Thụy Sĩ ký thỏa thuận mua 36 máy bay chiến đấu F-35

Thụy Sĩ đã ký một thỏa thuận 6 tỷ USD gây tranh cãi để mua hơn 30 chiếc tiêm kích F-35, né tránh một cuộc trưng cầu dân ý đang được đề xuất với hy vọng nhận được máy bay mới vào cuối thập kỷ này.

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu F-35 tại căn cứ Không quân Vermont ở Nam Burlington, Mỹ. Ảnh: AP

Thụy Sĩ đầu tuần này đã chính thức ký một hợp đồng mua 36 máy bay chiến đấu đa nhiệm F-35 từ Mỹ như một phần của kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân của nước này, vốn vấp phải những chỉ trích về việc tiêu tốn ngân sách quốc phòng quá lớn.

Theo thông cáo của Chính phủ Thụy Sĩ, Giám đốc mua sắm vũ khí quốc gia Martin Sonderegger và Giám đốc chương trình F-35 Darko Savic, đã ký hợp đồng trên hôm 19/9. Hợp đồng trị giá khoảng 6 tỷ USD này bao gồm 36 máy bay chiến đấu F-35, để thay thế các phi đội F/A-18 Hornet và F-5 Tigers đã lỗi thời của nước này từ năm 2027 đến năm 2030. Quốc hội Thụy Sĩ đã bỏ phiếu vào tuần trước để "bật đèn xanh" cho gói mua sắm trên.

Ngoài máy bay, chi phí mua sắm còn bao gồm các trang thiết bị đi kèm như vũ khí và đạn dược, gói hậu cần, hệ thống huấn luyện. 

Bên cạnh đó, các quan chức quốc phòng Thụy Sĩ cũng đã ký một thỏa thuận bù đắp (offset agreement) với nhà sản xuất F-35 Lockheed Martin, "tạo cơ sở cho nhà sản xuất Mỹ tiến hành các hoạt động kinh doanh phối hợp với ngành công nghiệp Thụy Sĩ". Theo đó, các công ty Thụy Sĩ có thể nhận được các hợp đồng bồi hoàn liên quan trị giá khoảng 3 tỷ USD.

Theo kế hoạch, 8 chiếc F-35 đầu tiên sẽ được sản xuất tại các cơ sở của Lockheed Martin ở Fort Worth, Texas (Mỹ), nơi chúng cũng sẽ được sử dụng để huấn luyện ban đầu cho các phi công Thụy Sĩ. Ít nhất 24 chiếc máy bay tiếp theo sẽ được sản xuất và lắp ráp tại cơ sở ở Cameri, miền Bắc Italy.

Các quan chức Thụy Sĩ hiện vẫn đang kiểm tra xem liệu 4 chiếc máy bay trong số trên có thể được lắp ráp ở nước này, tại các cơ sở của Ruag hay không, một phát ngôn viên của chính phủ Thụy Sĩ nói. 

Về phần mình, Lockheed Martin cho biết trong một tuyên bố cùng ngày rằng công ty “vinh dự được Chính phủ Thụy Sĩ chính thức chọn là một phần của chương trình F-35 thế hệ thứ 5”. “Chúng tôi mong muốn phát triển quan hệ đối tác với Không quân và ngành công nghiệp Thụy Sĩ để cung cấp và bảo trì máy bay trong nhiều thập kỷ tới”, tuyên bố nêu rõ.

Chính phủ Thụy Sĩ đã thúc đẩy việc ký hợp đồng F-35 trước khi thời hạn chào hàng kết thúc vào mùa Xuân năm sau, trong bối cảnh "Liên minh những người phản đối mua F-35" đang nỗ lực tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để ngăn chặn việc mua bán. Liên minh phản đối bao gồm các thành viên Đảng Xã hội và Đảng Xanh của Thụy Sĩ, đã thu thập được hơn 100.000 chữ ký để khởi động chiến dịch trưng cầu dân ý sau khi máy bay chiến đấu F-35 được lựa chọn, nhưng Chính phủ Thụy Sĩ đã nỗ lực vận động để kí kết thỏa thuận bất chấp yêu cầu trưng cầu dân ý. 

Những người phản đối cho rằng những chiếc máy bay này quá đắt, khiến Thụy Sĩ bị ràng buộc an ninh quá chặt chẽ với Mỹ và không phù hợp với nhu cầu của Thụy Sĩ. Lực lượng không quân Thụy Sĩ chủ yếu sử dụng các máy bay chiến đấu để tuần tra trên bầu trời châu Âu và không tham gia các cuộc xung đột ở nước ngoài.

Hiến pháp Thụy Sĩ quy định rằng nước này là một quốc gia trung lập, hạn chế khả năng tham gia vào các cuộc xung đột ở nước ngoài.

F-35 đang ngày càng phổ biến ở châu Âu. Canada, Phần Lan, Đức, Séc nằm trong số các quốc gia phương Tây khác cũng đã lựa chọn F-35. Chính phủ Thụy Sĩ đã chọn máy bay chiến đấu vào tháng 6 trong cuộc đấu thầu cạnh tranh với F/A-18 Super Hornet của Boeing, Rafale của Pháp và Eurofighter.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo dailysabah/defensenews)
Bộ Quốc phòng Mỹ tạm dừng tiếp nhận tiêm kích F-35
Bộ Quốc phòng Mỹ tạm dừng tiếp nhận tiêm kích F-35

Bộ Quốc phòng Mỹ đã tạm dừng tiếp nhận máy bay chiến đấu F-35 của tập đoàn Lockheed Martin sau khi phát hiện một thành phần trong động cơ chính được sản xuất tại Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN