Những thói quen ăn uống ngày Tết là ‘thủ phạm’ hủy hoại sức khỏe

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo cần phải cân bằng các chất dinh dưỡng trong những ngày Tết, không nên ăn quá nhiều chất đạm, chất béo và cần phải rèn luyện thể thao để có được sức khỏe tốt.
Những thói quen ăn uống ngày Tết là ‘thủ phạm’ hủy hoại sức khỏe ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Cứ vui đi vì cuộc đời cho phép,” “Tết mà,”… đó là những lý do để nhiều người cho phép bản thân dễ dãi trong ăn uống và vui chơi trong mấy ngày lễ, Tết. Tuy chỉ là một vài ngày nhưng ít nhiều chúng đã góp phần làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người. Người sức khỏe yếu thì khiến cơ thể yếu hơn. Người chưa bệnh thì có thể tích tụ đến một ngày nào đó cũng sẽ bùng phát.

Chính vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo cần phải cân bằng các chất dinh dưỡng cũng như rèn luyện thể thao để có được sức khỏe tốt.

Lợi ít, hại nhiều

Bác sĩ Trần Quốc Khánh-Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết cứ đến thời điểm Tết Nguyên đán, có rất nhiều bệnh nhân nhập viện do rối loạn tiêu hóa. Bởi dịp Tết, mọi người thường ăn quá nhiều đồ công nghiệp như các loại thịt nguội, thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp. Chúng có hàm lượng muối quá cao, hầu như không có chất xơ cũng như các loại vitamin. Thêm nữa, chúng chứa rất nhiều các chất phụ gia, chất bảo quản.

Ngoài ra, quá nhiều thực phẩm cung cấp chất đạm, chất béo như thịt, giò chả, nem, thức ăn chế biến dạng chiên, quay… Trong khi khẩu phần ăn có xu hướng ít rau hơn ngày thường.

Bên cạnh đó, các loại bánh ngọt, mứt kẹo, nước giải khát, rượu bia không thể thiếu trong ngày Tết cũng làm đầy bụng, chán ăn, khó tiêu, tạo môi trường axit trong cơ thể, gây mệt mỏi. Các thức ăn này chủ yếu là nhóm đường đơn, chỉ số đường rất cao nên dễ làm tăng đường huyết cấp tính.

Ngoài ra, việc ăn uống ngày Tết còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm do thức ăn nấu xong để lâu, đặc biệt người mắc bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, gout... dễ bị tái phát bệnh nếu không có chế độ ăn uống khoa học.

Những thói quen ăn uống ngày Tết là ‘thủ phạm’ hủy hoại sức khỏe ảnh 2Ăn đồ ngọt nhiều không tốt cho sức khỏe. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đặc biệt, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cảnh báo trong ngày Tết, nhiều gia đình có thói quen tích trữ thực phẩm như bánh chưng, giò chả, đồ sống, đồ chín…  Nhiều tủ lạnh bị ép chật ních. Đây là căn nguyên khiến thực phẩm bị giảm chất lượng, thậm chí hỏng nên khi ăn vào bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa.

Nên có cách ăn uống khoa học

Để đảm bảo sức khỏe, các bác sỹ khuyên mọi người trong những ngày lễ, Tết có thể ăn uống thoải mái hơn ngày thường nhưng cần đảm bảo nguyên tắc đủ và cân đối, nghĩa là đủ 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa chính. Không nên ăn nhiều và thiên về một loại thực phẩm nào đó. Nếu lỡ ăn nhiều thịt cá thì cần "bù" lại bằng cách tăng lượng rau xanh nhiều hơn để cung cấp nhiều sinh tố tham gia vào quá trình chuyển hóa giúp tăng sức đề kháng và giàu chất xơ giúp đào thải các chất độc hại do đạm, béo sinh ra.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến nghị mỗi người trưởng thành cần ăn đủ tối thiểu 400g rau củ quả mỗi ngày để bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất và dưỡng chất thực vật cho cơ thể.

Ngoài ra, cần tạo thói quen ăn trái cây mỗi ngày. Đây là nguồn vitamin chính, chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo trong những ngày Tết. Các chuyên gia y tế cảnh báo đến 75% dân số thế giới không ăn đủ lượng rau củ quả theo khuyến nghị này và thậm chí tại Việt Nam con số này lên đến 80%.

Do đó, người dân nên thay đổi thói quen tiêu dùng trong Tết, không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm. Hiện nay, ngày mồng Một, mồng Hai Tết, các siêu thị, các chợ đã bán hàng, sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… luôn có sẵn, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng.

Những thói quen ăn uống ngày Tết là ‘thủ phạm’ hủy hoại sức khỏe ảnh 3Ăn nhiều rau xanh để bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất và dưỡng chất thực vật cho cơ thể.

Các bác sỹ cũng đưa ra lời khuyên các gia đình không nên chế biến nhiều thực phẩm một lần mà chỉ nấu nướng một lượng vừa đủ ăn trong ngày. Tốt nhất nên dùng ngay khi còn nóng sốt. Nếu chưa ăn ngay thì nên bảo quản thực phẩm nơi thoáng mát, tủ lạnh và đun nóng lại trước khi ăn. Song cũng không nên hâm lại nhiều lần sẽ khiến thực phẩm biến chất, gây hại sức khỏe.

Đặc biệt, ngày Tết, người Việt gặp nhau là có chén rượu mừng Xuân. Đây không chỉ là căn nguyên của hàng loạt các tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, mà còn là lý do cho các ca ngộ độc rượu gia tăng ngày Tết. Chưa kể việc sử dụng nhiều rượu bia sẽ gây độc cho gan, khiến gan làm việc quá tải, lâu dần làm suy giảm chức năng gan.

Ngoài ra, những ngày se lạnh đầu năm nên không có cảm giác khát nước. Thêm việc tiêu thụ thụ rượu bia, nước ngọt... quá nhiều khiến nhiều người không muốn uống nước hoặc quên uống nước. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, mỗi ngày cơ thể cần ít nhất 2 lít nước để giữ ẩm. Không uống đủ nước sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mệt mỏi và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe ngày Tết.

Bác sỹ Khánh cũng đưa ra lời khuyên bên cạnh việc ăn uống hợp lý, người dân nên kết hợp với việc luyện tập thể lực hợp lý và một đời sống tinh thần lành mạnh, sẽ tạo nền tảng vững chắc để đạt đến sức khỏe tối ưu và cũng là để đốt cháy lượng calo tăng cao trong mấy ngày Tết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục