Khám phá hình tượng hổ trong cổ vật Việt Nam: Oai phong và gần gũi

Trưng bày “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” giới thiệu tới công chúng nhiều tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc trải dài từ thời kỳ Đông Sơn đến thế kỷ 20.
Đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày. (Ảnh: Thanh Tùng/ TTXVN)
Đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày. (Ảnh: Thanh Tùng/ TTXVN)

Ngày 18/1, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và một số sưu tập tư nhân tổ chức trưng bày chuyên đề "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam," thiết thực chào mừng Xuân Nhâm Dần.

Với trên 30 hiện vật và các tài liệu, hình ảnh chọn lọc, trưng bày giới thiệu với công chúng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc trải dài trên 2.000 năm của lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Trưng bày được thể hiện theo niên đại kết hợp loại hình, giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sưu tập hiện vật, ý nghĩa của hình tượng hổ trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, hình tượng hổ có lịch sử lâu đời trong văn hóa Việt Nam. Các tài liệu liên quan chứng minh hổ là đối tượng sùng bái và là vật tổ của nhiều bộ tộc từ thời tiền sử.

Khám phá hình tượng hổ trong cổ vật Việt Nam: Oai phong và gần gũi ảnh 1Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phát biểu tại lễ khai mạc.(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Cách đây trên 2.000 năm, hình tượng hổ bước vào mỹ thuật trên các đồ đồng Đông Sơn, với quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này. Cùng với diễn trình lịch sử, văn hóa Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa tương ứng, từ ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tượng vương quyền đến những vật dụng, trang trí đời sống sinh hoạt thường nhật trong dân gian; tạo hình, phong cách, ứng dụng, ý nghĩa của mỗi thời đại cũng tồn tại những khác biệt,” ông nói. 

Ngoài những hình hổ trang trí bằng hoạ tiết chìm, người Đông Sơn còn thể hiện hình tượng hổ thông qua việc tạo ra những khối tượng tròn như: Bốn khối tượng hổ cắp mồi rất sinh động trên nắp thạp đồng Vạn Thắng (Cẩm Xuyên, Phú Thọ), tượng hổ kết hợp với rắn, voi trên chuôi dao găm Đông Sơn khai quật tại di chỉ Làng Vạc (Nghệ An)... Nghệ thuật điêu khắc, trang trí ở đây vừa mang tính tả thực vừa mang tính ước lệ, thể hiện sinh động sức mạnh bí ẩn của loài vật này.

[Trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tái hiện diện mạo gốm Việt]

Giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên, văn hóa Việt Nam tiếp thu sâu rộng các yếu tố văn hóa Trung Hoa. Hình tượng hổ theo đó cũng có những chuyển biến về tạo hình, ý nghĩa, nội hàm văn hóa. Hình tượng hổ thời kỳ này bắt đầu xuất hiện gắn với các quan niệm về Tứ Tượng hay còn gọi là Tứ Linh, Tứ Thần Thú: Thanh Long (phương Đông), Bạch Hổ (phương Tây), Chu Tước (Phương Nam), Huyền Vũ (Phương Bắc).

Hổ trở thành một biểu tượng trong các thần thú mang ý nghĩa tâm linh, tôn giáo do vậy về cấu tạo, thể hình, biểu hiện xa rời hình ảnh của hổ trong thực tế.

Giai đoạn từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20, hình tượng hổ trên các cổ vật mang đậm dấu ấn của các triều đại phong kiến tự chủ.

Khám phá hình tượng hổ trong cổ vật Việt Nam: Oai phong và gần gũi ảnh 2Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá hổ là linh vật vừa oai phong vừa gần gũi. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá sự xuất hiện hình ảnh hổ trong nghệ thuật Đông Sơn có liên quan đến quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này, cũng như có thể liên quan đến tín ngưỡng thờ vật tổ, tín ngưỡng vạn vật hữu linh của cư dân thời kỳ này. Trong khi đó, hổ ở những giai đoạn sau đôi lúc xuất hiện với biểu cảm ngộ nghĩnh, vui vẻ.

“Tượng hổ trong các lăng mộ thế kỷ 13-18 có vẻ oai phong, cương nghị nhưng mang tính chất canh giữ nhiều hơn là vẻ hung dữ, đe dọa, khiến người ta sợ hãi. Có thể nói hình tượng hổ Việt Nam rất độc đáo, từ các biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng đến đời sống sinh hoạt thường nhật, góp những nét đặc sắc vào lịch sử mỹ thuật nước nhà,” ông nhận xét.

Trưng bày mở cửa đến hết ngày 31/8 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội./.

Cận cảnh các cổ vật mang hình tượng hổ:

Khám phá hình tượng hổ trong cổ vật Việt Nam: Oai phong và gần gũi ảnh 3Các đại biểu chiêm ngưỡng tượng hổ đá ở lăng mộ Trần Thủ Độ, có niên đại khoảng năm 1264. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Khám phá hình tượng hổ trong cổ vật Việt Nam: Oai phong và gần gũi ảnh 4Tượng hổ bằng gốm Bát Tràng, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786). (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Khám phá hình tượng hổ trong cổ vật Việt Nam: Oai phong và gần gũi ảnh 5(Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Khám phá hình tượng hổ trong cổ vật Việt Nam: Oai phong và gần gũi ảnh 6Bộ tranh thờ Ngũ Hổ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Khám phá hình tượng hổ trong cổ vật Việt Nam: Oai phong và gần gũi ảnh 7Cổ vật hình hổ bằng gạch.(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Khám phá hình tượng hổ trong cổ vật Việt Nam: Oai phong và gần gũi ảnh 8Tranh thêu hổ săn hươu, đầu thế kỷ 20. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Khám phá hình tượng hổ trong cổ vật Việt Nam: Oai phong và gần gũi ảnh 9Các đại biểu tham quan triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Khám phá hình tượng hổ trong cổ vật Việt Nam: Oai phong và gần gũi ảnh 10Hình hổ ngộ nghĩnh trên đĩa gốm Chu Đậu, thế kỷ 15. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục