Âm nhạc trực tuyến lên ngôi

Nhiều ca sĩ thực hiện các chương trình live stream mỗi tối để phục vụ khán giả miễn phí. Một số ca sĩ, nhạc sĩ thì mở đêm diễn online có thu phí. Ca sĩ, nhạc sĩ có cơ hội gặp gỡ khán giả, người hâm mộ được thỏa mãn nhu cầu thưởng thức trong dịch COVID-19 - tất cả đều nhờ không gian mạng.

Đêm nhạc trực tuyến có trả phí

Cuối tháng 12/2021, Mỹ Tâm đã công bố dự án chuỗi đêm nhạc phong cách Acoustic & Lofi - Chill trực tuyến lần đầu tiên mang tên "My Soul 1981" với mức giá vé “khủng”. Cụ thể, 3 hạng vé từ Standard (150.000 đồng), Deluxe (300.000 đồng) tới mức giá cao nhất Elite (1.000.000 đồng), với nhiều món quà đặc biệt như đĩa CD, áo thun, sách ảnh online… và được xem hậu trường của show, giao lưu tương tác trực tuyến cùng Mỹ Tâm.

Chú thích ảnh
Poster quảng cáo đêm nhạc trực tuyến "My Soul 1981" của ca sĩ Mỹ Tâm. Ảnh chụp màn hình.

Cách làm này của Mỹ Tâm không mới, khi nhiều nghệ sĩ đã tổ chức biểu diễn trực tuyến có bán vé, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trước đó, nam ca sĩ khá hot như Sơn Tùng M-TP đã từng bán vé 1 đêm nhạc online với số tiền dao động từ 22.000 - 45.000 đồng. Nhưng đêm nhạc của Mỹ Tâm, mức vé 1 triệu đồng/vé xem trực tuyến đã là một kỷ lục cho show diễn chất lượng.

Không phụ sự kỳ vọng của khán giả, ca sĩ thần tượng của nhiều thế hệ Mỹ Tâm đến với đêm diễn đầu tiên ngày 7/1 (trong tổng số 6 đêm diễn của show diễn) thật đặc biệt, đầy cảm xúc với chất lượng tuyệt vời.

Suốt khoảng 3 tiếng đồng hồ, khán giả đã được đong đầy cảm xúc qua các sáng tác của nhạc sĩ Đức Trí thể hiện bởi giọng hát truyền cảm của nữ ca sĩ.

Không gian đêm nhạc được bài trí ấm cúng với Mỹ Tâm và ban nhạc trong ánh đèn ấm áp, nhạc sĩ Đức Trí trực tiếp đệm piano cho tất cả các màn trình diễn của "Họa mi tóc nâu" cùng sự xuất hiện của guitarist nổi tiếng Dũng Đà Lạt.

Những khán giả mua hạng vé cao sẽ có cơ hội được xuất hiện trên một chiếc màn hình lớn, được Mỹ Tâm gọi tên và giao lưu trong lúc chờ đợi lên sân khấu.

Khán giả như sống lại thời thanh xuân với loạt các sáng tác vô cùng quen thuộc của NS Đức Trí như: Có quên được đâu, Nếu như, Khi giấc mơ về, Như chưa ắt đầu...; các ca khúc được phối lại theo phong cách lo-fi như: Mong manh tình về, Vội vàng, Lúc mới yêu, Ta chẳng còn ai,... Và cuối cùng là màn song ca của cô Mỹ Tâm và trò Đức Phúc (học trò của ca sĩ tại Giọng hát Việt 2015).

Tất cả cho thấy sự chuyên nghiệp và bài bản khi lên kịch bản và thực hiện đêm nhạc của Mỹ Tâm. Thậm chí, đêm nhạc trực tuyến còn khoe ra được cả những phần khán giả xem trực tiếp khó có thể thấy được như phần chuẩn bị ở hậu trường, Mỹ Tâm hát lại cho đúng những bài mình quên lời…

Nói về đêm nhạc, Mỹ Tâm phát biểu trước báo chí: “Tôi nghĩ chưa ai liều như tôi khi làm một chuỗi nhạc online lớn, có bán vé, vì khán giả của mình chưa thực sự quen với việc tải app, trả tiền qua mạng rồi lên xem ra sao. Ấy vậy mà đông đảo khán giả đã ủng hộ phương thức này. Tôi nghĩ khán giả đã cùng mình “liều” cho những điều mới mẻ trong việc tổ chức các đêm nhạc mùa dịch không có khán giả tại chỗ, mà vẫn thu được lợi nhuận thông qua việc bán vé, thì tôi tin mình đã mở đường cho nhiều ca sĩ khác mạnh dạn làm show nhạc online như thế này”.

Các đêm nhạc tiếp theo của "My Soul 1981" sẽ diễn ra trong các ngày 16/1 và 14/2.

Show diễn trực tuyến, phòng trà online

Show diễn trực tuyến, phòng trà online “sáng đèn” mùa dịch khiến giới chuyên môn và cả những người trong cuộc phần nào cảm nhận được đây là lối đi thích hợp cho hoạt động biểu diễn trong mùa dịch.

Trước đó, trong năm 2021, các show diễn cá nhân của các ca sĩ được thực hiện theo hình thức trực tuyến vẫn liên tục được tổ chức. Đơn cử Lam Trường với “Lam Trường 9pm live”, Hồ Ngọc Hà với chuỗi show “Private Show Love Songs”, Quang Hà với show “Tránh COVID-19”…, nhưng tất cả đều phát sóng miễn phí trên YouTube hay Facebook với mong muốn đơn giản là kết nối với khán giả.

Chú thích ảnh
Chương trình âm nhạc trực tuyến "Phòng trà online" vol.5 là đêm nhạc đầu tiên của dự án bán vé cho người xem trực tiếp. Ảnh chụp màn hình.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã có sự thay đổi lớn, và việc xem show online miễn phí sẽ hạn chế dần trong tư duy của ca sĩ và nhà tổ chức. Những show diễn chuyên nghiệp, bài bản và có tính phí đang được tổ chức thường xuyên hơn. Tháng 3/2021, ca sĩ Tuấn Hưng cũng làm show biểu diễn trực tuyến qua mạng có thu phí với show “Đam mê”, phát trực tiếp trên trang Facebook của anh, thu phí mỗi người xem là 250.000 đồng. Đêm nhạc này thu hút khoảng 300 người xem trực tuyến chỉ mới thử nghiệm, không quảng bá nhiều.

Show nhạc trực tuyến “In the Mirror” với số đầu tiên là ca sĩ Tùng Dương, Bùi Anh Tuấn - dự định diễn ra vào 26/12/2021 nhưng sau đó đã dời lịch tổ chức vào 19/1/2022 tại Hà Nội - cũng mở cổng bán vé. Đã có cả nghìn người yêu nhạc đăng ký mua vé với giá 499.000 đồng (mua sớm giảm còn 399.000 đồng) và bàn luận sôi nổi về chương trình trên trang mạng xã hội của chương trình này.

Cùng với các show diễn của cá nhân, các phòng trà, nhóm nhạc sĩ, ca sĩ cũng đồng lòng tổ chức các dự án âm nhạc trực tuyến. Đây cũng là cách dẫn khán giả đến và quen dần với không gian âm nhạc trực tuyến.

Trong đó, sau 3 chương trình “Phòng trà online” Vol.1, 2, 3 từ giữa năm 2020, “Phòng trà online” vẫn tiếp tục hút khán giả. “Phòng trà online” Vol.4,5,6 được ban tổ chức thông tin sẽ hướng đến không gian âm nhạc mở, thoải mái và phóng khoáng; chất lượng âm thanh đỉnh cao, dàn nghệ sĩ chất lượng... dần được tổ chức cuối năm 2021 và trong năm 2022.

Cụ thể, “Phòng trà online” vol.4 với chủ đề "Đêm giáng sinh an lành- Sweet moment in sweet land", đã diễn ra vào ngày 25/12 với hai giọng ca Trung Quân Idol và Văn Mai Hương. “Phòng trà online” vol.5 “Xúc cảm buổi hoàng hôn - Feel the Sunset” có sự góp mặt của Erik, Phương Mỹ Chi đến thành phố hoa Đà Lạt đã là chương trình đầu tiên của dự án có thu phí xem trực tiếp, bên cạnh đó khán giả vẫn có thể xem trực tuyến miễn phí. Mức giá bán vé được ban tổ chức “mạnh dạn” đưa ra là từ 500.000 - 1 triệu đồng.

“Phòng trà online” vol.6 dự kiến sẽ diễn ra giữa núi rừng Thung Nham - Ninh Bình. Với cách làm này, các chương trình vừa có thể đáp ứng đam mê âm nhạc của khán giả, vừa thu hút người xem bằng những cảnh đẹp thiên nhiên hiếm có trên khắp đất nước.

Dù chưa thể tính đến doanh thu “đủ bù chi” cho các dự án âm nhạc trực tuyến, nhưng việc liên tục tổ chức thành công các đêm nhạc trực tuyến đang tạo dần thói quen thưởng thức âm nhạc mới cho khán giả. Đây cũng là cách giúp các nghệ sĩ được thỏa sức làm nghề, khán giả có cơ hội thưởng thức những sáng tạo với âm nhạc và các hoạt động biểu diễn trực tuyến.

Minh Thy/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh lần đầu tổ chức Ngày hội Văn hóa đọc theo hình thức trực tuyến
TP Hồ Chí Minh lần đầu tổ chức Ngày hội Văn hóa đọc theo hình thức trực tuyến

Ngày hội Văn hóa đọc TP Hồ Chí Minh năm 2021 với chủ đề “Hành trình tri thức – Bừng sáng tương lai” lần đầu tiên được diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN