Quảng Nam: Kinh nghiệm phòng tránh bão ở xã đảo Tam Hải

Tam Hải là địa phương chịu ảnh hưởng đầu tiên của bất kỳ cơn bão nào khi vào Quảng Nam. Vì vậy, các phương án chủ động phòng, tránh bão, giảm thiểu thiệt hại luôn được địa phương đặt lên hàng đầu.
Quảng Nam: Kinh nghiệm phòng tránh bão ở xã đảo Tam Hải ảnh 1Toàn bộ người già, phụ nữ và trẻ em ở xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam đã được đưa vào bờ. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Bão số 4 được dự báo là cơn bão lịch sử, gây thảm họa khôn lường khi vào đất liền.

Tuy nhiên, với sự chuẩn bị một cách bài bản, quyết liệt, phù hợp điều kiện, tình hình thực tế, thông tin chỉ đạo thông suốt, theo dõi thường xuyên hướng di chuyển, tốc độ của bão để có ứng phó kịp thời cả trên đất liền và việc di chuyển tránh bão của ngư dân làm ăn trên biển nên xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam hầu như không có thiệt hại đáng kể do bão số 4 gây ra.

Chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã đảo Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng cho biết xã đảo Tam Hải là địa phương chịu ảnh hưởng đầu tiên của bất kỳ cơn bão nào khi vào đất liền Quảng Nam. Vì vậy, các phương án chủ động phòng, tránh bão, giảm thiểu thiệt hại luôn được địa phương đặt lên hàng đầu trước mỗi mùa mưa bão.

Rút kinh nghiệm từ thực tế, khả năng ứng phó với bão trong những năm qua, trước bão số 4, xã đảo Tam Hải đã hoàn thành việc sơ tán toàn bộ 231 hộ với 740 người ở các thôn Bình Trung, xóm Chùa và ốc đảo Long Thạnh Tây là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của triều cường, sóng biển vào nơi an toàn tại các địa phương trong đất liền trước thời gian quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

[Quảng Nam đưa người già, phụ nữ, trẻ em xã đảo Tam Hải vào đất liền]

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã đảo Tam Hải chia sẻ thêm, do điều kiện đi lại giữa xã đảo Tam Hải với đất liền chỉ bằng một bến phà, để giảm thiểu tình trạng quá tải trong việc vận chuyển người bằng phương tiện đường thủy khi bão vào gần bờ, ngay từ sớm, người già, phụ nữ, trẻ em ở khu vực xung yếu đều được chuyển vào đất liền từ sáng 27/9, sớm hơn 12 giờ so với dự kiến bão số 4 đổ bộ vào đất liền.

Là một trong những người sớm được đưa vào nơi ở an toàn trong đất liền, bà Lê Thị Tiễn, thôn Đông Tuần, xã Tam Hải cho biết trước khi bão vào, lực lượng Bộ đội Biên phòng, lực lượng xung kích dùng bao tải chứa cát cùng vật dụng khác chèn chống, gia cố nhằm hạn chế sạt lở đất do triều cường, sóng biển gây ra nên nhà của bà con không bị hư hỏng nhiều. Khu vực bà ở, vào mùa mưa, sóng biển đánh vào tới sân nên những người cao tuổi sớm được đưa vào đất liền tránh bão.

Với những nỗ lực này, ngoài số người được đưa vào đất liền tránh bão, xã Tam Hải đã sơ tán gần 1.600 nhân khẩu đến tránh trú bão tại nhà dân và công trình kiên cố trên đảo.

Các lực lượng như Biên phòng, Hải đội, Cảnh sát biển, Sư đoàn bộ binh 315 đã giúp hàng trăm gia đình chằng chống nhà cửa và công trình công cộng, nhờ vậy không có thiệt hại đáng kể do bão.

Gắn trách nhiệm từng người trong công tác phòng ngừa thiên tai

Song song với việc sơ tán người đến nơi an toàn, ngay từ sớm, xã đảo Tam Hải đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng người trong ban lãnh đạo từ xã đến thôn có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động chủ phương tiện neo đậu đúng kỹ thuật để phòng ngừa tàu thuyền va đập vào nhau.

Đồng thời, xã yêu cầu tất cả mọi người không được ở trên tàu khi bão sắp vào gần bờ.

Quảng Nam: Kinh nghiệm phòng tránh bão ở xã đảo Tam Hải ảnh 2Toàn bộ người già, phụ nữ và trẻ em ở xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam đã được đưa vào bờ. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Mặt khác, cán bộ được phân công phụ trách từng địa bàn có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường của Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển giúp đỡ người dân gia cố, chằng chống nhà cửa; vận động người nuôi trồng thủy sản trong lồng bè nhanh chóng thu hoạch hải sản, đưa lồng bè vào nơi kín gió để hạn chế thiệt hại.

Tam Hải là xã đảo, có đội tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ mạnh nhất nhì huyện Núi Thành.

Do vậy, xã nắm chắc thông tin về số lượng tàu thuyền, số lao động làm việc trên tàu và vùng ngư trường để phối hợp cùng các đài trực canh ven bờ của Bộ đội Biên phòng thường xuyên cung cấp thông tin về diễn biến, tốc độ, hướng di chuyển của bão từ đó có hướng dẫn kịp thời, chính xác, đồng thời, yêu cầu thuyền trưởng đưa phương tiện thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão một cách sớm nhất.

Đây là giải pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện làm ăn trên biển, nhất là phương tiện đánh bắt xa bờ.

Trong bão số 4, toàn bộ 407 tàu thuyền của ngư dân trong xã, trong đó, có 26 tàu công suất lớn đánh bắt dài ngày ở ngư trường khơi xa đều nắm được thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến của bão qua phương tiện thông tin liên lạc và chấp hành tốt yêu cầu trong việc phòng tránh bão.

Tất cả chủ tàu đều đưa phương tiện vào nơi trú tránh bão an toàn nên tuyệt đối không có thiệt hại do bão, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng khẳng định.

Tuy vẫn còn nhiều mặt cần được bổ sung trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, song với những nội dung công việc đều được chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa và thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, nhờ vậy xã Tam Hải đã hạn chế thiệt hại một cách thấp nhất thiệt hại do bão số 4 gây ra, ông Nguyễn Tấn Hùng cho biết thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục