Để nghệ thuật xòe Thái đóng góp tích cực vào sự đa dạng văn hóa của nhân loại

Múa xòe là sinh hoạt văn hóa đặc sắc, phổ biến trong cộng đồng người Thái Tây Bắc.

Từ xa xưa, người Thái Mường Lò, tỉnh Yên Bái, đã có câu hát “Không xòe không vui/Không xòe cây ngô không ra bắp/Không xòe cây lúa không trổ bông/Không xòe trai gái không thành đôi”. Vì thế chẳng cuộc vui, ngày hội nào của người Thái vắng bóng những điệu xòe, dù là ngày vui nhỏ của mỗi gia đình hay những ngày lễ lớn của bản làng.

Nét đặc sắc văn hóa của người Thái Tây Bắc

Chú thích ảnh
Múa xòe dân tộc Thái Yên Bái. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Theo Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến, múa xòe thể hiện sự đoàn kết thân thiện gắn bó với cộng đồng rất cao, không phân biệt già, trẻ, trai gái, nghề nghiệp, địa vị xã hội... Xòe là biểu tượng văn hóa Thái góp phần gắn kết con người với con người, con người với trời đất một cách sinh động, lãng mạn nhưng cũng đậm tính xã hội. Vì thế mọi người Thái đều biết múa xòe và yêu thích nghệ thuật xòe của dân tộc mình. 

Cũng theo nghệ nhân Lò Văn Biến, người Thái đúc kết có 36 động tác xòe. Đến ngày nay, do nhiều yếu tố ngoại lai, nhà nghiên cứu cho rằng tùy theo từng vùng miền, xòe trở thành điệu múa trong hoạt động cộng đồng phổ biến và được nhân rộng. Những điệu xòe này đều bắt nguồn từ 6 điệu xòe cổ. Trong đó điệu xòe cơ bản nhất là “Khắm khăn mơi lẩu” biểu đạt văn hóa ứng xử, giao tiếp của người Thái.
    
Tại Mường Lò, tỉnh Yên Bái, hiện nay 6 điệu xòe cổ vẫn được lưu giữ, bảo tồn là: “Khắm khăn mơi lẩu” (Nâng khăn mời rượu) thể hiện tình cảm quý mến khách mỗi khi có khách đến nhà chơi; “Phá xí” (Bổ bốn) thể hiện tình đoàn kết, keo sơn; “Nhôm khăn” (Tung khăn) ca ngợi thành quả lao động sáng tạo của người dân; "Đổn hôn” (Tiến lùi) ẩn chứa quan niệm sâu xa là sự tiến, lùi theo quy luật cuộc sống, làm chủ được bản thân để có được thành quả như mong muốn; "Khắm khen” có nghĩa là nắm tay cùng xòe biểu hiện sự gắn kết cộng đồng, mỗi khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau để vượt qua; "Ỏm lọm tốp mư” (Vòng tròn vỗ tay) thể hiện khát vọng chung tay xây dựng bản làng ngày càng giàu mạnh, chung tay chinh phục thiên nhiên và chống lại kẻ thù.
    
Một số nhà nghiên cứu phân loại múa xòe theo ba hình thức chính là xòe tín ngưỡng, xòe giải trí và xòe biểu diễn. Cũng có người chia xòe thành xòe nghi lễ, xòe vòng và xòe biểu diễn. Trong đó, xòe nghi lễ thường diễn ra trong các lễ hội bản, mường (xên bản, xên mường…) gắn với những nghi thức cúng lễ do các thầy cúng (thầy Tào, thầy Mo, thầy Phựt, thầy Then) thực hiện, thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với trời, đất, các vị thần linh - những người đã tạo ra bản, mường, phù hộ cho dân bản được ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, không có bệnh dịch, mọi sự may mắn, an lành...

Xòe giải trí diễn ra trong các sinh hoạt vui chơi, thư giãn của cộng đồng, là một hình thức sinh hoạt văn nghệ, góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân. Phổ biến nhất là các điệu xòe vòng với sự tham gia của số lượng người không giới hạn. Những cuộc xòe như vậy thường được tổ chức trong phần kết thúc các cuộc vui, sự kiện, lễ hội hay các hình thức sinh hoạt thường nhật như ngày lễ, sinh nhật, tân gia, cưới xin...

Xòe biểu diễn về cơ bản cũng là để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của người dân, nhưng có tính “chuyên môn hóa”, tính trình diễn sân khấu nhiều hơn xòe giải trí. Xòe biểu diễn do một nhóm nhỏ biểu diễn, kết hợp với các đạo cụ và tên điệu múa xòe cũng được gọi theo tên đạo cụ đó như: Xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy, xòe chai...

Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái

Chú thích ảnh
Hơn 1.500 người biểu diễn các điệu xòe Thái cổ tại Lễ khai mạc Tuần văn hóa, du lịch Mường Lò năm 2015 và đón Bằng chứng nhận "Xòe Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia". Ảnh tư liệu: Thế Duyệt/TTXVN

Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái khẳng định, trong đời sống đương đại, xòe Thái có ý nghĩa quan trọng đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí của người dân sau những ngày lao động vất vả, giúp nâng cao đời sống tinh thần của họ. Mặt khác, xòe Thái trở thành nhịp cầu gắn kết, củng cố tình đoàn kết cộng đồng.

Nhiều năm nay, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng giữ gìn, bảo vệ và phát huy nghệ thuật xòe Thái. Tuy nhiên, di sản này vẫn đang đứng trước một số khó khăn, thách thức. Trước hết, nhiều địa phương còn hạn chế trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, văn bản, các khía cạnh văn hóa, tín ngưỡng liên quan, trong khi các nhà nghiên cứu, thầy cúng biết chữ Thái, nhất là chữ Thái cổ đang ngày càng hiếm...

Bên cạnh đó, vùng núi Tây Bắc còn nhiều khó khăn về kinh tế, giao thông, hạ tầng cơ sở, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Các nghệ nhân am hiểu và tâm huyết với di sản chưa được quan tâm đúng mức cả về vật chất lẫn tinh thần... nên việc chuyển giao, trao truyền di sản, nhất là xòe nghi lễ, xòe cổ, vì thế cũng bị ảnh hưởng. 

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật xòe Thái”, tỉnh Yên Bái cam kết đồng hành cùng các địa phương có di sản thực hiện tốt nội dung chương trình hành động; đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể hóa những nội dung của chương trình để di sản tiếp tục đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa, xã hội của đất nước và sự đa dạng văn hóa của nhân loại.  

Thời gian tới, Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị của nghệ thuật xòe Thái. Tỉnh tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo, truyền dạy nghệ thuật xòe Thái nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.

Cùng với đó, Yên Bái có chính sách hỗ trợ cộng đồng phục hồi và lưu truyền những điệu xòe cổ, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội có liên quan đến nghệ thuật xòe Thái; tiếp tục thành lập và duy trì các đội văn nghệ sinh hoạt xòe Thái; mở rộng các hình thức, môi trường sinh hoạt mới phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái trong đời sống đương đại.

Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu cho tỉnh bổ sung các chính sách đối với các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của nghệ thuật xòe Thái; tiếp tục đưa nghệ thuật xòe Thái vào các chương trình ngoại khóa, chương trình giáo dục địa phương để khơi dậy niềm tự hào, giáo dục thế hệ trẻ và xây dựng Trường học hạnh phúc; tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp trong và ngoài nhà trường để truyền dạy, giáo dục thẩm mỹ, cảm thụ nghệ thuật xòe Thái cho thế hệ trẻ...

Trong công tác tuyên truyền, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, hội nghề nghiệp và kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá, giới thiệu rộng rãi nghệ thuật xòe Thái; gắn bảo tồn nghệ thuật xòe Thái với phát triển du lịch bền vững; đẩy mạnh kết nối di sản với phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng và là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu Tây Bắc, tạo nên hình ảnh với thương hiệu là điểm đến "an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng".

Đức Tưởng (TTXVN)
Trên 2.000 người sẽ trình diễn Xòe Thái 'Tây Bắc - Vang mãi bản hòa ca'
Trên 2.000 người sẽ trình diễn Xòe Thái 'Tây Bắc - Vang mãi bản hòa ca'

Hưởng ứng sự kiện Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022, tối 23/9, UBND thành phố Yên Bái (Yên Bái) sẽ tổ chức Chương trình nghệ thuật “Tây Bắc - Vang mãi bản hòa ca”; trong đó, phần hai của chương trình có màn Xòe Thái với sự tham gia của 2.022 người. Đây cũng là lần đầu tiên thành phố tổ chức màn Xòe Thái với số lượng người tham lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN