Góc nhìn từ chuyên gia Nhật Bản về biến chủng Omicron

Theo Phó Giáo sư Takeuchi của trường Đại học Y khoa Tokyo, với tốc độ lây nhiễm gia tăng như hiện nay, COVID-19 có thể đươc kiểm soát và cùng chung sống với con người.
Góc nhìn từ chuyên gia Nhật Bản về biến chủng Omicron ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo báo "Sankei" (Nhật Bản), số ca mới mắc COVID-19 tại Nhật Bản đã liên tục lập kỷ lục trong những ngày qua. Các chuyên gia cho rằng với sự lây lan của biến chủng Omicron, số ca nhiễm tại các địa phương trên toàn Nhật Bản đã liên tục tăng cao với tốc độ chưa từng có từ trước đến nay.

Biến chủng Omicron khác với các chủng virus SARS-CoV-2 xuất hiện từ trước đến nay, có sự thay đổi về tính chất virus và khả năng lây nhiễm cao.

Khả năng lây lan mạnh mẽ

Báo cáo về trường hợp nhiễm chủng Omicron đầu tiên tại Nhật Bản được xác nhận ngày 24/11/2021. Sau thời điểm đó, biến chủng này đã bùng phát mạnh mẽ tại Anh, Mỹ và lan rộng trên phạm vi toàn thế giới.

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu tại Nhật Bản, khả năng lây nhiễm của biến chủng Omicron cao gấp từ 3-5 lần so với biến chủng Delta.

Tại Nhật Bản, kể từ thời điểm xác nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên trong cộng đồng vào ngày 22/12, tình trạng lây nhiễm đã gia tăng với một tốc độ “đáng kinh ngạc.”

[Nhật Bản ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục]

Trong làn sóng dịch lần thứ 5 ghi nhận tại Nhật Bản vào mùa Hè, với sự lây lan chủ yếu của biến chủng Delta, thời gian để số ca nhiễm mới tăng từ con số 2.000 người lên mức trên 20.000 người là 37 ngày. Tuy nhiên, với biến chủng Omicron, thời gian này chỉ có 9 ngày.

Một trong những nguyên nhân dịch lây lan mạnh mẽ là thời gian ủ bệnh ngắn. Theo Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, số liệu phân tích những người nhiễm biến chủng Omicron cho thấy thời gian ủ bệnh trung bình là 2,9 ngày, thấp hơn so với thời gian 3,4 ngày của biến chủng Alpha. Tỹ lệ lây nhiễm từ các thành viên trong gia đình vào khoảng 31%-45%, cao hơn so với tỷ lệ 26% của biến chủng Delta.

Hiệu quả công tác dự phòng sụt giảm

Việc những người đã có lịch sử nhiễm bệnh và tiêm chủng vaccine COVID-19 dễ bị lây nhiễm biến chủng Omicron đang là yếu tố làm gia tăng tình trạng dịch bệnh.

Thông thường, trong cơ thể những người đã phục hồi sau khi nhiễm bệnh và những người đã tiêm chủng vaccine sẽ có kháng thể để làm suy yếu hoạt động của virus, hạn chế khả năng lây nhiễm, tuy nhiên, nhiều cơ quan nghiên cứu đã đưa ra báo cáo về việc suy giảm hoạt động của các kháng thể.

Theo dữ liệu nghiên cứu từ trường Đại học Imperial College London, nguy cơ tái nhiễm với chủng Omicron cao gấp 5,41 lần so với chủng Delta. Cũng theo các tài liệu được trình bày tại cuộc họp ngày 20/12 của ban cố vấn thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, trong số khoảng 2.000 ca nhiễm biến chủng Omicron được xác nhận tại Nhật Bản, có khoảng 50,1% trường hợp đã hoàn thành hai mũi tiêm phòng, 19,3% chưa tiêm phòng và 29,1% chưa xác định.

Theo dữ liệu từ Cơ quan y tế Anh tiến hành điều tra đối với 760.000 người nhiễm chủng Omicron, hiệu quả phòng ngừa sau khi tiêm 2 mũi vaccine Pfizer hoặc Moderna sau 2-4 tuần là khoảng 65%-70% và giảm xuống còn khoảng 10% sau 20 tuần.

Hiệu quả mũi tiêm thứ ba sẽ tăng lên 65-75% sau 2-4 tuần, nhưng giảm xuống 55-65% sau 5-9 tuần và 45-50% sau 10 tuần.

Hiệu quả của các loại thuốc kháng thể được sử dụng trong điều trị cũng bị ảnh hưởng. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản không khuyến cáo sử dụng liệu pháp cocktail kháng thể "Ronapreve" cho những người bị nhiễm chủng Omicron vì hiệu quả chống lại chủng Omicron có thể giảm xuống khoảng 1/1000 so với mức thông thường.

Ít có nguy cơ biến chứng nặng

Khả năng gây bệnh của biến chủng Omicron dường như thấp hơn chủng Delta. Trong cuộc họp của ban cố vấn thuộc Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản ngày 20/12, dữ liệu phân tích cho thấy tỷ lệ người bệnh xuất hiện triệu trứng nặng như viêm phổi chỉ bằng 1/6 so với biến chủng Delta.

Mặc dù ảnh hưởng đối với hiệu quả tiêm chủng vaccine đang được xem xét, song đại diện Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản cho rằng “việc tỷ lệ các ca nhiễm chuyển biến nặng sau thời điểm cuối tháng 12/2021 giảm xuống cho thấy nguy cơ biến chứng nặng của chủng Omicron là thấp.”

Ngoài ra, theo một phân tích về 50 trường hợp nhiễm chủng Omicron ở tỉnh Okinawa của Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia, 96% trường hợp xuất hiện triệu chứng bệnh, trong đó chủ yếu là sốt (75%), ho (60%), cảm giác khó chịu (52%), đau cổ họng (46%), nghẹt mũi (38%), nhức đầu (33%)...

Các triệu trứng này tương tự như cảm lạnh và cúm mùa. Mặt khác, chỉ có 2% xuất hiện triệu trứng rối loạn vị giác và khứu giác, không có trường hợp nghiêm trọng hoặc tử vong.

Xu hướng này cũng được đề cập trong báo cáo trong phân tích triệu chứng đối với 180.000 người nhiễm chủng Omicron của Cơ quan Y tế Anh, trong đó 53% chủng Omicron bị đau họng so với tỉ lệ 34% của chủng Delta. Mặt khác, tình trạng rối loạn khứu giác và vị giác giảm từ 34% ở chủng Delta xuống 13% ở chủng Omicron.

Để làm sáng tỏ các triệu trứng lâm sàng của biến chủng Omicron, các thí nghiệm trên nhiều động vật của các nhóm nghiên cứu trong và ngoài Nhật Bản đã được thực hiện và kết quả cho thấy so với biến chủng Delta hoặc các biến chủng lây lan phổ biến trước đây, các động vật nhiễm Omicron ít xảy ra tình trạng suy giảm trọng lượng và suy giảm chức năng hô hấp, virus cũng khó lây lan ở đường hô hấp bên dưới như phổi.

Ngoài ra, một thử nghiệm sử dụng cơ quan phổi của người được tiến hành tại Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy, biến chủng Omicron có thể nhân lên gấp 70 lần ở phế quản, tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ còn 1/10 ở phổi.

Giáo sư Takemasa Sakaguchi của trường Đại học Hiroshima, người nghiên cứu về COVID-19, nói: "Virus gây dịch COVID-19 có khả năng đã bị đột biến sang loại virus ít có khả năng gây viêm phổi và giảm nguy cơ biến chứng nặng ở người bệnh. Có khả năng loại tế bào lây nhiễm đang thay đổi so với trước đây.”

Khả năng lây nhiễm cao, độc lực yếu

Biến chủng Omicron có đột biến tại hơn 30 điểm trong protein gai bề mặt (nhân tố lây nhiễm tế bào con người), cao hơn nhiều so với khoảng 10 điểm của biến chủng Delta và Alpha. Trong đó, các vị trí có liên quan đến tính chất lây nhiễm đặc biệt ở Omicron là 15 điểm, trong khi ở biến chủng Delta chỉ có 2 điểm.

Theo Phó Giáo sư Hiroaki Takeuchi thuộc trường Đại học Y khoa khoa Tokyo, các chủng Omicron có nhiều đột biến đặc trưng của chủng Alpha và Delta. Ngoài những đột biến giúp thoát khỏi khả năng miễn dịch dễ dàng hơn, nó còn có những đột biến mới liên quan đến tốc độ truyền bệnh. Việc có nhiều đột biến có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi tính chất của virus.

Để làm rõ vấn đề này, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia, với thành viên từ đại học Tokyo, đại học Hokkaido... đã tiến hành thử nghiệm và kết quả cho thấy, mức độ dung hợp của các protein gai virus trên bề mặt tế bào thấp hơn so với các biến chủng trước đây.

Giáo sư Akasuke Fukuhara thuộc trường Đại học Hokkaido - thành viên nhóm nghiên cứu - cho rằng những đột biến ở protein gai của virus làm giảm khả năng dung hợp tế bào, làm thay đổi lớn hiệu quả lây nhiễm và mức độ lây truyền so với trước đây.

Kết quả là mức độ virus lây lan tại phổi cũng khó khăn hơn và điều này góp phần làm giảm các triệu trứng gây bệnh. Sự thay đổi từ biến chủng Alpha đến biến chủng Delta, Omicron với sự gia tăng khả năng lây nhiễm cao đặt ra câu hỏi là chủng virus này sẽ “tiến hóa” như thế nào?

Phó Giáo sư Takeuchi của trường Đại học Y khoa Tokyo cho biết: "Trong lịch sử các bệnh truyền nhiễm trước đây, virus biến đổi để có thể gia tăng số lượng, song điều này tỷ lệ nghịch với nguy cơ phát bệnh. COVID-19 có vẻ như cũng đang đi theo con đường tương tự. Với tốc độ lây nhiễm gia tăng như hiện nay, COVID-19 có thể đươc kiểm soát và cùng chung sống với con người”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục