Nhu cầu nông sản hữu cơ lớn, người sản xuất vẫn gặp khó

20:32' - 28/09/2022
BNEWS Việc tổ chức sản xuất, thương mại nông sản hữu cơ và sản phẩm chế biến vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Nông sản hữu cơ và sản phẩm chế biến còn nhiều dư địa để phát triển nhờ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao.

Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất, thương mại nông sản hữu cơ và sản phẩm chế biến vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Đây là nội dung đề cập tại "Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến" do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, tại Tp.Hồ Chí Minh, ngày 28/9.

*Tiềm năng và nhu cầu lớn

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam thông tin, thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, đến nay Việt nam đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước. Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã trên 174.000 ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á.

Trong số đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63.000 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000 ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000 ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới…

Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 -3 % tổng diện tích đất nông nghiệp; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất hữu cơ cao gấp 1,5 -1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp Việt Nam có lợi thế so sánh bởi tính đa dạng và quy mô sản lượng.

Nhiều loại nông sản Việt Nam có sản lượng hàng đầu thế giới, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác hợp lý. Mặt khác, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp; yêu cầu tăng dân số trong những thập niên tới với tỉ lệ ngày càng tăng cao sẽ làm biến đổi sâu sắc môi trường sinh thái và nền nông nghiệp trên toàn cầu.

Chính vì vậy, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu vì đó là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người; đồng thời, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm nông sản tốt, chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ người sản xuất trong quá trình sản xuất.

Về dư địa thị trường tiêu thụ, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ (thực phẩm và đồ uống hữu cơ) trên thị trường toàn cầu đã tăng từ 18 tỷ USD năm 2000 lên 129 tỷ USD vào năm 2020, tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021, và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022.

Thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ 47,9 tỷ USD (chiếm hơn 41% giá trị tiêu thụ toàn cầu), Đức (14,5 tỷ USD) và Pháp (12,3 tỷ USD).

Tuy nhiên, tính theo mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên đầu người/năm thì nhiều nhất là Thụy Sỹ (405 USD), Đan Mạch (372 USD) và Luxembourg (276 USD). Thị trường đang có tốc độ tăng trưởng cao là Canada (26,1%), Trung Quốc (23%) và Đức (22,3%). Đây là những thị trường tiềm năng cho nông sản hữu cơ Việt Nam thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, người tiêu dùng thế giới đang tìm kiếm những bữa ăn gia đình tốt hơn, đảm bảo sức khoẻ; yêu cầu về thông tin, truy xuất nguồn gốc và sự an toàn của sản phẩm ngày càng cao. 

Các quốc gia cũng gia tăng số lượng các tiêu chuẩn bền vững và quy trình ghi nhãn mác sản phẩm và các quy định về kiểm dịch động, thực vật  hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe công đồng và môi trường. 

Quy định nhằm nâng cao chất lượng hàng nông sản không chỉ là mục tiêu riêng của EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… mà của tất cả các thị trường; trong đó, có Việt Nam.

*Vẫn nhiều thách thức

Sơ chế thanh long xuất khẩu tại huyện Chợ Gạo. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Dù tiềm năng và dư địa thị trường cho các sản phẩm nông sản hữu cơ là rất lớn, song thực tế những người tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn gặp rất nhiều thách thức.

Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh chia sẻ, tiềm năng, thế mạnh để sản xuất sản phẩm lúa hữu cơ của Việt Nam còn rất lớn, nhất là khu vực Tây Bắc và Đồng bằng sông Hồng.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều doanh nghiệp; trong đó, có Bảo Minh đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ của của Mỹ USDA nhưng nhà máy chưa đạt tiêu chuẩn nên vẫn phải mua nguyên liệu hữu cơ với giá cao hơn 60% và bán giá thường.

Theo Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, các cơ quan quản lý Nhà nước phải cùng nhau vào cuộc, quy định rõ vùng nguyên liệu tại đâu được hưởng chính sách nào.

Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất xây dựng nhà máy; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn "mua nguyên liệu giá hữu cơ, bán sản phẩm giá thường" như hiện nay.

Trong khi đó, bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) Việt Nam cho biết, nông dân sản xuất nhỏ lẻ đang phải tự bươn chải, phải làm theo các thương lái mà họ đã liên kết. Từ đó, dẫn đến vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thế nhưng sản phẩm hữu cơ chưa được định giá đúng giá trị thực, người sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ rất khó cạnh tranh với sản phẩm đại trà khác. Lâu dần, nhiều người dù quyết tâm làm hữu cơ nhưng cũng phải bỏ cuộc bởi càng làm càng phải bù lỗ.

Chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ, ông Bùi Hồng Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinamit cho rằng, để làm nông nghiệp hữu cơ thực chất, điều quan trọng là doanh nghiệp phải đảm bảo uy tín, thực hiện đúng cam kết về chất lượng, mẫu mã khi tới tay nhà phân phối và người tiêu dùng. 

Doanh nghiệp khi làm hữu cơ đòi hỏi phải thực sự tâm huyết, giữ uy tín, bởi khi bắt đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn như thiếu chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật cao, kinh phí, vốn đầu tư,... Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp khi mới bắt tay làm nông nghiệp hữu cơ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, nút thắt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện là việc thiếu niềm tin lẫn nhau giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân; khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt; ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, sức khỏe người sản xuất; sức khỏe người tiêu dung, cây trồng, vật nuôi. Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề này thì nông nghiệp hữu cơ mới có thể coi là thực sự thành công.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm, định hướng, chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay rất đầy đủ, rộng mở, vấn đề là cách thức tổ chức, thực hiện các chính sách hỗ trợ và kiểm soát chất lượng. Về lâu dài, Nhà nước phải xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất; đặt hàng doanh nghiệp, nhà khoa học, thậm chí là nông dân, bởi lẽ, chỉ có đặt hàng mới có thể sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo được niềm tin cho sản phẩm.

"Chúng ta phải thay đổi tư duy, nhận thức lại rằng, sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm chất lượng là phục vụ cho chính chúng ta, chứ đừng nghĩ mơ hồ sản xuất ra sản phẩm chất lượng chỉ để phục vụ xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là cả một quá trình, nhưng đó là điều bắt buộc. Chúng ta phải kiên trì, không có con đường nào khác", Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục