Rodion Malinovsky - từ binh sĩ quân đội Pháp trở thành nguyên soái lừng danh Liên Xô

Trước khi trở thành nguyên soái tên tuổi trong quân đội Liên Xô – người có đóng góp làm thay đổi cục diện Chiến tranh Thế giới thứ 2, Rodion Malinovsky từng có quãng thời gian chiến đấu trong “quân đoàn châu Phi” của quân đội Pháp.

Chú thích ảnh
Nguyên soái Rodion Malinovsky tại Lễ diễu binh trên Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moskva, năm 1951. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Rodion Malinovsky là một trong những kiến trúc sư trưởng tạo ra chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông, Hồng quân Liên Xô đã ngăn cản quân Đức thực thi chiến dịch bao vây, tấn công Stalingrad, giải phóng Donbass và khu vực miền đông Ukraine, giải phóng Romania, Hungary, Áo và cuối cùng là đánh bại phát xít Nhật tại Mãn Châu.

“Khoảnh khắc mà người chỉ huy đưa ra quyết định là một thời khắc khó khăn. Người cầm quân phải quyết định một mục đích lớn lao, nhưng cũng phải đưa mình vào hoàn cảnh tự đưa ra một quyết định duy nhất, thường là rất rủi ro, nhưng cần thiết. Nghi ngờ, khó khăn, mày mò tìm kiếm – tất cả đều hòa quện với nhau. Nhưng phải ra quyết định và điều này cần tới quyết tâm, lòng can đảm”, ông Malinovsky từng viết.

Can đảm là điều Rodion Malinovsky có thừa. Điều thú vị nằm ở chỗ ông không chỉ thể hiện đức tính này trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, mà còn cả ở giai đoạn chiến đấu tại nước Pháp xa xôi. Vậy đâu là mối liên hệ giữa một tư lệnh Liên Xô với Pháp trong cùng một con người như nguyên soái Malinovsky?

Bảo vệ nền Cộng hòa đệ tam

Malinovsky đặt chân tới Pháp vào mùa Xuân 1916, với tư cách là một binh sĩ trong quân đội viễn chinh Nga được Sa hoàng Nicholas II phái đi để trợ giúp đồng minh. Với cấp bậc hạ sỹ thuộc Trung đoàn bộ binh số 256 Yelisavetgrad, Malinovsky được điều động sang Mặt trận phía Tây, do ông học tiếng Pháp từ nhỏ.

“Chúng tôi nhận vũ khí, quân tư trang tại cảng và được đưa tới Trại Mailly, nơi tất cả các nhà vua, tổng thống liên tục có chuyến thăm, thị sát, luyện tập và diễu binh trong một tháng. Đến tháng 6, Lữ đoàn số 1 thuộc quân đoàn viễn chinh của quân đội Nga đóng tại Pháp được điều động tới mặt trận Mourmelon – gần Reims (Pháp), sau đó được điều sang mặt trận Sillery và pháo đài Brimont. Tại Brimont, chúng tôi bị lực lượng thực hiện cuộc Cách mạng Tháng 2 bắt giữ”, ông Rodion Malinovsky hồi tưởng lại.

Sự sụp đổ của đế chế Nga cùng với sự tan rã nhanh chóng của quân đội Nga Sa hoàng đã ảnh hưởng đến tâm lý của lực lượng viễn chinh Nga tại Pháp. Mùa Hè 1917, một số binh sĩ Nga đóng tại La Courtine từ chối tuyên thệ chiến đấu phục vụ chính quyền lâm thời Nga được thành lập sau khi Sa hoàng Nicholas II thoái vị. Số này không chấp hành mệnh lệnh chỉ huy và nêu yêu sách được về Nga tức thời.

Sau các cuộc đàm phán bất thành, phong trào nổi dậy của binh sĩ viễn chinh Nga bị đàn áp đẫm máu bởi hiến binh Pháp. Rodion Malinovsky nghe được thông tin này khi đang nằm điều trị bệnh tại bệnh viện, do ông bị thương nặng ở cánh tay trong một trận chiến gần pháo đài Brimont.

Lính viễn chinh danh dự người Nga

Cuộc nổi dậy tại trại La Courtine, cùng với sự sụp đổ của chính quyền Sa hoàng, đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của Quân đoàn viễn chinh Nga. Chính phủ Pháp đưa ra hai lựa chọn cho binh sĩ Nga đang chiến đấu ở Pháp: Hoặc là tới Bắc Phi, làm việc đằng sau đội quân chiến đấu, hoặc là gia nhập Nền Cộng hòa đệ tam. Rodion Malinovsky chọn cách thứ nhất.

Rodion Malinovsky gia nhập “đội quân viễn chinh danh dự Nga”, lực lượng được thành lập cuối năm 1917 do đại tá Georgy Gotua đứng đầu. Đơn vị này thuộc biên chế của Sư đoàn Moroc số 1 trực thuộc cái gọi là “quân đoàn châu Phi” của quân đội Pháp đóng tại Algeria, Morocco và Tunisia.

Mùa Thu 1918, Rodion Malinovsky lập chiến công lớn trong chiến thắng đập tan tuyến phòng thủ Hindenburg (Đức). Phần thưởng dành cho ông là Huân chương chữ thập ngôi sao bạc của Pháp, chuyên để tôn vinh đóng góp của binh sỹ nước ngoài chiến đấu trong phe Đồng minh chống lại phe Trục.

Theo lời kể của Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh Moroc số 1, chiến công nổi bật nhất của Malinovsky là trận đánh ngày 14/9/1918, khi ông sử dụng súng máy bắn thẳng vào đội hình quân địch ngoan cố kháng cự bất chấp mối nguy hiểm mà Malinovsky phải đối mặt từ hỏa lực hủy diệt của pháo binh đối phương. Trong thời gian chiến đấu cho quân đội Pháp, Rodion Malinovsky được phong hàm trung sĩ.

Chú thích ảnh
Binh sĩ thuộc lực lượng viễn chinh Nga đóng tại Pháp. Ảnh: Public Domain

Trở về quê hương

Sau Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, Malinovsky quyết định trở về Nga - lúc bấy giờ đang ở thời kỳ nội chiến. Ông về nước qua ngả Viễn Đông và vùng Siberia. Vị nguyên soái tương lai bị một đội tuần tra của Hồng quân bắt giữ gần Omsk. Lục soát và phát hiện giấy tờ và huân huy chương ghi bằng tiếng Pháp của Malinovsky, nhóm binh sĩ Hồng quân chút nữa bắn chết ông, vì nghĩ Malinovsky là Bạch vệ.

“Bố giải thích với nhóm binh sĩ Hồng quân trong tuyệt vọng. Ông cố sử dụng vốn từ tiếng Nga rõ rành nhất còn nhớ được để phân bua. Chỉ đến khi đó binh sĩ Hồng quân mới nhận ra Malinovsky là người cùng phe và đưa ông về trụ sở. Rất may cho bố, bác sĩ người địa phương là người biết tiếng Pháp, vì thế ông được cứu mạng”, Natalia Malinovskaya, con gái của Malinovsky nhớ lại.

Rodion Malinovsky sau đó đã có một sự nghiệp thành công trong quân đội, với nhiều chiến thắng chói lọi trên các chiến trường trong Chiến tranh Thế giới Thứ 2, giúp ông ghi được dấu ấn. Đầu năm 1941, ba tháng trước thời điểm Liên Xô bị kéo vào Thế chiến 2, Malinovsky đảm nhận chức vụ Tư lệnh quân đoàn súng trường số 48 thuộc Quân khu Odesssa, đóng tại thành phố Beltsy, ở Moldova, giáp biên giới Romania.

Cầm cự và thoát khỏi vòng vây áp đảo về hỏa lực của quân Đức trong trận đánh lớn tháng 6/1941, Malinovsky ghi dấu ấn của một vị tư lệnh tài năng. Ông được phong hàm trung tướng và đến tháng 8/1941 được điều động làm Tư lệnh tập đoàn quân số 6 và Tư lệnh phương diện quân phương Nam vào tháng 12/1941.

Sự nghiệp cầm quân của ông cũng có sóng gió. Đó là khi Malinovsky không tuân lệnh của lãnh đạo tối cao Joseph Stalin về không được phép đầu hàng, để Rostov-on-Don và Novocherkassk rơi vào tay quân phát xít. Theo suy nghĩ của Malinovsky, chiến đấu trong điều kiện khó khăn, bị đối phương áp đảo như vậy đồng nghĩa với việc nướng quân trên chiến trường.

Khi được lãnh đạo Stalin triệu tập về Moskva, ông Malinovsky vẫn tỏ rõ sự quyết tâm và bình tĩnh. Người đồng nghiệp của ông, Thiếu tướng Larin, không làm được như vậy. Larin đã tự sát khi nghĩ về chuyến đi khó khăn cùng với Malinovsky trở lại Moskva.

Sau cuộc nói chuyện với lãnh tụ Stalin, Malinovsky bất ngờ khi biết mình được điều động làm Tư lệnh tập đoàn quân số 66. Về mặt kỹ thuật, quyết định luân chuyển này là một “bước lùi” với Malinovsky. Nhưng trong bối cảnh lúc đó nó được xem là “cuộc đào thoát may mắn”.

Chiến thắng nổi bật nhất gắn với tên tuổi Malinovsky là cuộc phản công chống lại quân Đức trong trận Stalingrad. Thành phố Stalingrad lúc đó có tầm quan trọng chiến lược với cả hai bên. Dưới sự chỉ huy của Malinovsky, các đơn vị của tập đoàn quân số 66 cùng với một số đơn vị phối thuộc đã mở chiến dịch phản công huyền thoại ở phía Bắc Stalingrad, đẩy lui đà tiến của quân đoàn số 6 (Đức), tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến.  

Sau chiến thắng Stalingrad, tháng 2/1943 Malinovsky được điều động làm Tư lệnh phương diện quân phương Nam - chức vụ mà ông từng đảm nhận trước đó. Đến tháng 5/1944, ông chuyển sang cương vị mới, làm Tư lệnh phương diện quân số 2 Ukraine, thay nguyên soái Ivan Konev, cũng là một vị tướng chiến trường huyền thoại của Liên Xô.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Malinovsky về công tác tại Viễn Đông trong 10 năm. Đến năm 1956, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Quốc phòng Liên Xô, một năm sau ông đảm nhận cương vị Bộ trưởng thay ông Georgy Zhukov – một vị tướng lừng danh, được coi là một biểu tượng cho Chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Rodion Malinovsky không có quãng thời gian nghỉ hưu. Ông mất năm 1967 khi vẫn còn đang công tác. Đám tang của ông được tổ chức theo nghi lễ nhà nước, với phần mộ được an táng tại Nghĩa trang Tường Kremlin (Kremlin War). Đây là nơi yên nghỉ của những nhân vật cao cấp nhất trong chính quyền Liên Xô và cũng là nơi đặt thi hài của lãnh tụ phong trào Cộng sản Quốc tế Vladimir Lenin.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo RBTH, russiapedia)
Vị Tướng kiên cường của Liên Xô bị phát xít Đức sát hại bằng giá lạnh
Vị Tướng kiên cường của Liên Xô bị phát xít Đức sát hại bằng giá lạnh

Bất chấp phát xít Đức dụ dỗ rồi chuyển sang đe dọa, một vị Tướng dũng cảm Liên Xô vẫn nhất quyết không hợp tác với chúng. Cuối cùng, phát xít Đức đã hèn hạ sát hại ông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN