Giáo viên hỏi quà Tết, chủ nhà đòi nợ, Hiệu trưởng mầm non… muốn khóc

Nếu giáo viên mầm non phải mưu sinh đủ nghề để lo Tết, thì những hiệu trưởng, chủ quản trường mầm non… cũng canh cánh nỗi lo trở thành “con nợ".

Bế tắc

Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành Giáo dục, đặc biệt là các trường mầm non dân lập, tư thục. Nếu giáo viên phải đi làm đủ nghề để kiếm sống như: Bán hàng online, trông trẻ tại nhà, bán hàng thời vụ, ship hàng… thì hiệu trưởng các trường cũng đứng trước cảnh giải thể trường, nợ nần.  

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chia sẻ của các Hiệu trưởng, chủ trường mầm non. Ảnh: LV.

Mới đây, tại diễn đàn Hội quản lý-Hiệu trưởng-Chủ trường mầm non, chia sẻ của tài khoản Nguyễn Hoa Ban đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người. “Các chủ trường có cùng cảnh ngộ như  tôi không? Một năm nộp tiền mặt bằng để không. Vừa đầu tháng 1 lại có giấy hẹn nộp tiền mặt bằng nữa, tôi đọc mà nước mắt tuôn rơi, tiền đâu để nộp bây giờ? Cố cầm cự để mong chờ ngày mở cửa trở lại nhưng lại thấy bế tắc. Chúng ta đều hy vọng ra Tết được đi học, nhưng chẳng có văn bản nào quan tâm nhắc đến hy vọng cho mở cửa trường học mẫu giáo...".

Tài khoản cũng chia sẻ về việc đồng nghiệp “phải bán đất, bán nhà, vay mượn để cầm cự. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp diễn, không biết bao giờ các cơ sở giáo dục mở trở lại đây?    

“Tôi bắt đầu thành con nợ, chủ nhà hối thúc trả tiền, giáo viên hỏi quà tết, bản thân tôi vẫn còn đang chạy vay mượn chưa đủ. Bạn bè, anh em đều xa lánh, không dám nghe điện thoại vì sợ bị hỏi vay mượn...", Tài khoản Nguyễn Hoa Ban chia sẻ.  

Đồng cảm với chia sẻ này, nhiều bình luận khuyên chủ trường hãy dũng cảm giải thể trường và chuyển nghề để đảm bảo thu nhập.  

Chú thích ảnh
Những chia sẻ về việc thanh lý đồ dùng học tập ở trường mầm non liên tục được đăng tải ở các diễn đàn giáo dục dành cho bậc mầm non. Ảnh: LV.

Tại một số diễn đàn khác, các chủ trường phải giải thể để có tiền trả tiền thuê nhà đã nợ trước đó. Nhiều đồ đạc dành cho cấp học mầm non được thanh lý với giá thấp. Một số hiệu trưởng khác không phải lo trả tiền thuê mặt bằng thì tìm cách duy trì việc làm cho giáo viên.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hương (chủ một cơ sở mầm non tư thục ở quận Cầu Giấy), các giải pháp chỉ là tạm thời, vì nguy cơ giáo viên bỏ nghề cao.  

Mong học sinh mầm non được tới trường 

Tại những diễn đàn dành cho giáo viên, quản lý trường mầm non đều đề xuất trẻ mầm non được trở lại trường. Tài khoản Nguyễn Phương Lan cho biết: “Khi các nhóm lớp, trường mầm non bị đóng cửa, nhóm tự phát vẫn hoạt động nhộn nhịp. Điều này không trách họ được, vì nhu cầu đi học của học sinh và phụ huynh là chính đáng. Vì vậy, nên mở lại trường mầm non vì việc quản lý sẽ bài bản hơn, an toàn hơn là để tình trạng hoạt động chui như hiện nay!”.    

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh đề xuất tổ chức dạy trực tiếp với bậc mầm non, tiểu học và khối lớp 6, trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ, từ ngày 14/2. Đây là Sở đầu tiên trên cả nước đề xuất việc này.  

Phương án trên được Sở GD&ĐT đề cập trong tờ trình Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh về việc tổ chức dạy trực tiếp sau Tết Nguyên đán. Lý giải cho đề xuất trên, đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, TP Hồ Chí Minh hiện là vùng xanh dịch ở cấp độ 1. Tất cả trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6, trừ học sinh tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (chưa đến trường học trực tiếp suốt hơn 6 tháng qua). Nhiều gia đình đang gặp khó khăn khi vừa phải đi làm vừa phải trông con. Việc ở nhà quá lâu cũng khiến học sinh gặp các vấn đề về sức khoẻ, tinh thần.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2019-2020, cả nước có 15.041 trường mầm non, trong đó 2.900 trường ngoài công lập. Về số lượng nhóm, lớp mẫu giáo độc lập, cả nước có hơn 193.700 cơ sở. Việt Nam có hơn 5 triệu trẻ mẫu giáo, mầm non và khoảng 1 triệu trong số đó theo học tại các cơ sở ngoài công lập.

Trong một khảo sát đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập mới đây, có tới 95,2% cơ sở mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần từ 6 tháng trở lên); 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.

Năm ngoái, hơn 150 cơ sở giáo dục mầm non tại TP Hồ Chí Minh xin giải thể vì dịch COVID-19 kéo dài. Tháng 10/2021, gần 100 chủ cơ sở mầm non khác phải làm đơn kiến nghị, xin sự hỗ trợ từ các ban ngành và Chính phủ.  

Đến nay việc mở cửa đón học sinh mầm non vẫn phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh của địa phương.

Lê Vân/Báo Tin tức
Không lương, thưởng Tết, giáo viên mầm non chật vật mưu sinh
Không lương, thưởng Tết, giáo viên mầm non chật vật mưu sinh

Các trường học tại Hà Nội đóng cửa đến nay gần 9 tháng vì dịch COVID-19, khiến nhiều giáo viên mầm non mất việc, nghỉ việc không lương. Tết Nguyên đán cận kề, không ít thày cô phải duy trì trông trẻ theo nhóm lớp, kết hợp bán hàng online... để mong có một cái Tết ấm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN