'Học thật, thi thật, nhân tài thật, đầu tiên phải ở các trường chuyên

'Học thật, thi thật, nhân tài thật, đầu tiên phải ở các trường chuyên'

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh các trường chuyên đào tạo nhân tài nhưng vẫn phải đảm bảo giáo dục toàn diện, không chạy theo huy chương, đảm bảo học thật, thi thật, nhân tài thật.
'Học thật, thi thật, nhân tài thật, đầu tiên phải ở các trường chuyên' ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường chuyên.

Đây là những nội dung chỉ đạo được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội nghị vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, 21/1.

Thay đổi vượt bậc sau 10 năm

Báo cáo tóm tắt công tác triển khai Quyết định số 959/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020,” Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết trong giai đoạn 2010-2020, hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển. Từ 68 trường chuyên năm 2010, đến năm 2020, con số này là 77 trường, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có ít nhất một trường chuyên. Số lượng học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh trung học phổ thông trên toàn quốc.

Các trường chuyên được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, có chính sách đặc thù để thu hút giáo viên giỏi. Năm 2010 có 21 trường chuyên đạt chuẩn quốc gia nhưng năm 2020, số trường đạt yêu cầu này là 60 trường, tăng gấp 3 lần.

Minh chứng cho điều này, chia sẻ tại hội nghị, giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết nhờ có đề án phát triển trường chuyên, từ 1 lớp A0, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập được ba trường chuyên về ba lĩnh vực: Ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Các trường chuyên này phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Học sinh của Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên dẫn đầu cả nước về giải thưởng quốc tế.

Còn theo ông Phạm Duy Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, với đề án phát triển trường chuyên của Chính phủ, từ một trường quy mô nhỏ, sau 10 năm Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Kạn đã thay đổi gần như toàn bộ với đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, phòng ngoại ngữ, phòng đa năng… Số lượng học sinh của trường hiện tăng 50% so với năm 2010.

'Học thật, thi thật, nhân tài thật, đầu tiên phải ở các trường chuyên' ảnh 2Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Không chỉ tăng về số lượng, nâng về chất lượng cơ sở vật chất mà chất lượng đào tạo tại các trường chuyên cũng có những biến chuyển vượt bậc sau 10 năm thực hiện đề án. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường chuyên đã tạo ra được một môi trường học tập năng động, sáng tạo, chủ động, tích cực cho cả học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý. Thành tích thi Olympic quốc tế của các đội tuyển Việt Nam những năm gần đây luôn ở tốp 10 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ dự thi.

Không chạy theo thành tích, huy chuơng

Khẳng định những kết quả đạt được của hệ thống trường chuyên sau 10 là rất đáng khích lệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng có thể đánh giá đề án "Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020" của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra, mang lại những kết quả tốt đẹp, đóng góp quan trọng vào phát triển giáo dục của đất nước, trở thành cú hích, đóng góp chung vào sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, mà trực tiếp nhất là giáo dục phổ thông

Đặc biệt, đề án đã có tác động điều chỉnh về nhận thức của xã hội đối với hệ thống trường chuyên và việc bồi dưỡng nhân tài, lãnh đạo các địa phương quan tâm hơn đến gia tăng chất lượng đào tạo tại địa phương.

Trao đổi về những việc cần làm mạnh mẽ hơn nữa để phát triển hệ thống trường chuyên cả về quy mô và chiều sâu trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh việc cần tiếp tục nhìn nhận phát triển trường chuyên là khâu quan trọng trong phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài; tiếp tục củng cố, phát huy tính tiên phong, mũi nhọn của hệ thống trường chuyên và cần lan tỏa trong hệ thống, đặc biệt là về phương pháp, cách thức tổ chức và khoa học giáo dục.

[Trao Huân chương Lao động cho học sinh đoạt giải Olympic quốc tế]

Tuy nhiên, tư lệnh ngành giáo dục cũng lưu ý các đơn vị cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, các huân huy chương… mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển.

Với quan điểm đào tạo phát triển toàn diện, Bộ trưởng cho rằng đào tạo chuyên dẫu đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu. Vì vậy, đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ và đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.

“Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường trung học phổ thông chuyên”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương đầu tư lớn cho trường chuyên nhưng vẫn cần lưu ý đến giáo dục phổ thông và chính sách bình đẳng trong giáo dục. “Không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác. Bên cạnh trường chuyên được đầu tư lộng lẫy là nhóm trường còn chưa được kiên cố hóa thì thực sự phản cảm. Phát triển nhóm trên nhưng phải nâng đỡ nhóm dưới một cách hài hòa,” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho hay đã giao nhiệm vụ cho đơn vị chuyên môn chuẩn bị quy chế về trường chuyên mới, dự kiến sẽ sớm ban hành để làm chỗ dựa cho các đơn vị, địa phương triển khai.

“Chúng ta đã có 10 năm đầu tư phát triển. Chặng đường mới sẽ tiếp tục đổi mới, đã đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư nhưng đúng và trúng. Từ các công việc khác nhau để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài - một việc rất hệ trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai,” Bộ trưởng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục