Lý do UAE mua tên lửa Hàn Quốc chứ không phải từ Mỹ

Thương vụ đặt ra câu hỏi liệu Mỹ đang thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng niềm tin về phòng không với các đồng minh ở khu vực Trung Đông hay không.

Theo Thời báo châu Á (Asiatiems.com) ngày 20/1, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ mua hệ thống phòng không của Hàn Quốc dựa trên tên lửa đánh chặn 9M96 của Nga và các hệ thống chỉ huy và điều khiển được phát triển cho các hệ thống tên lửa S-350 và S-400 cũng của Nga. 

Được biết đến với tên gọi  KM-SAM Cheongong II (Iron Hawk), Hàn Quốc đã hợp tác phát triển hệ thống tên lửa này với  Almaz-Antey  (chính thức là Công ty Cổ phần Concern VKO), nhà phát triển hệ thống phòng không hàng đầu của Nga và với MKB Fakel (Cục Thiết kế Chế tạo Máy PD Grushin, Nga). 

Chú thích ảnh
Tên lửa Cheongong II của Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Một số nhà thầu Hàn Quốc đã tham gia vào dự án, trong đó có Samsung-Thales - một đối tác của Tập đoàn hàng không vũ trụ Thales của Pháp - LIG Nex1 và Doosan. Dự án Cheongung ban đầu ở Hàn Quốc được lên kế hoạch để thay thế hệ thống phòng không MIM-23 Hawk đã lỗi thời do Mỹ chế tạo. Cheongong II là bản nâng cấp được tối ưu hóa để chống lại các mối đe dọa tên lửa đạn đạo tầm thấp. 

Cheongong II được triển khai lần đầu tiên tại Hàn Quốc vào tháng 11/2020. Hệ thống này có thể đánh chặn tên lửa đang bay tới ở độ cao 20 km. 

Mối quan hệ hợp tác của Hàn Quốc với các ngành công nghiệp hàng không và quốc phòng của Nga thể hiện nỗ lực của Hàn Quốc nhằm chống lại các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên và cũng cho thấy Hàn Quốc muốn tự kiểm soát hệ thống phòng không của mình và không phụ thuộc vào Mỹ, nước đã triển khai và điều hành hệ thống tên lửa THAAD duy nhất ở Hàn Quốc.

UAE đã mua được hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến Patriot PAC-3 từ Mỹ, nhưng Patriot chỉ có hiệu quả khiêm tốn trước tên lửa đạn đạo của Iran do lực lượng Houthi phóng và không hiệu quả với máy bay không người lái. 

Mỹ bị “phớt lờ”

Trong khi đó, UAE  đã "tạm dừng" việc mua máy bay chiến đấu F-35 sau khi Mỹ áp đặt các điều kiện bán hàng mà UAE cho rằng không thể chấp nhận được. Mặt khác, Washington đã và đang xúc tiến các cuộc đàm phán với Houthis và không ủng hộ các hoạt động quân sự của Saudi Arabia và UAE trong việc chống lại các nỗ lực của Houthi nhằm lật đổ chính phủ Yemen.  

Saudi Arabia, quốc gia cũng có Patriot PAC-3, thông báo rằng họ sắp hết tên lửa đánh chặn Patriot và đã yêu cầu cung cấp thêm. Liệu Mỹ có chuyển giao tên lửa hay không, và khi nào, vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải. Trong năm qua, Saudi Arabia đã phải đối mặt với 375 cuộc tấn công xuyên biên giới, chủ yếu là tên lửa và máy bay không người lái do Houthi thực hiện.

UAE không phải là nước đầu tiên tìm kiếm các giải pháp thay thế cho hệ thống Patriot của Mỹ. Hàn Quốc, quốc gia có Patriot và đang tìm cách nâng cấp chúng, đã tiếp tục hợp tác với Nga trong việc phát triển Cheongung và  L-SAM, phiên bản THAAD của Hàn Quốc. 

Giống như Cheongung, L-SAM được phát triển bởi Nga và dựa trên tên lửa đánh chặn 48N6E. Tên lửa đó có tầm bắn khoảng 400 km, khiến nó trở thành tên lửa tầm xa nhất hiện có cho  hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga  và nó có thể đánh chặn các mục tiêu siêu thanh.

Theo Global Security, hệ thống L-SAM “sẽ đánh chặn tên lửa ở độ cao 40km hoặc hơn [độ cao 50-60km],” giảm bớt lo ngại rằng PAC-2 và PAC-3 không thể bắn hạ tên lửa của Triều Tiên, vốn có thể được gắn đầu đạn hạt nhân.

Trước Hàn Quốc, Israel cũng đã phát triển hệ thống phòng không tích hợp của riêng mình, như Vòm Sắt (Iron Dome), David's Sling, Arrow-2  và Arrow-3. Israel hợp tác với các nhà sản xuất vũ khí Mỹ (Raytheon, Lockheed, Boeing) và được hỗ trợ bởi Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ. Mỹ cũng tài trợ cho các hệ thống phòng không của Israel cũng như cùng nghiên cứu và phát triển chung.

Nếu UAE đã có PAC-3 Patriot và THAAD (9 khẩu đội Patriot và 2 khẩu đội THAAD), tại sao họ lại chọn mua hệ thống của Hàn Quốc? Một lý do là hệ thống Phòng không Cheongung của Hàn Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống "tầm thấp hơn" mà Patriot không thể xử lý và THAAD không hiệu quả. 

Điều này phù hợp với Israel, quốc gia không có THAAD, nhưng cần một hệ thống để lấp đầy lỗ hổng phòng không quan trọng trước mối đe dọa từ các tên lửa tầm ngắn có thể được phóng bởi Iran hoặc bởi lực lượng ủy nhiệm của Iran. Arrow-3 hoàn thành vai trò của THAAD ở Israel và Israel đang nghiên cứu một hệ thống thậm chí còn tiên tiến hơn có  tên Arrow-4.

Đối với Mỹ, việc UAE chọn mua tên lửa của Hàn Quốc, nếu xét về chính trị, thể hiện một bước thụt lùi đáng kể. Mỹ hiện không có một hệ thống phòng không tích hợp có khả năng chống lại các mối đe dọa hiện đại, chẳng hạn như UAV hoặc tên lửa hành trình. 

Rõ ràng, nếu Hàn Quốc có thể bán một hệ thống tên lửa dựa trên công nghệ của Nga, thì việc hỗ trợ phòng không của Mỹ cho NATO cũng như cho các đồng minh và bạn bè là một vấn đề đáng suy ngẫm. Tất cả những điều này dẫn đến sự mất niềm tin ngày càng lớn vào khả năng phòng không của Mỹ; nó có vẻ tồi tệ hơn vì Bộ Quốc phòng Mỹ đã không phản ứng với cuộc khủng hoảng niềm tin phòng không mà họ phải đối mặt.

Công Thuận/Báo Tin tức
Tiết lộ về tàu chiến thế hệ mới nhất, uy lực 'khủng' của Hải quân Mỹ
Tiết lộ về tàu chiến thế hệ mới nhất, uy lực 'khủng' của Hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ cho biết muốn thế hệ tàu chiến tiếp theo có khả năng bắn tên lửa siêu thanh và tia laser mạnh hơn gấp 10 lần so với vũ khí laser hiện có.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN