Mỹ muốn chiếm thị phần vũ khí bị trừng phạt từ Nga

Ngành công nghiệp quốc phòng bị trừng phạt của Nga đang mở ra “cơ hội” cho các công ty quốc phòng Mỹ và phương Tây trong thị trường vũ khí toàn cầu.

Chú thích ảnh
Mỹ coi các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực quốc phòng với Nga là cơ hội cho xuất khẩu vũ khí của họ. Ảnh: U.S. Army

Trang tin defensenews.com dẫn lời một quan chức Nhà Trắng mới đây cho biết ngành công nghiệp quốc phòng bị trừng phạt của Nga đang tạo ra “cơ hội” cho các công ty quốc phòng của Mỹ và phương Tây giành lấy thị phần từ Moskva.

Cara Abercrombie, điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về chính sách quốc phòng và kiểm soát vũ khí, nêu rõ: “Trên thực tế, các quốc gia phụ thuộc vào trang thiết bị của Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có được nguồn cung cấp cơ bản từ cơ sở công nghiệp quốc phòng của Moskva. Đó là cơ hội để Mỹ cung cấp sự hỗ trợ mà các quốc gia này cần”.

Phát biểu trên được đưa ra vài tuần sau khi Chính quyền Biden thông báo với Quốc hội Mỹ rằng họ sẽ cung cấp 2,2 tỷ USD tài trợ quân sự nước ngoài mới cho Ukraine và các nước thuộc Khối Warszawa trước đây mà thiết bị do Liên Xô sản xuất là một phần của viện trợ quốc tế được chuyển sang Ukraine.

“Trong NATO, đó có thể là sự chuyển đổi của các đối tác bên sườn phía Đông của chúng tôi sang thiết bị phương Tây, tiêu chuẩn NATO. Nhưng chắc chắn với các quốc gia khác ở Thái Bình Dương, đây cũng là một cơ hội, không chỉ cho Mỹ, mà cho cả ngành công nghiệp quốc phòng của phương Tây”, bà Abercrombie nói.

Về phần mình, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua bán và bảo dưỡng vũ khí Bill LaPlante lưu ý: “Khả năng thay thế cho nhau bằng sự tương tác giữa các đồng minh và đối tác mang đến một cơ hội, không chỉ về mặt kinh tế, mà còn về mặt địa chiến lược. Liên kết các cơ sở công nghiệp thông qua cái gọi là 'tình hữu nghị' sẽ giảm thiểu các cú sốc trong chuỗi cung ứng và là yếu tố cần thiết cho sự phòng thủ chung của Mỹ và các đồng minh".

Ông  LaPlante giải thích: “Như chúng ta đã thấy ở Ukraine, vũ khí và thiết bị do Mỹ và các đồng minh cung cấp là tốt nhất trên thế giới. Tiếp tục tích hợp chặt chẽ hơn những khả năng này với các tiêu chuẩn ngày càng phổ biến cho bom, đạn, phần mềm và các thành phần khác sẽ mang lại những lợi thế lớn hơn nữa trong tương lai”.

Theo bà Abercrombie, cùng với những nỗ lực do Lầu Năm Góc dẫn đầu nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của phương Tây và đồng minh, Nhà Trắng sẽ tiếp tục phối hợp với Lầu Năm Góc để hợp lý hóa quy trình bán vũ khí của Mỹ trên toàn cầu.

Khi được hỏi về các hạn chế thương mại của Liên minh châu Âu có thể cản trở xuất khẩu quốc phòng của Mỹ hay không, bà Abercrombie nhấn mạnh Chính quyền Biden đang tìm cách giảm bớt những rào cản đó: "Những thách thức từ chuỗi cung ứng cho thấy rõ ràng rằng đã đến lúc tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng nhau để giảm bớt các rào cản”.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào tháng 8/2022 đã thành lập nhóm đặc biệt để giải quyết quy trình bán thiết bị quân sự cho nước ngoài của Mỹ, trong đó có đại diện của cả Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai sau Mỹ vào năm 2021. Khách hàng chính của Moskva là Ấn Độ, Trung Quốc và Ai Cập. Tuy nhiên, người đứng đầu chi nhánh xuất khẩu vũ khí của Nga vào đầu năm nay cho biết doanh thu xuất khẩu vũ khí của Moskva vào năm 2022 có thể đạt tổng cộng khoảng 10,8 tỷ USD, thấp hơn khoảng 26% so với năm 2021.

Công Thuận/Báo Tin tức
Tổng thống Zelensky: Quân đội Ukraine tiến ‘nhanh và mạnh mẽ’ ở miền Nam
Tổng thống Zelensky: Quân đội Ukraine tiến ‘nhanh và mạnh mẽ’ ở miền Nam

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với người dân rằng ông có tin tốt "cả từ tiền tuyến và trên mặt trận ngoại giao" trong bài phát biểu vào tối 4/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN