Tình hình COVID-19 tại Hà Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Bạc Liêu, Long An

Ngày 25/10, các địa phương Hà Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Bạc Liêu, Long An đã đưa ra những thông tin về các cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh.
Tình hình COVID-19 tại Hà Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Bạc Liêu, Long An ảnh 1Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam và Trung tâm Y tế huyện Kim Bảng tiến hành điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc toàn bộ người dân thôn 4, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Ngày 25/10, các địa phương Hà Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Bạc Liêu đã đưa ra những thông tin về các cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh, cùng với những sai sót trong quá trình thực hiện chống dịch.

Hà Nam chỉ còn 4 đơn vị cấp xã ở vùng nguy cơ trung bình

Ngày 25/10, Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã có Thông báo số 2772/TB-SYT về việc đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. 

Thông báo này chỉ đánh giá cấp độ dịch COVID-19 ở cấp xã (cập nhật đến 12 giờ, ngày 24/10/2021); không đánh giá ở cấp tỉnh và cấp huyện.

Sau 6 ngày, tỉnh Hà Nam đã giảm từ 21 xã, phường, thị trấn ở cấp 2 (vùng vàng) ở các huyện, thành phố, thị xã xuống còn 4 đơn vị. Đó là phường Thanh Tuyền, phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý), thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm) và xã Đạo Lý (huyện Lý Nhân). 105 xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp 1 - nguy cơ thấp (vùng xanh).

Trước đó, ngày 18/10/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 1828/QĐ-Ủy ban Nhân dân về việc phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Hà Nam xác định cấp độ dịch của tỉnh và 6 huyện, thị xã, thành phố là cấp 2 (vùng vàng); có 88 đơn vị cấp xã đạt cấp 1 - nguy cơ thấp (vùng xanh)

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh những ngày gần đây đã giảm mạnh. Trong ngày 23/10, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 5 trường hợp mắc COVID-19, ngày 24/10 ghi nhận 6 trường hợp... 

Cộng dồn đến trưa 25/10/2021, Hà Nam ghi nhận 842 ca mắc COVID-19. Toàn tỉnh có hơn 1.470 F1 đang thực hiện cách ly, trong đó gần 387 người cách ly tập trung, 1.090 người cách ly tại nhà; hơn 22.400 trường hợp F2. Tỉnh đã có hơn 756.500 người được tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó gần 175.000 người đã tiêm mũi 2.

Đà  Nẵng: Nhiều cửa hàng nhỏ chưa thực hiện quét mã QR code cho khách hàng

Chiều 25/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng cho biết, tính từ 13 giờ ngày 24/10 đến 13 giờ ngày 25/10, thành phố ghi nhận 1 ca mắc COVID-19. Tính từ ngày 10/7 đến nay, thành phố ghi nhận 4.704 ca mắc COVID-19.

Ngày 25/10, thành phố xét nghiệm cho 2.778 lượt người; phát hiện 19 trường hợp F1, 47 trường hợp F2; đang điều trị 22 bệnh nhân mắc COVID-19. Đến nay, toàn thành phố Đà Nẵng đã tiêm 1.000.608 mũi tiêm vaccine phòng COVID-1; trong đó 854.413 người tiêm mũi 1 (đạt 97,6% người trên 18 tuổi) và 146.195 người tiêm mũi 2 (đạt 16,7% người trên 18 tuổi).

Đánh giá về tình hình dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Trần Thanh Thủy cho rằng, nguy cơ cao bùng phát dịch từ người vùng dịch vào thành phố. Do vậy, các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường biện pháp giám sát người trở về từ vùng dịch và tổ chức xét nghiệm định kỳ.

Theo bà Trần Thanh Thủy, từ ngày 1/11, thành phố sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 với khoảng 500.000 liều. Riêng việc tiêm vaccine cho học sinh, thành phố phải đợi Bộ Y tế tập huấn, sau đó mới tổ chức tiêm.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều quán ăn uống vỉa hè, kinh doanh nhỏ chưa thực hiện quét mã QR code để khai báo y tế cho khách hàng. Đây là những nơi tập trung đông người, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.

Nếu không thực hiện nghiêm việc khai báo y tế tại những địa điểm này sẽ gây nên khó khăn trong việc truy vết nếu có ca bệnh. Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần tăng cường kiểm tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải triển khai nghiêm túc.

Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, thành phố bước vào giai đoạn phòng, chống dịch mới, do vậy Sở Y tế cần làm sổ tay gia đình, phát cho từng hộ dân để người dân có kiến thức phòng dịch và tự bảo vệ mình.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố tăng cường quản lý mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm y tế; tổ chức gói hỗ trợ người dân khó khăn…

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng, tình hình diễn biến dịch bệnh tương đối phức tạp, số ca tăng lên ở các địa phương trong cả nước.

Vì vậy, các quận, huyện của thành phố phải thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch; tổ chức kiểm tra, xử lý việc thực hiện quét QR code tại các cơ sở kinh doanh, cửa hàng; tăng cường theo dõi, giám sát những người về từ vùng dịch.

Về vấn đề hỗ trợ người khó khăn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng yêu cầu các địa phương rà soát đối tượng khó khăn, người lao động tự do; có chính sách hỗ trợ cho từng trẻ em mồ côi do COVID-19.

Theo ông Lê Trung Chinh, thời gian tới, ngành Y tế cần thay đổi phương thức xét nghiệm, tập trung xét nghiệm 100% người trở về từ vùng dịch, nhân viên làm việc tại bến xe, cảng, sân bay nhằm kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả.

Nghệ An: Cần tuân thủ đúng quy định khi cách ly tại nhà trong phòng, chống dịch COVID-19

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, trong 12 giờ qua (từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 25/10) tại Nghệ An ghi nhận 34 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, có 1 người ở cộng đồng, 33 người đã được cách ly từ trước. Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 25/10, Nghệ An đã ghi nhận 2.291 ca mắc COVID-19 ở 21 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Tình hình COVID-19 tại Hà Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Bạc Liêu, Long An ảnh 2Người dân khi đi qua địa phận tỉnh Nghệ An sẽ được lực lượng chức năng hướng dẫn khai báo y tế. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Tại Nghệ An, từ ngày 1/10 đến nay, có 23.003 người dân của tỉnh từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam trở về, trong đó, đã phát hiện 284 người dương tính với SARS-CoV-2 (281 trường hợp mắc mới, 3 người tái dương tính). Sau một thời gian tỉnh cơ bản khống chế được dịch thì nay, dịch COVID-19 quay trở lại và đang có diễn biến phức tạp, khó lường.

Đáng lo ngại, nhiều trường hợp dương tính được phát hiện trong cộng đồng và trong khu vực phong tỏa; một số trường hợp chưa xác định được nguồn lây. 

Tại một số địa phương trong tỉnh, việc phòng, chống dịch của người dân và chính quyền địa phương đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, không đúng với quy định của ngành y tế. Trong đó, có trường hợp là người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về, tuy được cách ly tại nhà nhưng đã không tuân thủ đúng quy định cách ly.

Chính quyền địa phương thiếu giám sát, lơ là trong phòng, chống dịch nên đã để một số người dân đến nhà, tiếp xúc với người đang cách ly.

Cụ thể, ngày 21/10, bà P.T.L, sinh năm 1962 (địa chỉ xóm 3, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương) đi xe ôtô khách từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê. Do trước đó đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và mũi thứ 2 đã qua 14 ngày nên bà P.T.L trong diện được cách ly tại nhà. Mặc dù đang trong thời gian cách ly nhưng vẫn có nhiều người là hàng xóm, họ hàng đến thăm, tiếp xúc với bà.

Ngày 24/10, bà P.T.L được lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An để xét nghiệm, cho kết quả khẳng định dương tính. Liên quan đến trường hợp này, cơ quan chức năng đã truy vết được 36 trường hợp F1.

Ngày 25/10, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cùng lãnh đạo một số đơn vị trong ngành y tế đã đi khảo sát, đánh giá tình hình dịch bệnh tại một số phường, xã trên địa bàn thành phố Vinh, là nơi liên tục xuất hiện các trường hợp dương tính trong cộng đồng và khu vực phong tỏa những ngày qua.

Tỉnh bắt đầu đưa Bệnh viện dã chiến số 8, quy mô 1.000 giường bệnh vào hoạt động để thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Bạc Liêu: Tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Ngày 25/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bạc Liêu tổ chức cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp trong tỉnh để đánh giá và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp, ngành Y tế tỉnh đề xuất và hướng dẫn các địa phương khẩn trương triển khai công tác xét nghiệm sàng lọc, tầm soát tại các công ty, xí nghiệp, nhà máy, các điểm, khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa hẹp... nhằm phát hiện, đưa F0 đi điều trị, tránh để dịch lây lan trên diện rộng.

Các địa phương chủ động khoanh vùng, truy vết, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện người về từ vùng dịch để tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đúng quy định; tiếp tục triển khai việc tiêm vaccine phòng COVID-19 nhằm nâng cao độ bao phủ vaccine cho cộng đồng; tiếp tục vận động người dân tham gia phòng, chống dịch, phát hiện báo cáo với chính quyền địa phương những người mới đến/về từ vùng dịch và thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Đồng thời, thống nhất đề xuất của ngành y tế về việc hỗ trợ chi phí xét nghiệm COVID-19 cho bệnh nhân và người nuôi bệnh khi vào điều trị tại bệnh viện, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, cũng như đánh giá của ngành Y tế về đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã ra Quyết định số 438/QĐ-Ủy ban Nhân dân về việc cập nhật và công bố cấp độ dịch COVID-19 để áp dụng các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Thời gian áp dụng từ 0 giờ ngày 26/10/2021.

Theo đó, đối với cấp xã ở mức cấp 4 - nguy cơ rất cao (vùng đỏ) có 9/64 đơn vị, gồm: Phường 1, phường Láng Tròn, xã Phong Tân, xã Phong Thạnh Đông thuộc thị xã Giá Rai; xã Long Điền, xã Long Điền Đông thuộc huyện Đông Hải; xã Vĩnh Thanh, xã Phước Long thuộc huyện Phước Long; Phường 2 thuộc thành phố Bạc Liêu.

Các xã ở mức cấp 3 - nguy cơ cao (vùng cam) có 4/64 đơn vị, gồm: Xã Phong Thạnh, xã Phong Thạnh A thuộc thị xã Giá Rai; xã Long Điền Đông A thuộc huyện Đông Hải; xã Ninh Quới thuộc huyện Hồng Dân.

Các xã ở mức cấp 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng) có 51/64 đơn vị cấp xã còn lại trên toàn tỉnh.

Đối với cấp huyện, có thị xã Giá Rai thuộc cấp 3 - nguy cơ cao (vùng cam) và 6/7 đơn vị cấp huyện còn lại ở mức cấp 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng). Đối với cấp tỉnh ở mức cấp 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng).

Riêng đối với các đơn vị cấp xã, nếu chuyển từ cấp độ dịch thấp sang cấp độ dịch cao hơn thì thời gian áp dụng sau 48 giờ kể từ thời điểm công bố.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phạm Văn Thiều yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn căn cứ vào cấp độ dịch COVID-19 tại Quyết định trên để áp dụng các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn. Trong đó tuân thủ nguyên tắc “Bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh”...

Trường hợp đột xuất khi có diễn biến dịch phức tạp, Sở Y tế đánh giá khẩn cấp và báo cáo trực tiếp thông qua Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; đồng thời, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ra Quyết định công bố.

Ngày 25/10, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bạc Liêu, trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 154 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tính đến 6 giờ ngày 25/10, lũy kế trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.675 ca dương tính (có 52 ca nhập cảnh), trong đó 577 ca đã bình phục, 9 ca tử vong, đang cách ly điều trị 1.089 ca.

Bạc Liêu đang cách ly tập trung 7.572 trường hợp (1.576 trường hợp F1 và 5.996 trường hợp về từ vùng dịch); 1.779 trường hợp cách ly tại nhà.

Long An dự kiến cho học sinh trung học phổ thông học trực tiếp từ giữa tháng 11

Chiều 25/10, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Tình hình COVID-19 tại Hà Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Bạc Liêu, Long An ảnh 3Trao tặng máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Long An. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Long An Nguyễn Thanh Tiệp cho biết, toàn tỉnh có 310.000 học sinh các cấp từ Mầm non đến Cao đẳng, Đại học. Hiện các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang học trực tuyến, cấp Tiểu học học trên truyền hình và Mầm non tạm nghỉ. Theo ông Nguyễn Thanh Tiệp, học trực tuyến trước mắt tạm ổn nhưng không thể hiệu quả bằng học trực tiếp.

Đánh giá mức độ nguy cơ và cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Long An hiện đang ở cấp độ 1. Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những địa phương đạt cấp độ 1 và 2 học sinh có thể đến trường học trực tiếp. Theo ông Nguyễn Thanh Tiệp, ý kiến của ngành Y tế Long An cho biết, tình hình dịch đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn một số nguy cơ. Do đó, tổng hợp ý kiến của các địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án cho học sinh trung học phổ thông học trực tiếp từ ngày 1/11/2021, các cấp còn lại dự kiến cho học trực tiếp từ ngày 1/12/2021.

Về tình hình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến nay, địa bàn tỉnh đã có khoảng 80% doanh nghiệp hoạt động trở lại (toàn tỉnh hiện có 13.483 doanh nghiệp đăng ký hoạt động). Lũy kế đến ngày 24/10, Long An có 5.467 ca F0 tại 280 doanh nghiệp. Hơn 142.000 lao động được tiêm 2 mũi vaccine, đạt tỷ lệ 74% lao động trở lại làm việc.

Căn cứ những ý kiến đề xuất, Bí thư Nguyễn Văn Được chỉ đạo: Trước mắt, khi có vaccine sẽ ưu tiên tiêm cho học sinh trung học phổ thông để quay trở lại học trực tiếp từ khoảng giữa tháng 11; dự kiến các cấp học còn lại lùi đến ngày 1/12/2021 sẽ học trực tiếp.

Theo dự kiến, vaccine cho trẻ em sẽ được giao trong tháng 10, địa phương triển khai tiêm cho học sinh trung học phổ thông kịp đến trường học trực tiếp vào khoảng giữa tháng 11.

“Dù là vùng "xanh" hay "đỏ", học sinh được tiêm vaccine đi học trực tiếp giúp phụ huynh an tâm hơn. Tính toán lùi thời gian học trực tiếp các cấp Tiểu học, trung học cơ sở tối đa 3 tháng để học sinh vẫn kịp chương trình năm học” – ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.  

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Được chỉ đạo Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh nhanh chóng có kế hoạch cụ thể tái cơ cấu bệnh viện dã chiến các tầng 1, 2, 3, nhất là khu cách ly tập trung cho các khu-cụm công nghiệp.

Hầu như 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa không có điều kiện cách ly tập trung cho các trường hợp F0, F1, do đó, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải loay hoay khi có trường hợp F0, F1.

Việc xử lý trường hợp F0 trong doanh nghiệp phải trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Theo đó, việc tái cơ cấu bệnh viện 3 tầng điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 là rất cần thiết, nhằm giảm quy mô cho phù hợp tình hình mới theo 3 phương châm: Lưỡng dụng, tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, trường hợp F0 trong cộng đồng nếu đủ điều kiện có thể cách ly tại nhà, y tế tư vấn, cấp thuốc điều trị tại nhà; ngành Y tế nhanh chóng triển khai cho bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị bằng thuốc đặc trị trong trường hợp khẩn cấp.

Báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 Long An cho biết, tính đến 18 giờ ngày 23/10/2021, Long An có tổng số 34.182 ca mắc COVID-19; trong đó đã điều trị khỏi 32.016 ca (93,66%), 475 ca tử vong (1,38%). Đặc biệt, trong 3 tuần gần đây (từ ngày 3/10 đến ngày 23/10), số ca mắc trên địa bàn giảm, số ca tử vong có xu hướng tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục