Kon Tum: Khoảng 600 nghệ nhân dân tộc thiểu số biểu diễn cồng chiêng, múa xoang

Tối 23/9, tại nhà rông Kon Klor, Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) tổ chức Lễ khai mạc Hội thi cồng chiêng, múa xoang các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố lần thứ nhất năm 2022.

Chú thích ảnh
Đoàn nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số biểu diễn tại Hội thi cồng chiêng, múa xoang được tổ chức tại nhà rông Kon Klor, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum). 

Hội thi thu hút 17 đội với gần 600 nghệ nhân đến từ các xã, phường có làng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia biểu diễn.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum Phan Ngọc Định cho biết, Hội thi nhằm tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn thành phố và không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là dịp để các nghệ nhân có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu giá trị những di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, trang phục, ẩm thực đến du khách trong và ngoài tỉnh. Thông qua hội thi góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng; tăng thêm sự đoàn kết, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân các dân tộc trên địa bàn thành phố nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung.

Chú thích ảnh
Đoàn nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số biểu diễn tại Hội thi cồng chiêng, múa xoang được tổ chức tại nhà rông Kon Klor, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum). 

Hội thi cồng chiêng, múa xoang các dân tộc thiểu số thành phố Kon Tum lần thứ nhất năm 2022 diễn ra trong bối cảnh toàn tỉnh đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày Truyền thống Đảng bộ tỉnh Kon Tum (25/9/1930-25/9/2022).

Qua hội thi, thành phố Kon Tum sẽ đẩy mạnh quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, con người, tiềm năng, thế mạnh du lịch của thành phố. Từ đó, mời gọi và đón nhận đầu tư, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương; liên kết phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch giữa các huyện, thành phố trong tỉnh và giữa các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên.

Sau lễ khai mạc, lần lượt các đoàn nghệ nhân của xã Đăk Blà, Vinh Quang và Kroong đã tham gia phần thi cồng chiêng, múa xoang. Hội thi được diễn ra trong 2 ngày, từ 23-24/9.

Tin, ảnh: Khoa Chương (TTXVN)
Độc đáo lớp học cồng chiêng tại Đắk Nông
Độc đáo lớp học cồng chiêng tại Đắk Nông

Để bảo tồn và phát huy những tinh hoa của "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên", Trường Trung học Cơ sở Lý Thường Kiệt, xã Đắk N'Drung, huyện Đắk Song (Đắk Nông) đã mua một bộ chiêng phục vụ công tác giảng dạy cho học sinh với mong muốn gìn giữ và lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN