Góp ý Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Cần thiết đổi tên dự án Luật

Dù vẫn còn một vài ý kiến khác nhưng cơ bản các đại biểu TP. HCM đều lựa chọn phương án sử dụng tên dự án Luật là “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác” thay cho phương án giữ tên cũ là “Luật Hợp tác xã."
Góp ý Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Cần thiết đổi tên dự án Luật ảnh 1Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ngày 21/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý kiến Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) chuẩn bị trình trước Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vào tháng 10 tới đây.

Tại Hội thảo, mặc dù vẫn còn một vài ý kiến khác nhưng cơ bản các đại biểu tham dự đều lựa chọn phương án sử dụng tên dự án Luật là “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác” thay cho phương án giữ tên cũ là “Luật Hợp tác xã."

Theo Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, phương án lựa chọn tên dự án Luật là “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác” là cần thiết và phù hợp. Vì các văn kiện Đảng, nhất là văn kiện Đại hội XIII đều sử dụng khái niệm “kinh tế tập thể." Bên cạnh đó, tại Điều 15,16, 51 Hiến pháp Việt Nam cũng sử dụng khái niệm “sở hữu tập thể” và “kinh tế tập thể” khi nói về cơ cấu thành phần kinh tế quốc gia. Việc sử dụng tên “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác” sẽ phù hợp hơn, đáp ứng tính thống nhất với với Hiến pháp, các văn bản của Đảng.

Dự án Luật quy định về đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh đều gắn với các tổ chức kinh tế hợp tác. Vì vậy, sử dụng tên “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác” đáp ứng các yêu cầu nội dung bao trùm, chính xác hơn và góp phần nâng tầm giá trị hoạt động xây dựng luật, phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với loại thành phần kinh tế đang ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước hiện nay.

Phản biện với ý kiến cho rằng cần giữ nguyên tên “Luật Hợp tác xã” để đảm bảo tính ổn định cũng như công tác tuyên truyền pháp luật, bà Trương Thị Hòa nhấn mạnh, vấn đề này đã được giải quyết tại khoản 3 Điều 117 “Các quy định dẫn chiếu đến Luật Hợp tác xã năm 2012 còn hiệu lực thì tiếp tục áp dụng theo quy định của Luật này."

[Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững]

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Minh Nhựt (Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) và Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa (Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố) cho rằng Dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi đã có rất nhiều điều chỉnh, bổ sung mới liên quan đến nhiều đối tượng, mở rộng phạm vi điều chỉnh và hình thành một số chủ thể kinh tế hợp tác mới. Vì vậy, luật mới thay thế Luật Hợp tác xã năm 2012 nên sử dụng tên là “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác," thể hiện nội dung của đối tượng điều chỉnh chủ yếu và có tính thống nhất trong vấn đề này đối với các luật khác.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung góp ý kiến Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tập trung vào các quy định về thành viên, nghĩa vụ thành viên hợp tác xã, những quy định liên quan đến hoạt động góp vốn, quản lý tài sản, nguồn vốn…

Góp ý Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Cần thiết đổi tên dự án Luật ảnh 2Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu góp ý Dự thảo Luật. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Góp ý cụ thể vào một số nội dung trong Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), ông Vũ Anh Khoa Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), nhấn mạnh cần quy định không cho phép chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân (Điều 150), để đảm bảo tính “hợp tác xã” của các tổ chức kinh tế hợp tác và tránh nguy cơ các tổ chức, cá nhân tham gia có khả năng thay đổi địa vị pháp lý các thành viên để thâu tóm, chi phối hoạt động, thậm chí chiếm hữu vốn quỹ, tài sản tích lũy không chia của tổ chức kinh tế hợp tác.

Từ thực tế hoạt động của Saigon Co.op, ông Vũ Anh Khoa kiến nghị xem xét, bổ sung thêm nội dung “vốn hoạt động” trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, để thể hiện thực chất quy mô hoạt động cũng như tạo điều kiện cho quá trình giao dịch với đối tác hoặc huy động vốn tín dụng. Vì hiện nay, đa số vốn điều lệ (vốn góp của các thành viên) thường rất nhỏ, trong khi nguồn vốn từ quỹ chung không chia và tài sản chung không chia có thể rất lớn nhưng không được ghi nhận trong vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, ông Vũ Anh Khoa kiến nghị cần xem xét, nghiên cứu luật hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của tổ chức chính trị-xã hội trong các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân có quy mô lớn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến kỹ thuật lập pháp, sửa chữa, bổ sung câu chữ văn bản để đảm bảo tính chính xác, phù hợp thực tế như sử dụng khái niệm “cư trú” thay cho “thường trú”; sử dụng “căn cước công dân” thay cho chữ “thẻ căn cước công dân”…

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 12 Chương, 117 điều (trong đó sửa đổi 70 điều, bổ sung 50 điều so với Luật Hợp tác xã 2012) dự kiến được Chính phủ trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10 tới.

Cơ quan soạn thảo Dự án Luật mong muốn những sự bổ sung, sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc gia trong tình hình mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục