Đức: Số ca trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện giảm nhờ tiêm chủng

Theo số liệu cập nhật của Chính phủ Đức, quốc gia châu Âu này đến nay đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ cho 19,5% nhóm trẻ 5-11 tuổi và 66,7% cho nhóm trẻ 12-17 tuổi.
Đức: Số ca trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện giảm nhờ tiêm chủng ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra tại Đức đã vượt qua giai đoạn đỉnh. Số liệu thống kê của Viện Robert Koch (RKI) cho thấy tỷ lệ mắc COVID-19 đã giảm từ mức kỷ lục gần 1.600 ca/100.000 người xuống hơn 300 ca/100.000 người.

Đặc biệt, sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở hai nhóm trẻ em từ 12-18 tuổi và mới nhất là 5-11 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở những đối tượng này đã giảm đáng kể so với mức cao chưa từng có được ghi nhận hồi tháng 2 vừa qua là hơn 3.000 ca/100.000 trẻ em.

Theo dõi về tốc độ lây nhiễm trong trẻ em và thanh thiếu niên, ông Jakob Armann-bác sỹ cấp cao về chăm sóc nhi khoa tại Bệnh viện Đại học Kỹ thuật ở Dresden và ông Jörg Dötsch - Giám đốc nhi khoa và trẻ vị thành niên tại Bệnh viện Đại học Cologne nhận xét biến thể Omicron gây ra tình trạng gia tăng mạnh số mắc COVID-19, song không tác động đến số ca nhập viện.

Cùng với tuyên bố của các hiệp hội nhi khoa Đức chỉ ra rằng biến thể Omicron gây ra những triệu chứng bệnh ở mức độ nhẹ hơn nhiều so với biến thể Delta, ở tất cả các nhóm tuổi, nghiên cứu của Bác sĩ Armann cũng cho thấy quyết định triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em đã đạt được hiệu quả cao, khi số ca nhập viện hàng ngày tại các bệnh viện nhi giảm hẳn, chỉ còn trung bình 1 ca/1 cơ sở y tế/ngày.

Trong khi đó, Giám đốc nhi khoa và trẻ vị thành niên tại Bệnh viện Đại học Cologne khẳng định với việc báo cáo của Tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) và Công ty Công nghệ sinh học BioNTech (Đức) chỉ ra rằng 2 mũi tiêm vaccine Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả chống hội chứng COVID-19 kéo dài hoặc viêm đa hệ ở trẻ em (PIMS) tới 91% đối với nhóm 12-18 tuổi, thì chiến dịch tiêm chủng là cần thiết. Ông Dötsch khuyên tất cả trẻ em và thanh thiếu niên trên 12 tuổi nên tiêm chủng.

Ngoài nhóm đối tượng này, Ủy ban thường trực về tiêm chủng của Đức (StiKo) cũng khuyến nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, trong đó, ngoài những trường hợp mắc bệnh nền, có thể tiêm theo nguyện vọng với những em có điều kiện sức khỏe tốt. Theo Bác sỹ Armann, trẻ em từ 5-11 tuổi thậm chí dung nạp vaccine tốt hơn so với thanh thiếu niên.

Trước đó, từ tháng 12/2021, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngay sau khi nhậm chức cũng đã thành lập nhóm cố vấn cho chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, với thành phần gồm các chuyên gia, các nhà nghiên cứu dịch tễ học, xã hội học và tâm lý học.

Với phương châm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và giảm tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là trong nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên, Thủ tướng Đức đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ưu tiên hàng đầu cho lợi ích của trẻ em.

[Số ca mắc mới COVID-19 ở trẻ em tăng mạnh tại Mỹ]

Theo các chuyên gia, đại dịch COVID-19 gây ra gánh nặng đặc biệt lớn cho trẻ em và thanh thiếu niên. Không chỉ lây nhiễm, dịch bệnh còn để lại những hậu quả tiềm ẩn đối với trẻ từ những tác động gián tiếp của đại dịch như phong tỏa, các vấn đề gia đình như căng thẳng, sợ hãi, bệnh tật, tử vong hoặc mất kế sinh nhai, mất tương tác với xã hội..., vì vậy, chính sách đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để giảm tỷ lệ mắc bệnh và những hậu quả đáng tiếc ở trẻ em là hết sức cần thiết.

Theo số liệu cập nhật của Chính phủ Đức, quốc gia châu Âu này đến nay đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ cho 19,5% nhóm trẻ 5-11 tuổi và 66,7% cho nhóm trẻ 12-17 tuổi.

Riêng nhóm trẻ 12-17 tuổi đã có 31% được tiêm mũi tăng cường thứ nhất. Trên toàn quốc, nhóm đối tượng 18-59 tuổi đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 82%, trong đó 63,4% đã tiêm mũi tăng cường thứ nhất; nhóm trên 60 tuổi đạt 90,9%, trong đó 79,9% tiêm mũi tăng cường thứ nhất. Hiện nay, Đức đứng thứ 17 trên thế giới về tỷ lệ tiêm chủng toàn dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục