An Giang: Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Chiều 23/6, đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy An Giang về công tác phối hợp giữa hai bên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác triển khai Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư (khóa XIII) về trường chính trị chuẩn.

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu kết luận buổi làm việc. 

Theo Tỉnh ủy An Giang, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị khu vực IV trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; điển hình như: đào tạo cao cấp lý luận chính trị; đào tạo sau đại học; đào tạo đại học chính trị văn bằng 2; các lớp bồi dưỡng dành cho đối tượng thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý…

Từ đầu năm 2019 đến năm 2021, tỉnh An Giang đã cử 510 cán bộ đương chức và quy hoạch đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị khu vực IV; tổ chức các lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho gần 2.000 học viên; cử 120 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học. Bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, tỉnh An Giang còn quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng về kiến thức quản lý Nhà nước, chức danh lãnh đạo quản lý cấp sở, huyện, phòng; ban hành chính sách khuyến khích cán bộ học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ…

Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư (khóa XIII) về trường chính trị chuẩn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang ban hành Đề án 04-ĐA/TU, ngày 22/12/2021 về xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn; tổ chức quán triệt sâu rộng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng. Đến nay, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt 43/56 tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1, chiếm tỷ lệ 76,78%.

Tại buổi làm việc, Tỉnh ủy An Giang kiến nghị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho phép tỉnh liên kết với Học viện khu vực IV mở thêm 1 lớp cao cấp lý luận tập trung tại Trường Chính trị Tôn Đức Thắng cho 60 học viên; tổ chức lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị cho 52 học viên; mở rộng thêm đối tượng tham gia học hoàn chỉnh với 19 học viên…

Để tạo điều kiện cho Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đảm bảo tiêu chí trường chính trị chuẩn theo lộ trình, trong khi chờ Trung ương ban hành hệ thống danh mục vị trí việc làm chung trong hệ thống chính trị, An Giang cũng đề xuất Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quan tâm, có ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương cho phép tổ chức xét thăng hạng giảng viên lên giảng viên chính đối với các đồng chí giữ chức danh lãnh đạo trường, trưởng, phó trưởng khoa, phòng của trường chính trị; đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét có cơ chế mở hơn trong việc chi kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cho các trường chính trị.

Chú thích ảnh
Ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang phát biểu tại buổi làm việc. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Lê Văn Nưng khẳng định: Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần chuẩn hóa, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang mong muốn, thời gian tới, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong công tác xây dựng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng chuẩn; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tỉnh, nhất là số cán bộ trong diện quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025, cán bộ diện quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030, chuẩn bị nguồn cán bộ cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Thay mặt đoàn công tác, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Hoàng Phúc Lâm đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh An Giang gắn với công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh.

Thời gian tới, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo điều kiện, hỗ trợ Trường Chính trị Tôn Đức Thắng sớm đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư.

Đối với những đề xuất, kiến nghị của Tỉnh ủy An Giang, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Hoàng Phúc Lâm ghi nhận và sẽ có ý kiến cụ thể đối với các cấp, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ.

Tin, ảnh: Thanh Sang (TTXVN)
Nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc
Nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc

Chiều 21/4, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị ký kết Chương trình hợp tác giữa hai cơ quan giai đoạn 2021-2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN