Chuỗi sự kiện mở đầu Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 bắt đầu bằng chuỗi sự kiện hội thảo về các chủ đề gồm "Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng," "Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo."
Chuỗi sự kiện mở đầu Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 ảnh 1Loạt sản phẩm ứng dụng AI nổi bật tại AI4VN 2022. (Nguồn: vsta.org.vn)

Chiều 22/9, tại Hà Nội, ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 bắt đầu bằng chuỗi sự kiện hội thảo về các chủ đề gồm "Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng," "Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo" và "Tự động hóa trong sản xuất." 

AI4VN 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức cùng sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam-Australia (Aus4Innovation).

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh, ngành AI đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, thuật toán mới, thêm dữ liệu, bài toán, tạo ra nhiều sản phẩm, những điều này đi đúng hướng trong Chiến lược quốc gia do Chính phủ ban hành, trong đó, thúc đẩy trí tuệ nhân tạo thành một trong những trụ cột chính.

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 còn là diễn đàn, cầu nối giúp các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp bàn về chính sách, phương pháp hỗ trợ phát triển AI tại Việt Nam.

Tại chủ đề “Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng," ông Phạm Quang Vinh - Giám đốc Giải pháp doanh nghiệp, Trung tâm Không gian mạng Viettel trình bày tham luận, cho biết tại Viettel, trung tâm không gian mạng được hình thành từ năm 2017 và đã nghiên cứu ứng dụng AI cho đa dạng ngành nghề tại Việt Nam.

Thời gian qua, Viettel mang những giải pháp tới doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Các hội nghị từ đầu năm thường nhắc tới giải pháp cho AI ở góc độ nhà nghiên cứu, chỉ số công nghệ, nhưng Viettel mong mang tới góc nhìn mới, thiên về ứng dụng nhiều hơn. 

[Sinh viên VN và đồng đội lọt vào chung kết thi Hạt giống cho tương lai]

Báo cáo gần nhất của Accenture (công bố ngày 8/6/2022) cho thấy, hơn 60% công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng có đang thử nghiệm AI.

Doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác cũng đều tìm đến AI với phong thái thăm dò, thử nghiệm trong đó, chỉ 12% sử dụng ở mức độ trưởng thành (ứng dụng bề mặt).

Đặc biệt, các công ty này đã có mức doanh thu cao hơn 50% so với các đối thủ cạnh tranh nhờ ứng dụng AI. AI sẽ trở thành phương thức chính thức để khách hàng tương tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là ngân hàng.

Cũng theo ông Phạm Quang Vinh, 3 năm tới, tích lũy về cơ sở dữ liệu AI sẽ mang lại giá trị lớn, góp phần giải quyết nhiều vấn đề. Đây là giai đoạn rút ngắn thời gian để đưa lại giá trị cho doanh nghiệp. 42% chuyên gia tại các doanh nghiệp chưa hiểu nguy cơ bị tụt hậu nếu không tiếp cận AI.

Phiên hội thảo "Nguồn nhân lực phát triển trí tuệ nhân tạo" - một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của mọi doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam với chủ đề "Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo."

Tiến sỹ Phạm Hiền, đại diện của nhóm DATA61 thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia CSIRO, chia sẻ từ đầu cầu Australia về Dự án thị trường AI tại Việt Nam.

Dự án được xây dựng dành riêng cho việc hình thành, củng cố hệ sinh thái AI ở Việt Nam, trong đó sẽ bao gồm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại thị trường này, bắt đầu khai thác số liệu liên quan tới đầu tư, trí tuệ nhân tạo...

"Dự án thị trường AI tại Việt Nam" tập trung phát triển cơ sở dữ liệu và giải thuật để tự động thu thập, lưu trữ và cập nhật hồ sơ của những chuyên gia AI người Việt trong và ngoài nước; phát triển bảng chỉ mục để theo dõi sự phát triển của AI tại Việt Nam; phát triển mô hình kinh doanh để nâng cao sự hợp tác giữa nghiên cứu và công nghiệp trong lĩnh vực AI.

Tại phiên hội thảo về "Tự động hóa trong sản xuất", Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam khẳng định, muốn có một nền kinh tế số phải có nhà máy thông minh và các doanh nghiệp số.

Việt Nam đang ở giai đoạn ba của tự động hóa, là ứng dụng các công nghệ số gồm: Hoạt động dựa vào dữ liệu và kết nối tốc độ cao; tự động hóa thông minh dựa vào AI; tự ra quyết định/tự động hóa tiến tới tự chủ hóa...

Bên cạnh đó, tự động hóa còn ảnh hưởng đến hiệu ứng thu nhập, tự động hóa kỹ thuật số sẽ dẫn đến "bần cùng hóa lao động," liên quan đến cả thất nghiệp công nghệ và giảm lương.

Sự ra đời của các công nghệ tự động hóa kỹ thuật số tạo ra lực tự điều chỉnh để hướng tới sự ổn định; yêu cầu trang bị thêm các kỹ năng làm việc mới.

Ông Đỗ Mạnh Cường cho biết thêm, tự động hóa được chia thành 7 cấp độ. Phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam đang ở mức độ tự động hóa 3-4-5, tức là tự động hóa một phần. Việc ứng dụng công nghệ mới như AI cũng là thách thức lớn.

Trong kỷ nguyên số, mô hình doanh nghiệp truyền thống sẽ bị xoá bỏ và thay thế bằng mô hình chuyển đổi số quản trị doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục