số nước khác, dược liệu Việt Nam có thị phần còn khiêm tốn tại thị trường Nhật Bản với 1,1% trên tổng kim ngạch nhập khẩu dược liệu của nước này. Vì vậy, cơ hội cho các nhà sản xuất và xuất khẩu dược liệu của Việt Nam ở thị trường Nhật Bản là rất lớn. Cùng với cơ hội cho dược liệu Việt Nam có mặt tại thị trường Nhật Bản, việc trao đổi kinh nghiệm giữa chuyên gia đầu ngành về y học cổ truyền của hai nước sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y học cổ truyền, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Bích Thủy (TTXVN)
Xây dựng nền Y học cổ truyền phát triển bền vững
Xây dựng nền Y học cổ truyền phát triển bền vững

Một khảo sát người tiêu dùng do Tổ chức TRAFFIC thực hiện năm 2020 cho thấy, cứ một trong 4 Thầy thuốc Y học cổ truyền (YHCT) và bác sỹ tham gia khảo sát thừa nhận, từng kê đơn động vật hoang dã (ĐVHD) cho bệnh nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN