Phát triển du lịch Long An - Bài 1: Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Long An là địa phương có nhiều tiềm năng lớn để phát triển du lịch khi được thiên nhiên ưu đãi nhiều sản phẩm du lịch, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển du lịch mạnh mẽ, Long An cần tháo gỡ các điểm nghẽn về đầu tư, dịch vụ du lịch...

Chú thích ảnh
Đại diện các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước cùng tham gia khảo sát các tuyến điểm du lịch mới tại tỉnh Long An trong Tuần lễ Văn hoá Du lịch tỉnh Long An năm 2022. 

Bài 1: Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Theo Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, trong năm 2022, du lịch Long An có bước những bứt phá mạnh mẽ khi tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới, định hình trở thành một tỉnh đa dạng các loại hình du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh nhiều hơn.  

Định vị thương hiệu du lịch mới

Trong chuyến khảo sát các tuyến, điểm du lịch mới tại Long An, nhiều doanh nghiệp lữ hành, trường đạo tạo du lịch tại TP Hồ Chí Minh ngạc nhiên khi Long An có rất nhiều sản phẩm du lịch mới lạ và hấp dẫn. TS Nguyễn Văn Hoàng, Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh (Hutech) cho biết, từ lâu nay Long An được xem là "cửa ngõ" TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thế nhưng du khách thường chỉ đi ngang qua và ít khi dừng chân nên việc tham quan hay nghỉ ngơi một đêm lại nơi đây càng hiếm. Vì vậy, việc Long An đầu tư nhiều khu du lịch, khu vui chơi, resort, khách sạn (bungalow) để thu hút du khách lưu lại một đêm là một phát triển đột phá. 

Chú thích ảnh
Du khách TP Hồ Chí Minh có thể trải nghiệm hái chanh tại các khu du lịch mới nổi lên của Long An.

Tương tự, ông Thái Doãn Hồng, Giám đốc Công ty du lịch Thanh Thanh cho biết, lợi thế lớn nhất của Long An là gần thị trường khách lớn cả nước - TP Hồ Chí Minh; cửa ngõ tới ĐBSCL và kết nối với Campuchia. Tuy nhiên, ngành du lịch Long An đang có những điểm nghẽn cần tháo gỡ như: cơ sở hạ tầng chưa phát triển tương xứng, nhất là hệ thống giao thông chưa phát triển mạnh mẽ nên các tuyến đường đến các điểm du lịch khá nhỏ, nhiều ổ gà, ổ voi dẫn đến khó di chuyển... Các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa thu hút du khách quốc tế trong khi tỉnh Long An có các điểm đến du lịch khá hoang sơ, đủ điều kiện để thu hút khách nước ngoài. Do đó, nếu Long An đầu tư đúng vào các sản phẩm du lịch hoang sơ và nâng chất lượng dịch vụ, chắc chắn đây sẽ là tỉnh thu hút du khách nước ngoài trong thời gian tới.

Với góc độ là một chuyên gia du lịch, ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Exotic Việt Nam cho biết, sản phẩm du lịch của Long An không thiếu nhưng chưa được đầu tư đúng mức và giữ gìn các sản phẩm du lịch đã được xây dựng trước đó. Khi khảo sát các chuyên gia du lịch đều thấy Long An có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, khi du khách đến thì điểm du lịch này đã bị xuống cấp.

Mặt khác, Long An gần TP Hồ Chí Minh nhưng hệ thống giao thông của Long An vẫn chưa phát triển nhiều so với 10 năm trước. Vì vậy, muốn phải triển du lịch phải đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống giao thông. Long An có tiềm năng hút các dòng khách nội địa đi về trong ngày là những nhóm bạn bè, người thân, gia đình… vì Long An rất gần TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Ông Trần Tường Huy,  Viện phó Viện nghiên cứu du lịch xã hội cho rằng, du lịch Long An cần định vị thương hiệu du lịch Long An là gì để có hướng phát triển phù hợp. 

Trong khi đó, ông Trần Tường Huy, Viện phó Viện nghiên cứu du lịch xã hội cho biết, Long An có ngành du lịch phát triển sau các tỉnh ĐBSCL, vì vậy Long An cần định vị thương hiệu du lịch của mình là gì để tập trung phát triển mạnh sản phẩm du lịch đó.

"Ví dụ, Long An có thế mạnh về du lịch nông nghiệp nên có thể tập trung phát triển sản phẩm này. Cụ thể, phát triển du lịch liên quan đến sản phẩm chanh không hạt, hiện đã có thị trường xuất khẩu và nhiều nước biết tới. Hiện nay, Long An cũng có một số đơn vị phát triển du lịch từ chanh, đó là Khu du lịch Chavi Garden, vậy tại sao không xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp này thành chuỗi liên kết với các hộ nông dân khác để đem đến nguồn thu cho nông dân và gia tăng thêm các trải nghiệm cho du khách khi tự mình tìm hiểu các quy trình trồng và thu hoạch chanh ra sao?", ông Trần Tường Huy đặt vấn đề.

Mặt khác, theo ông Huy, các khu du lịch sinh thái nông nghiệp của Long An cũng nên đầu tư thêm có các dịch vụ đi kèm như: dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống… có thể xây dựng thành một gói sản phẩm để du khách lựa chọn khi đến Long An. Khi doanh nghiệp có các gói sản phẩm du lịch hoàn thiện, doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh cũng dễ dàng chào bán tour cho du khách trong và ngoài nước…

Sản phẩm an toàn, thân thiện, hấp dẫn

Đồng quan điểm về việc phát triển mạnh các sản phẩm du lịch mới và đặc thù, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Viettourist cho biết, Long An muốn định vị thương hiệu du lịch thì cần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới có tính trải nghiệm cao hơn và khác với các tỉnh ĐBSCL còn lại. Hiện nay, đa số du khách TP Hồ Chí Minh và các tỉnh là dân văn phòng làm việc trong môi trường điều hòa máy lạnh, ít vận động. Vì vậy, khi đi du lịch, du khách cần một điểm du lịch gần thành phố nhưng đồng thời cũng gần với thiên nhiên. Do đó, Long An hoàn toàn có thể thu hút khách TP Hồ Chí Minh nếu định vị phát triển các sản phẩm du lịch gần gũi với thiên nhiên, thuận tiện đi về trong ngày.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Công ty Golden Smile Travel cho biết, tính trên mặt bằng chung của ngành du lịch, du lịch Long An đang phát triển sau các tỉnh thành phố ở ĐBSCL. Tuy nhiên, khi ở vị trí "đi sau" cũng sẽ giúp du lịch Long An có nhiều kinh nghiệm và lựa chọn hướng mới để phát triển các sản phẩm du lịch thật sự hấp dẫn và cạnh tranh với các điểm đến khác. 

Chú thích ảnh
Du khách thích thú cho cá ăn trong vườn thú Mỹ Quỳnh tại Long An.

“Thực tế, sau nhiều lần dẫn các đoàn doanh nghiệp lữ hành đi khảo sát du lịch Long An, đa số doanh nghiệp cho rằng, Long An là một địa phương có tiềm năng phát triển những loại hình du lịch đặc thù cho vùng ĐBSCL thay vì rập khuôn như các điểm đến miền Tây khác. Ví dụ, du lịch đường sông cao cấp, du lịch sinh thái trải nghiệm tắm dược liệu giữa rừng, đạp xe giữa rừng tràm hay du lịch giải trí, trải nghiệm cho học sinh ở Vườn thú Mỹ Quỳnh; khám phá khu vui chơi giải trí Happy Land… Với các điểm du lịch mới và đặc thù sẽ tạo ra điểm nhấn để Long An ngày càng thu hút du khách", ông Nguyễn Trần Hoàng Phương nói.

Dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết, Long An đang hiện thực hóa mục tiêu là tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL, phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Trong đó, Long An sẽ tập trung xây dựng hình ảnh “Du lịch Long An an toàn, thân thiện, hấp dẫn” tạo sức hút lớn đối với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước, là một hướng đi đột phá cho sự phát triển của tỉnh.

Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch Long An đã có những bước bứt phá mạnh mẽ về việc tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới, định hình trở thành một tỉnh đa dạng các loại hình du lịch để thu hút du khách nhiều hơn như: du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, du lịch trải nghiệm khá phám, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tập đánh golf, du lịch khám phá miệt vườn,…

Chú thích ảnh
Hiện nay, Long An đang thu hút rất nhiều du khách từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố khác trên cả nước đến tham quan.

"Đặc biệt, nhằm tạo sự khác biệt với các tỉnh ĐBSCl, sắp tới tỉnh Long An sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái điển hình của vùng Đồng Tháp Mười theo hướng gắn với du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, sử dụng những sản phẩm thảo dược tự nhiên của vùng ngập nước Đồng Tháp Mười. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh kêu gọi đầu tư du lịch đường sông trên hệ thống sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, từ tỉnh Tây Ninh trải dài xuống các huyện của Long An như: huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức đổ ra sông Cần Giuộc, Cần Đước với chế độ thủy triều hiền hòa, lưu lượng giao thông vừa phải, cảnh đẹp, gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa làng nghề hai bên bờ sông, tạo ra du lịch nét riêng cho du lịch Long An. Về lâu dài, tỉnh cũng nâng cao công tác lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch để khai thác các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, về di tích lịch sử văn hóa, tạo thành điểm nhấn cho những dự án du lịch có trọng điểm...", ông Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Long An, trong quá trình hình thành và phát triển, các thế hệ cư dân nơi đây đã để lại những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu để phát triển mạnh ngành du lịch: 123 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp Quốc gia, 102 di tích cấp tỉnh, 5 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nhiều lễ hội và làng nghề truyền thống cùng những di sản văn hóa phi vật thể khác. Ngoài ra, Long An có hệ sinh thái đặc trưng vùng ngập nước, nổi bật với các giá trị cảnh quan như rừng tràm, lau sậy, đầm sen, hoa súng, sông nước, vườn cây trái, những cánh đồng lúa, rau màu và nhiều loại động vật. 

Bài cuối: Đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Phát triển du lịch Long An - Bài cuối: Đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương
Phát triển du lịch Long An - Bài cuối: Đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương

Trong giai đoạn bình thường mới, ngành du lịch Long An đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động kết nối, liên kết vùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước nhằm xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch mới của mình đến với đông đảo du khách, từ đó khôi phục ngành du lịch trở lại sau giai đoạn dịch bệnh. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN