Reuters: Triển vọng giá dầu bấp bênh trước mối đe dọa Omicron

Các chuyên gia dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 71,25 USD/thùng vào năm 2021, tăng so với mức 70,89 USD/thùng trong tháng 10/2021 và mức trung bình 70,57 USD/thùng trong năm nay.
Reuters: Triển vọng giá dầu bấp bênh trước mối đe dọa Omicron ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kết quả thăm dò của hãng tin Reuters cho thấy giá dầu sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022 trong bối cảnh Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, duy trì thắt chặt nguồn cung bất chấp các đợt mở kho dự trữ dầu do Mỹ khởi xướng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể làm “lu mờ” triển vọng này.

Kết quả cuộc khảo sát với 39 nhà kinh tế và nhà phân tích, diễn ra trước khi biến thể Omicron gây chú ý, dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 71,25 USD/thùng vào năm 2021, tăng so với mức 70,89 USD/thùng trong tháng 10/2021 và mức trung bình 70,57 USD/thùng trong năm nay.

[Chiều 30/11, giá dầu châu Á đi xuống sau phát biểu của CEO Moderna]

Giá dầu Brent được dự báo sẽ tăng từ 74,04 USD/thùng lên 75,33 USD/thùng vào năm 2022. Đây là mức dự báo cao nhất trong năm nay đối với loại dầu này.

John Paisie, Chủ tịch công ty tư vấn về năng lượng Stratas Advisors, cho biết OPEC+ sẽ vẫn thận trọng trong việc bơm thêm dầu vào thị trường, song cũng không muốn giá dầu vượt mức 80 USD/thùng trong bất kỳ thời điểm nào. OPEC+ cũng vẫn lo ngại về việc các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tăng cường sản xuất để “phản ứng” với giá cao hơn.

Giá dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ đạt mức trung bình lần lượt là 68,52 USD/thùng và 73,31 USD/thùng trong năm 2021 và 2022 so với mức dự báo 68,62 USD/thùng và 71,21 USD/thùng đưa ra hồi tháng 10/2021.

Nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 4,5-6 triệu thùng/ngày vào năm 2021 và 3,3-5 triệu thùng/ngày vào năm 2022, dẫn đầu là thị trường châu Á.

Giá dầu đã rời khỏi các mức cao trong nhiều năm đạt được gần đây do lo ngại về biến thể Omicron cùng với việc Mỹ và các nước khác mở kho dự trữ, gây ra những "cơn gió ngược."

OPEC+ sẽ nhóm họp trong tuần này để đánh giá tác động của biến thể Omicron và quyết định xem có điều chỉnh kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022 và các tháng tiếp theo hay không.

Một số nhà phân tích lưu ý rằng mặc dù OPEC+ có thể kiềm chế sản lượng tăng lên để ứng phó với việc một số nước giải phóng kho dự trữ, song số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng và khả năng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng có thể tác động đến giá trong năm 2022.

Ngân hàng Morgan Stanley ngày 29/11 đã hạ dự báo giá dầu Brent từ mức 95 USD/thùng xuống 82,5 USD/thùng vào năm 2022, với nguyên nhân biến thể Omicron gây ra rủi ro đi xuống đối với dự báo nhu cầu của ngân hàng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục