Ghé thăm Sơn Đồng, lắng nghe chuyện làng nghề ‘thổi hồn’ cho gỗ

Trải qua 1000 năm hình thành và phát triển, từ khi nền văn hoá Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam, làng nghề Sơn Đồng đã trở thành “cái nôi” của lĩnh vực chế tác và sản xuất đồ thờ thủ công mỹ nghệ
Ghé thăm Sơn Đồng, lắng nghe chuyện làng nghề ‘thổi hồn’ cho gỗ ảnh 1Với kỹ thuật chạm khắc cùng cái tâm với nghề, làng Sơn Đồng đã trở thành “cái nôi” của lĩnh vực chế tác và sản xuất đồ thờ thủ công mỹ nghệ (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm đồ thờ tượng Phật. Sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng hiện chiếm khoảng hơn 50% thị trường toàn quốc về tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng thếp bạc, phục vụ đời sống văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân.

Trải qua 1000 năm hình thành và phát triển, kể từ khi nền văn hoá Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam, làng nghề Sơn Đồng đã đạt được những tinh hoa cao quý, trở thành “cái nôi” của lĩnh vực chế tác và sản xuất đồ thờ thủ công mỹ nghệ. Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân của làng đã tạo nên nhiều sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Tâm - Đức - Tài làm nên nghiệp truyền thống

Chỉ với đục, với tràng, từ khúc gỗ thô cứng, những nét hoa văn, trạm trổ tinh xảo cứ thế hiện dần qua đôi bàn tay tài hoa, điêu luyện của người thợ Sơn Đồng. Ở làng nghề Sơn Đồng, không một ai lớn lên mà không biết đến nghề truyền thống của làng. Thế nhưng, không phải tất cả đều có thể theo được đến cùng với nghề. Bởi những sản phẩm được chế tác tại đây, đa phần mang ý nghĩa tâm linh, đòi hỏi người làm không chỉ có đam mê mà còn phải có cái tâm và hiểu được sự thiêng liêng, cao quý của nghề.

Là một người con của làng và trải qua gần 20 năm gắn bó với nghề điêu khắc tượng gỗ, anh Nguyễn Xuân Quyết chia sẻ bản thân không biết chính xác nghề truyền thống của làng có từ bao giờ, chỉ biết là nghề gia truyền, được cha ông cho tiếp xúc với nghề ngay từ khi còn nhỏ. Đối với anh, mỗi người thợ để có thể theo được nghề, cần đòi hỏi phải có đức tính cần cù, chăm chỉ và chịu khó, có một chút hoa tay và đặc biệt, theo những người trong nghề “quy ước” với nhau, còn cần phải có “cái duyên” với nghề.

Ghé thăm Sơn Đồng, lắng nghe chuyện làng nghề ‘thổi hồn’ cho gỗ ảnh 2Mỗi tác phẩm không chỉ thể hiện kiến thức, tài năng mà còn cả tâm huyết của người thợ trong từng công đoạn (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Trong nghề chế tác mỹ nghệ của làng Sơn Đồng, khó nhất là làm tượng thờ. Bức tượng làm ra phải tuân thủ các ý nghĩa, tính chất của tôn giáo, phải khắc họa được sắc thái của từng Đấng, Bậc trong tôn giáo đó và tạo nên được “cái thần” cho pho tượng. Để làm được điều đó, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, phải hiểu được các điển tích, tính cách, vị trí của từng pho tượng và quan trọng là phải có những thủ pháp bí truyền riêng biệt để “thổi hồn” vào các tác phẩm…

Bên cạnh đó, việc thể hiện các nét chữ trên sản phẩm cũng là một yếu tố hết sức quan trọng. Phần lớn các chữ trên đồ thờ được ghi bằng chữ Hán Nôm, với những tầng lớp ý nghĩa sâu xa. Bởi vậy, những chữ được trạm trổ không chỉ phải đáp ứng yêu cầu về mặt thẩm mỹ mà còn phải đảm bảo độ chính xác về nghĩa, phải được đặt đúng nơi, đúng chỗ. Chính vì vậy, người làng Sơn Đồng luôn không ngừng trau dồi, học hỏi những kiến thức cần thiết và hướng dẫn cho thế hệ tương lai.

Khát vọng phát huy tinh hoa nghề nghìn năm tuổi

Mỗi ngày làm việc tại xưởng chế tác đối với anh Xuân Quang, thợ điêu khắc tại làng Sơn Đồng lại là một cơ hội để học hỏi những kỹ thuật đúc tạc tượng mới. Với mong muốn gìn giữ và phát huy giá trị lâu đời được cha ông truyền lại, anh tâm sự: “Nghề truyền thống của làng được các thế hệ đi trước truyền dạy nghề cho các thế hệ sau, đến nay đã duy trì được gần nghìn năm. Là những người con của làng nghề Sơn Đồng, thế hệ chúng tôi phải có trách nhiệm tiếp tục duy trì và phát triển nghề điêu khắc làm tượng gỗ, để thế hệ con cháu không những có thể làm nghề ở khắp mọi miền của Tổ quốc, mà trong tương lai còn đưa được các sản phẩm của làng nghề truyền thống vươn mình đến giới thiệu với bạn bè quốc tế.”

Ghé thăm Sơn Đồng, lắng nghe chuyện làng nghề ‘thổi hồn’ cho gỗ ảnh 3Đối với người dân làng Sơn Đồng, nghề truyền thống không chỉ là kế sinh nhai mà còn là nét đẹp văn hoá cần được lưu truyền (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Đến với làng nghề Sơn Đồng những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ta có thể thấy như đang đứng giữa một công xưởng rộng lớn với những sản phẩm điêu khắc tinh xảo, những người thợ ngày đêm tất bật giữa những thanh âm rộn ràng của tiếng đục, tiếng trạm trổ, tiếng máy cưa xẻ gỗ vang khắp các đường làng ngõ xóm.

Cả làng Sơn Đồng hiện có đến hơn 400 hộ gia đình theo nghề với hơn 4.000 thợ thường xuyên. Mỗi gia đình đảm nhiệm một công đoạn hoặc sản xuất chuyên biệt một sản phẩm và ở công đoạn nào cũng thấm đẫm mồ hôi của những người thợ, để có thể cho ra đời những tác phẩm độc đáo, mang đậm nét độc đáo riêng biệt của làng nghề chạm khắc gỗ Sơn Đồng.

[Người Cơ Tu Quảng Nam chung tay gìn giữ văn hóa truyền thống trăm năm]

Trong bối cảnh đất đai đang ngày càng thu hẹp bởi tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, cái nghề nghìn năm tuổi của cha ông bao đời truyền lại đã giúp cho bao nguời nghệ nhân tài hoa và những lớp thế hệ trẻ năng động của làng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Không chỉ là sinh kế mà còn là vốn quý kế thừa từ cha ông, việc gìn giữ và phát triển tinh hoa làng nghề dân tộc không chỉ là mong muốn của những người dân làng nghề Sơn Đồng mà còn là tiếng lòng chung của các làng nghề truyền thống trên đất nước Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục