Tiền Giang: Cảnh báo chiêu thức tội phạm lừa đảo xuất khẩu lao động

Công an tỉnh Tiền Giang cảnh báo những kẻ xấu thường chiêu dụ, lôi kéo, đưa người lao động sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” để lấy tiền và đòi tiền chuộc nếu nạn nhân muốn về nước.
Tiền Giang: Cảnh báo chiêu thức tội phạm lừa đảo xuất khẩu lao động ảnh 1Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Tây Ninh làm các thủ tục tiếp nhận số lao động tự do tại Campuchia trở về nước. (Ảnh: TTXVN phát)

Công an tỉnh Tiền giang cho biết thời gian gần đây, trên địa bàn nổi lên tình hình lừa đảo đưa người trái phép sang Campuchia làm việc hoặc đưa người muốn trở về Việt Nam từ Campuchia gia tăng.

Lực lượng Công an đang thụ lý và xác minh 6 tin báo, tố giác về việc lừa đảo đưa người sang Campuchia.

Qua thực hiện đợt cao điểm, Công an tỉnh đã khám phá một chuyên án, bắt giữ đối tượng Lê Anh Thư (sinh năm 1999, cư trú ấp Hậu Phú 1, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) có hành vi mua bán người, cưỡng đoạt tài sản.

Thủ đoạn của Thư là chiêu dụ, lôi kéo, đưa người sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” để lấy tiền và đòi tiền chuộc nếu nạn nhân muốn về nước.

Khi bắt giữ và kiểm tra nơi ở của đối tượng Thư vào ngày 1/8/2022, lực lượng làm nhiệm vụ đã thu giữ nhiều chứng cứ, tài liệu quan trọng có liên quan đến hành vi mua bán người.

Tại Cơ quan điều tra, trước những chứng cứ không thể chối cãi, Thư đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời khai nhận đã lôi kéo được vài người sang Campuchia để nhận tiền hoa hồng 800 USD. Ngoài ra, Thư còn đang dụ dỗ được vài người, chuẩn bị đưa sang Campuchia thì bị bắt.

Theo Công an tỉnh Tiền Giang, gần đây, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người chủ yếu thông qua mạng xã hội. Các đối tượng tác động vào nhóm người trẻ, chưa có việc làm ổn định, sinh viên mới ra trường muốn tìm việc làm có thu nhập cao, dụ dỗ bằng những lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” với mức lương 1.000 USD/tháng để “dẫn dụ” nạn nhân.

Ông Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh khuyến cáo: Người dân nếu muốn xuất khẩu lao động nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm tin cậy để được đào tạo, đưa đi hợp pháp.

Người lao động cần tìm hiểu kỹ về địa điểm, công việc nơi chuẩn bị đến làm việc, tìm hiểu về thân nhân, lai lịch của người giới thiệu việc làm; tham khảo ý kiến của người thân trước khi xuất khẩu lao động; không nghe lời bạn bè, người quen đi qua biên giới tìm việc, kể cả khi đi bằng con đường chính ngạch. Đặc biệt, người dân phải cảnh giác trước những lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao.”

[Cảnh giác với chiêu trò quảng cáo về tuyển dụng lao động để đổi đời]

Nhằm nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm lợi dụng thủ đoạn giới thiệu “việc làm, lương cao” để lừa gạt người lao động, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang vừa có công văn về việc phòng ngừa, ngăn chặn xuất khẩu lao động để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người lao động trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tăng cường tuyên truyền nội bộ và đến nhân dân về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài lợi dụng xuất khẩu lao động để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người lao động.

Phương chức chủ yếu của đối tượng người nước ngoài là đưa ra các thông tin gian dối, không đúng sự thật như sử dụng danh nghĩa đại diện pháp nhân thương mại của công ty ở nước ngoài hoặc một số công ty môi giới, xuất khẩu lao động ở Việt Nam; lợi dụng sự thiếu hiểu biết thông tin, có tâm lý chi phí giá rẻ để ký hợp đồng, chiếm đoạt tiền của người lao động.

Các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp có đủ năng lực, tư cách pháp nhân, kiên quyết không qua khâu trung gian để hạn chế bị kẻ xấu lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo xuất khẩu lao động, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để phối hợp xử lý.

Các cấp, ngành cần phối hợp kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các doanh nghiệp cung ứng lao động ra nước ngoài để chủ động phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các doanh nghiệp môi giới, lừa đảo đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

Lực lượng Công an các cấp thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn việc lợi dụng hoạt động xuất khẩu lao động để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục