COVID-19: 'Omicron tàng hình' đã xuất hiện ở khoảng 50 nước

Phiên bản mới của biến thể Omicron (BA.2) được các nhà khoa học gọi là phiên bản "tàng hình" của biến thể Omicron do khó bị phát hiện trong các xét nghiệm PCR.
COVID-19: 'Omicron tàng hình' đã xuất hiện ở khoảng 50 nước ảnh 1Phiên bản 'tàng hình' của biến thể Omicron do khó bị phát hiện trong các xét nghiệm PCR. (Nguồn: Getty Images)

Phiên bản mới của biến thể Omicron (BA.2) mà các nhà khoa học gọi là "Omicron tàng hình" đã xuất hiện ở châu Âu và châu Á, nay bắt đầu "lộ diện" tại Mỹ.

BA.2 được các nhà khoa học gọi là phiên bản "tàng hình" của Omicron do khó bị phát hiện trong các xét nghiệm PCR. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ liệu Omicron tàng hình có khả năng lây lan nhanh hoặc gây bệnh trở nặng hơn so với Omicron tiêu chuẩn (BA.1) hay không.

Cho đến nay, BA.1 là dạng phổ biến nhất và đang nhanh chóng thay thế Delta trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo trên thế giới.

Kể từ tháng 11/2021, Omicron tàng hình đã xuất hiện ở khoảng 50 quốc gia trên thế giới, với hơn 8.000 ca nhiễm. Đến nay, Đan Mạch dường như là nước ghi nhận số ca lây nhiễm BA.2 nhiều nhất, với 6.411 ca mà nước này báo cáo với Sáng kiến khoa học toàn cầu (GISAID) vào tuần trước.

Trong thông báo ngắn mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rõ: "Trong khi BA.1 trước đây là dòng chủ đạo (gây ra số ca nhiễm nhiều) nhất, thì xu hướng (lây nhiễm) gần đây ở Ấn Độ, Nam Phi, Vương quốc Anh và Đan Mạch cho thấy BA.2 đang ngày càng gây ra nhiều ca bệnh."

[WHO cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến thể mới lây lan cao hơn Omicron]

WHO cho biết hiện các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu về khả năng lây lan và các đặc tính khác của Omicron tàng hình.

Đến nay, Omicron tàng hình cũng đã xuất hiện tại Mỹ. Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Houston Methodist ở bang Texas trong tháng này đã xác nhận 3 ca nhiễm Omicron tàng hình trong số các bệnh nhân COVID-19.

Trong khi đó, Bộ Y tế bang Washington xác nhận 2 ca nhiễm Omcron tàng hình dù các ca này được thông báo trên website của cơ quan này là nhiễm biến thể Omicron nói chung.

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết cơ quan này đang giám sát Omicron tàng hình, đồng thời lưu ý rằng phiên bản mới này của biến thể Omicron vẫn là một dạng virus có khả năng lây lan thấp.

Trong khi đó, Cơ quan An toàn sức khỏe của Anh (UKHSA) thông báo đã xếp Omicron tàng hình vào dạng một biến thể đang được điều tra.

Tiến sỹ Meera Chand, Giám đốc phụ trách về dịch COVID-19 tại UKHSA, nêu rõ: "Bản chất của virus là tiến hóa và đột biến, vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của các biến thể khác chừng nào đại dịch vẫn còn tiếp tục."

Ông cho biết thêm, cho đến nay, chưa có đủ bằng chứng để xác định liệu Omicron tàng hình có gây bệnh trở nặng hơn so với Omicron tiêu chuẩn hay không. Theo UKHSA, đến nay chưa thể xác định ca Omicron tàng hình xuất hiện lần đầu tiên ở nước nào.

Trong khi đó, tại Anh, 426 ca nhiễm Omicron tàng hình đã được ghi nhận ở nước này, sau khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào ngày 6/12/2021. Trong số này, London ghi nhận nhiều số ca nhất, với 146 ca, tiếp đó là vùng Nam-Đông của Anh với 97 ca.

Ấn Độ ghi nhận 530 ca nhiễm Omicron tàng hình, Thụy Điển 181 ca và Singapore với 127 ca. Philippines hôm 25/1 xác nhận, BA.2 đã xuất hiện và có thể nhanh chóng chiếm ưu thế ở Philippines./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục