Tiền Giang: Thí điểm điều trị COVID-19 bằng thuốc Molnupiravir

Sau khi tiếp nhận 120.000 viên Molnupiravir 200mg, Tiền Giang sẽ triển khai chặt chẽ quy trình thí điểm sử dụng loại thuốc kháng virus này để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 thể vừa và nhẹ.
Tiền Giang: Thí điểm điều trị COVID-19 bằng thuốc Molnupiravir ảnh 1Thuốc Molnupiravir, loại kháng virus do hãng Merck & Co (Mỹ) phát triển. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bác sỹ Chuyên khoa II Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết Tiền Giang là một trong các tỉnh, thành phố được Bộ Y tế chọn thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19 vừa và nhẹ.

Thực hiện Quyết định 5890 ngày 28/12/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt bổ sung đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, tỉnh Tiền Giang được phân bổ 3.000 đối tượng tham gia nghiên cứu.

Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận 120.000 viên Molnupiravir 200mg; xây dựng kế hoạch phân bổ số lượng thuốc cho các cơ sở thu dung điều trị và quản lý F0 tại nhà cho chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát COVID-19; đồng thời, ban hành Quyết định 01 ngày 2/1/2022 phân bổ số lượng thuốc Molnupiravir 200 mg cho các cơ sở tham gia nghiên cứu chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát COVID-19.

[Đã phân bổ 450.000 liều thuốc Molnupiravir điều trị bệnh nhân COVID-19]

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Thảo, Molnupiravir là thuốc được thử nghiệm điều trị COVID-19 có kiểm soát theo đề cương của Bộ Y tế. Do đó, tất cả mọi thủ tục hồ sơ từ quản lý, cấp phát thuốc đến đăng ký cơ sở tham gia nghiên cứu đều được thực hiện khẩn trương và chặt chẽ.

Khi nhận được 120.000 viên thuốc Molnupiravir, Sở Y tế Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch phân bổ thuốc ngay và tiến hành lập các tổ để thực hiện nghiên cứu nhằm đáp ứng yêu cầu của Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.

Để triển khai chương trình nghiên cứu, Sở Y tế Tiền Giang đã phân bổ theo tỷ lệ số ca F0 tại các cơ sở thu dung điều trị và F0 tại nhà theo từng địa bàn quản lý.

Quy trình triển khai như sau: Trước tiên người bệnh sẽ được bác sỹ khám sàng lọc và chọn bệnh nhân theo tiêu chuẩn nghiên cứu. Sau đó, thực hiện tư vấn người bệnh về việc tham gia thử nghiệm; lấy phiếu xác nhận đồng ý tham gia chương trình nghiên cứu (gọi tắt là ICF); nhập bệnh án; cập nhật vào danh sách người bệnh tham gia nghiên cứu hằng ngày; xuất thuốc, giao thuốc đã phân sẵn theo liều và hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc, tự chăm sóc tại nhà.

Quá trình dùng thuốc của bệnh nhân được theo dõi và ghi nhận thông tin hiệu quả cũng như những bất lợi khi sử dụng thuốc…

Theo Sở Y tế Tiền Giang, trong ngày 24/1, tỉnh phát hiện 162 ca dương tính với SARS-CoV-2. Tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 mũi 2 đối với người từ 18 tuổi trở lên tại Tiền Giang là trên 98,4%; ở nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi là 87%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục