TP Hồ Chí Minh chuẩn bị các phương án phòng dịch COVID-19 khi dạy học trực tiếp

Theo lộ trình mở cửa trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đề xuất, thành phố sẽ ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 9, 12 bắt đầu từ ngày 10/12, tùy theo mức độ dịch của từng địa bàn.

Chú thích ảnh
Dịch COVID-19 khiến nhiều trường học chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Hiện các trường cũng đang chủ động chuẩn bị các điều kiện, xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn để sẵn sàng đón học sinh trở lại khi có quyết định chính thức của thành phố.

Trường Trung học Phổ thông Võ Văn Kiệt (Quận 8) có hơn 1.700 học sinh, trong đó đa phần học sinh khối 12 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để học sinh có thể trở lại trường học an toàn. Cô Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng, cho biết, hiện nhà trường đang tăng cường rà soát, chuẩn bị các điều kiện theo bộ tiêu chí an toàn trường học để sẵn sàng đón học sinh khối 12 quay trở lại trường học khi có sự chỉ đạo của thành phố. Trong đó, trường chú trọng xây dựng phương án ứng phó khi phát sinh trường hợp học sinh có dấu hiệu hoặc mắc COVID-19 khi học trực tiếp với cách thức xử lý, ứng phó cụ thể nhằm ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên, phụ huynh.

Khi tổ chức cho học sinh học trực tiếp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế trong các khâu như thực hiện khai báo y tế cho học sinh hằng ngày trước khi đến lớp; đo thân nhiệt tại cổng; yêu cầu học sinh phải tuân thủ thông điệp 5K, đặc biệt là đảm bảo giãn cách theo quy định. Nhà trường cũng phối hợp với lực lượng y tế dự phòng địa phương tăng cường vệ sinh, khử khuẩn trường lớp thường xuyên.

Trong giai đoạn dịch cao điểm, khoảng 1.500 trường học tại thành phố đã được trưng dụng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Đến nay, phần lớn các trường đã được bàn giao cơ sở vật chất, chuẩn bị cho việc đón học sinh đi học trực tiếp trở lại. Việc sửa chữa, chỉnh trang lại trường học đã được các quận, huyện gấp rút thực hiện nhằm đảm bảo cơ sở vật chất cho việc tổ chức đón học sinh trở lại trường.

Đầu tháng 11, Trường Trung học cơ sở Minh Đức (Quận 1) được bàn giao lại cơ sở vật chất sau nhiều tháng được trưng dụng cho công tác phòng, chống dịch của thành phố. Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng. cho biết, một số hạng mục cơ sở vật chất của trường bị xuống cấp, hư hỏng, do vậy sau khi tiếp nhận, trường đã nhanh chóng thực hiện tu sửa, dọn dẹp lại toàn bộ trường. UBND Quận 1 đã khảo sát và căn cứ vào tình hình thực tế để cấp kinh phí cho nhà trường thực hiện sửa chữa.

Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đang tổ chức thí điểm cho học sinh một số khối lớp ở Trường Tiểu học Thạnh An và Trường Trung học Cơ sở - Trung học phổ thông Thạnh An (tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) học trực tiếp tại trường. Đánh giá về kết quả sau thời gian tổ chức thí điểm, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết, tâm lý cả học sinh và giáo viên đều tốt, từ đó kết quả học tập của học sinh, giảng dạy của giáo viên tốt hơn. Trên cơ sở bộ tiêu chí an toàn trường học được thành phố ban hành, các trường đã xây dựng phương án thích ứng an toàn cho trường học. Các trường cũng thích ứng được với việc chuyển trạng thái dạy học tập trực tiếp qua trực tuyến đối với những trường hợp F0, F1. Qua việc tổ chức thí điểm này, ngành giáo dục sẽ báo cáo và đề xuất với UBND thành phố về kế hoạch cho học sinh ở những địa bàn khác của thành phố đi học trở lại.

Theo ông Dương Trí Dũng, thực tế, mật độ dân cư cũng như số học sinh, số lớp ở những địa bàn khác rất cao so với xã đảo Thạnh An. Do đó, việc tổ chức cho học sinh ở các địa bàn khác đi học trở lại có những khó khăn nhất định. Đây là nỗi lo không của riêng các bậc phụ huynh, mà ngành giáo dục và y tế đều trăn trở điều này. Vì vậy, Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học do hai ngành giáo dục và y tế xây dựng đã được thành phố ban hành cũng đề cập đến các tiêu chí về khoảng cách an toàn. Các trường đảm bảo được các tiêu chí này mới có thể tổ chức dạy học trực tiếp. Bên cạnh đó, nhà trường phải chú trọng giáo dục, tuyên truyền để học sinh luôn ý thức thực hiện các quy định an toàn phòng dịch, giữ khoảng cách.

Thích ứng với điều kiện mới, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tính toán đến phương án tổ chức hoạt động dạy và học theo nhóm trong mỗi lớp để đảm bảo khoảng cách an toàn cũng như thuận lợi hơn trong việc quản lý học sinh. Việc mở cửa trường học trở lại cần có kế hoạch cụ thể, trên tinh thần an toàn tới đâu mở cửa tới đó. Hai ngành y tế và giáo dục cũng sẽ xây dựng, phát hành cẩm nang hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch cho giáo viên, học sinh khi trở lại trường học tập trực tiếp.

Để chuẩn bị cho tổ chức dạy học trực tiếp trở lại, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã hướng dẫn các trường chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị điều kiện an toàn nhất cho học sinh. Trong kế hoạch phòng, chống dịch, Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý các trường học cần có phương án xử lý khi phát sinh các trường hợp F0, F1 trong quá trình học trực tiếp, đồng thời cần diễn tập phương án trước khi chính thức tổ chức dạy học trực tiếp. Mỗi nhà trường cần có dự thảo kịch bản, phân công cụ thể việc tham gia công tác phòng, chống dịch hằng ngày từ thời điểm đón học sinh đầu giờ cho tới cuối giờ.

T.Hoài (TTXVN)
Cả nước có 407 quận, huyện, thị xã đang dạy học trực tuyến
Cả nước có 407 quận, huyện, thị xã đang dạy học trực tuyến

Ngày 30/11, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 407/713 thành phố, quận, huyện, thị xã của các tỉnh, thành phố tổ chức học trực tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN