Học sinh cần tới trường để tránh hệ lụy lâu dài - Bài 2: Nhiều phụ huynh đồng tình

Thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất cho toàn bộ học sinh từ khối 7 đến khối 12 trở lại trường sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận đã nhận được những ý kiến đồng tình của đông đảo phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh có con trong độ tuổi này.

Chú thích ảnh
Học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú học trực tiếp tại trường bởi quận Hoàn Kiếm thuộc vùng vàng (cấp độ 2). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Không thể ở nhà mãi 

Anh Bùi Tiến Dũng (quận Long Biên, Hà Nội) hoàn toàn ủng hộ quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Anh cho rằng, việc học sinh từ khối 7 đến khối 12 trở lại trường sau Tết Nguyên đán là hoàn toàn hợp lý.

“Hà Nội đã có những bước đi khá thận trọng trong việc mở cửa trường học. Điều này là cần thiết trong giai đoạn trước, khi học sinh chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, sau Tết là thời điểm thích hợp để các cháu đi học trở lại. Người lớn đã đi làm, đi chơi, tới các điểm công cộng… thì trẻ con cũng vậy, cũng nên thích ứng và sống an toàn với dịch bệnh”, anh Dũng nói.

Anh Phạm Huy Quân (quận Ba Đình) cũng nhất trí với quyết định học sinh đi học lại sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, anh Quân cho rằng, việc này có thể thực hiện theo hướng tự nguyện, phụ huynh nào đồng thuận thì cho con đi học, phụ huynh chưa yên tâm cứ để con ở nhà học online, nhưng nhà trường hãy mở cửa trở lại.

“Các con từ 12 tuổi trở lên đã tiêm phòng đầy đủ và đủ thời gian để có kháng thể ở mức cao. Hơn nữa, liên Sở Y tế - Giáo dục và Đào tạo cũng đã có hướng dẫn chi tiết về phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học, có những giải pháp xử lý các tình huống phát sinh. Các địa phương, trường học cũng tổ chức diễn tập phòng chống dịch. Đến trường thôi, các con không thể ở nhà mãi được”, anh Quân chia sẻ.

Cần thay đổi cách xác định mức độ dịch

Có khá nhiều ý kiến của phụ huynh Hà Nội cho rằng, Bộ Y tế và thành phố Hà Nội cần có phương thức xác định mức độ dịch, không thể đếm số ca mắc để quyết định màu vùng dịch như hiện nay. Hà Nội người đông, việc di chuyển của người dân giữa các địa bàn là bình thường, không bó hẹp trong phạm vi một quận nào đó. Vì thế, các quận thay đổi màu vùng dịch sẽ chỉ trong thời gian ngắn. Nếu cứ quyết định màu vùng dịch như hiện nay sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc học sinh đi học.

“Tôi ủng hộ việc cho học sinh đi học trở lại. Nhưng cứ màu cam thì nghỉ, màu vàng thì đi học sẽ khiến việc học không được liên tục, thiếu tính ổn định, ảnh hưởng cả nhà trường và gia đình. Chưa kể đến việc tâm lý của các con sẽ bị ảnh hưởng”, chị Nguyễn Minh Liên (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, anh Lê Phan (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng việc học chạy theo mức độ dịch là không hợp lý. Anh Phan phân tích, như vậy cứ cuối tuần lại phải chờ xem quận nhà mình màu gì để bố trí sinh hoạt trong gia đình, còn cắt cử người đưa đón con, cơm nước cho con. Việc chuyển trực tiếp - trực tuyến nghe tưởng chừng linh hoạt, nhuần nhuyễn nhưng thực tế, chất lượng của hai hình thức học này vẫn còn có khoảng cách không nhỏ.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, hiện nay, các đơn vị đã hoàn tất khâu diễn tập để có thể sẵn sàng đón học sinh trở lại trường sau Tết. Được học trực tiếp sẽ giúp việc tương tác giữa thầy với trò, giữa học sinh với nhau và khả năng tiếp thu bài của các em thuận lợi hơn.

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc học sinh trở lại trường, ông Trần Thế Cương cũng mong muốn các bậc phụ huynh và học sinh cần tiếp tục thực hiện tốt thông điệp "5K" của Bộ Y tế, phối hợp với nhà trường trong việc quản lý, phòng, chống dịch; đồng thời hỗ trợ, động viên học sinh.

Bài cuối: Chống “sốc” cho học sinh khi đi học trở lại

Nguyễn Cúc (TTXVN)
Học sinh cần tới trường để tránh hệ lụy lâu dài - Bài 1: Xuất hiện sức ỳ tâm lý
Học sinh cần tới trường để tránh hệ lụy lâu dài - Bài 1: Xuất hiện sức ỳ tâm lý

Có một thực tế, sau thời gian học trực tuyến kéo dài, khá nhiều học sinh xuất hiện "sức ỳ tâm lý", không muốn đi học trở lại, ngại giao tiếp. Nhiều em cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà và coi thiết bị điện tử như một người "bạn thân"...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN