Dự báo sớm, theo dõi chặt, hành động nhanh trong phòng chống thiên tai

Phó Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, cần tập trung cao cho công tác phòng, chống thiên tai, triển khai đồng bộ các giải pháp cho năm 2022, phấn đấu giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Dự báo sớm, theo dõi chặt, hành động nhanh trong phòng chống thiên tai ảnh 1Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 20/1, tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Năm 2021, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai thấp nhất từ trước đến nay

Theo báo cáo, năm 2021, thiên tai và thảm họa trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt. Ở trong nước, đã xảy ra tổng số 4.061 trận thiên tai, tai nạn, sự cố (chưa tính tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt), làm 530 người chết và mất tích; trong đó đã xảy ra 841 trận với 18/22 loại hình thiên tai và làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng.

Với nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm chỉ đạo toàn diện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự chỉ đạo định hướng cụ thể của lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia và việc chủ động triển khai nhiệm vụ của phần lớn thành viên nên công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 đã có những chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm 2021, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra.

Đáng chú ý, báo cáo đánh giá năm 2021 là năm đạt kỷ lục về việc giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai thấp nhất từ trước đến nay.

Về dự báo năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng năm nay được dự báo nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, có thể cao hơn 1,09 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Với xu thế nóng lên toàn cầu nguy cơ cao xuất hiện các thiên tai bất thường, nguy hiểm ở các khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

[Chuyên gia khí tượng nhận định thời tiết dịp nghỉ Tết Nhâm Dần 2022]

Về định hướng nhiệm vụ năm 2022, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cho rằng các số liệu về phòng, chống thiên tai, lụt bão đòi hỏi kịp thời, nhanh chóng, chính xác, cập nhật sớm nên nếu không áp dụng khoa học công nghệ sẽ không đạt được yêu cầu.

Hiện nay, đã có bộ cơ sở dữ liệu với trên 30.000 đầu mối nhưng so với nhu cầu thực tiễn còn xa hơn rất nhiều. Từ đó, ông Trần Quang Hoài mong muốn Chính phủ có Đề án chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai.

Nhất trí với ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết Bộ sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. "Nếu chúng ta có hệ thống tích hợp các điểm đỏ về thiên tai trong nhiều năm liên tục thì sẽ phát hiện ra những vùng gặp rủi ro thiên tai nhiều nhất, từ đó, chúng ta tập trung chỉ đạo đối với những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, để có các giải pháp công trình và phi công trình cho các vùng đó," Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn bày tỏ mong muốn các bộ, ngành tăng cường phối hợp để khẩn trương hoàn thiện đề án nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Dự báo sớm, theo dõi chặt, hành động nhanh

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ năm 2021, cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương dồn nhiều sức lực vào phòng, chống dịch bệnh và duy trì, phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó cũng tập trung cho công tác ứng phó sự cố, thiên tai, vừa kết hợp bảo đảm an toàn dịch bệnh, vừa phòng, chống thiên tai.

Dự báo sớm, theo dõi chặt, hành động nhanh trong phòng chống thiên tai ảnh 2Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Biểu dương sự nỗ lực, sự phối hợp của các bộ, cơ quan, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn, Phó Thủ tướng nêu rõ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2021 là thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Thường trực Ban Chỉ đạo và Ủy ban Quốc gia đã rất chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương xây dựng các kịch bản chỉ đạo, ứng phó linh hoạt, phù hợp, sát với diễn biến tình hình để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã có rất nhiều cố gắng, tiến bộ, chất lượng dự báo ngày càng được cải thiện tốt hơn. Nhiều trận bão hiện nay, cơ quan dự báo đã có thể cảnh báo từ trước 5 ngày (trước đây chỉ tối đa 3 ngày) và liên tục được cập nhật để thông tin chính xác hơn. Hệ thống tuyên truyền, các cơ quan báo chí đã vào cuộc tích cực, giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin về diễn biến thiên tai và các biện pháp phòng, chống.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục tập trung khắc phục trong thời gian tới. Phó Thủ tướng lưu ý 2 vấn đề là quy định, quy chế và việc điều hành hồ chứa, xả lũ. "Nếu quy định, quy chế không tốt thì mệnh lệnh sai, điều hành sai," Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần rà soát lại hệ thống quy định, quy chế.

Trước dự báo tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng yêu cầu "tuyệt đối không được chủ quan, cần tập trung cao cho công tác phòng, chống thiên tai, triển khai đồng bộ các giải pháp cho năm 2022, phấn đấu giảm thiểu thiệt hại do thiên tai đến mức thấp nhất." Trong đó, lưu ý không để xảy ra các trường hợp đáng tiếc, như trận bão nhỏ mà làm chết người.

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia và Ủy ban Quốc gia, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thiên tai; tiếp nhận thông tin, chỉ đạo xử lý kịp thời các sự cố, vụ việc cần cứu hộ, cứu nạn không để bị động, bất ngờ. Các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn, trong đó cần tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị thiết yếu.

Các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố, nhất là thiên tai, sự cố lớn trên diện rộng, đặc biệt là phương án chỉ đạo điều hành, triển khai đoàn công tác hiện trường cũng như phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai và dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với thiên tai, sự cố cho người dân. "Phải xác định công tác tuyên truyền là hoạt động quan trọng trong công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục