Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí có thể giết chết hàng tỷ người

Chuyên gia Nicholas Stern cảnh báo nếu chúng ta để mức tăng nhiệt độ của Trái Đất từ 3-4 độ C sẽ gây thảm họa lớn khiến nhiệt độ cao cực đoan, gây thương vong ở những nước đông dân.
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí có thể giết chết hàng tỷ người ảnh 1Khí thải bốc lên từ nhà máy ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí đã và đang "sát hại" con người trên quy mô lớn toàn cầu. Giáo sư Nicholas Stern, một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về tình trạng ấm lên toàn cầu, ngày 6/10 đã đưa ra lời cảnh báo trên tại Diễn đàn thông tin năng lượng tổ chức tại London (Anh).

Phát biểu với các đại biểu tham dự diễn đàn, trong đó có CEO các tập đoàn lớn, giáo sư Stern thuộc Đại học Kinh tế London cho rằng mức tăng nhiệt độ của Trái Đất từ 3-4 độ C là vẫn có thể xảy ra.

Mức tăng nhiệt như vậy sẽ gây "thảm họa" và khiến nhiệt độ cao cực đoan, gây thương vong ở những nước đông dân. Giáo sư Stern nhấn mạnh: "Chúng ta đang nói về nguy cơ hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ người thiệt mạng."

[Thế giới đang tiến gần đến mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 3 độ C]

Theo Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, các nước đã cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2050 với mục kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu từ 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các cơ hội thực hiện mục tiêu trên đang nhanh chóng tiêu tan, đồng thời cảnh báo tác động có thể còn nghiêm trọng hơn.

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí có thể giết chết hàng tỷ người ảnh 2Cảnh ngập lụt do mưa lớn tại thành phố Verviers, Bỉ ngày 15/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với mức tăng nhiệt trên, mực nước biển có thể dâng cao từ 10-20 cm, nhấn chìm một số khu vực và làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Giáo sư Stern nói: "Chúng ta không biết là mình đang tiến gần tới làm sụp đổ hệ thống rừng Amazon hoặc làm tan băng ở tầng đất đóng băng vĩnh cửu hay tình trạng tan băng ở Nam Cực, sẽ giải phóng một lượng khổng lồ khí thải gây hiệu ứng nhà kính".

Bên cạnh đó, trong phát biểu tại Diễn đàn, giáo sư Stern cũng hoan nghênh những biện pháp ban đầu của ngành năng lượng hướng tới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời cho rằng các nước cần đầu tư vào hạ tầng cơ sở và trang thiết bị mới.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục