Thị trường nông sản tuần qua: Thị trường lúa, gạo tiếp tục ổn định

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu gạo tháng 9 tăng 19% về lượng, tăng 20,5% về kim ngạch và tăng 1,3% về giá so với tháng trước đó.
Thị trường nông sản tuần qua: Thị trường lúa, gạo tiếp tục ổn định ảnh 1Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa Thu Đông. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Tuần qua, giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung tiếp tục có xu hướng ổn định.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy tại Sóc Trăng, giá các loại lúa khô vẫn ổn định như OM4900 là 7.500 đồng/kg, OM6976 là 6.500 đồng/kg, ST24 là 8.050 đồng/kg, Đài thơm 8 là 7.300 đồng/kg.

Tại Hậu Giang, giá một số loại lúa vẫn giữ ổn định so với tuần trước như OM5451 đạt 6.500 đồng/kg, IR50404 5.800 đồng/kg, riêng Đài thơm 8 tăng 300 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg.

Tại thành phố Cần Thơ, một vài loại lúa giá có sự nhẹ như OM4218 ở mức 6.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Jasmine là 6.500 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg nhưng IR50404 ổn định ở mức 5.700 đồng/kg.

Tại An Giang, giá lúa OM 5451 tăng 100 đồng lên mức từ 5.200-5.400 đồng/kg. Các giống lúa khác tiếp tục giữ giá ổn định là nếp tươi từ 5.400-5.500 đồng/kg; nếp khô 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 giá từ 5.700-5.800 đồng/kg; OM380 từ 5.300-5.400 đồng/kg; OM18 giá 5.600 đồng/kg; Nàng Hoa 9 ở mức từ 6.000-6.100 đồng/kg; lúa Nhật duy trì từ 7.500-7.600 đồng/kg; IR 50404 khô từ 5.500 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, giá lúa tươi như: IR50404 5.850 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; OM 5451 ổn định ở mức 5.900 đồng/kg.

Về mặt hàng gạo, giá gạo tại An Giang vẫn giữ vững giá như Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, thơm thái hạt dài từ 17.000-18.000 đồng/kg, Hương Lài 18.000 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 15.000 đồng/kg, Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg, Nàng hoa 16.500 đồng/kg, gạo Nhật 20.000 đồng/kg, gạo thường từ 11.000-11.500 đồng/kg.

[Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, gạo ở ĐBSCL ổn định]

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo và kiến nghị đối với quản lý sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice. Theo đó, cần khẩn trương cấp Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam/Vietnam Rice cho các đơn vị kinh doanh và xuất khẩu gạo.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động tuyên truyền phổ biến cho các doanh nghiệp và các bên liên quan về việc sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice trên thị trường thế giới. Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice được bảo hộ tại Việt Nam và 22 quốc gia, bao gồm cả nhãn hiệu thông thường và nhãn hiệu chứng nhận.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu gạo tháng 9 tăng 19% về lượng, tăng 20,5% về kim ngạch và tăng 1,3% về giá so với tháng trước đó.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo, khi nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan được dự báo sẽ giảm. Trong khi đó, nhu cầu gạo trên thế giới đang gia tăng.

Việc tăng xuất khẩu gạo đang tạo đà cho tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp nhờ giá bán cao hơn. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đang hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong nước trong việc xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu.

Trong khi giá lúa, gạo trong nước nhìn chung ổn định trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong gần ba tháng trong tuần này do đồng rupee tăng giá, giữa bối cảnh nguồn cung thiếu hụt, chi phí vận chuyển cao hơn và đồng baht của Thái Lan suy yếu.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đứng ở mức 362-365 USD/tấn trong phiên cuối tuần này. Đây là mức giá cao nhất của gạo 5% của Ấn Độ kể từ cuối tháng 7/2021, tăng từ mức 360-363 USD/tấn của tuần trước.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết: "Nhu cầu gạo ở mức cao nhưng nguồn cung có hạn đã khiến giá gạo tăng."

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn 385-390 USD/tấn, từ mức 385-420 USD/tấn của tuần trước, do biến động tỷ giá hối đoái trong khi nhu cầu ở mức vừa phải.

Thị trường nông sản tuần qua: Thị trường lúa, gạo tiếp tục ổn định ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: pattayamail.com)

Giới thương nhân cho rằng những lo ngại kéo dài về chi phí vận chuyển cao là một thách thức lớn đối với các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan. Nhu cầu bị kìm hãm vì việc vận chuyển gạo gặp khó khăn với chi phí cao, khiến người mua đang chuyển sang các đối thủ cạnh tranh có giá hấp dẫn hơn. Dự kiến, Thái Lan sẽ có thêm nguồn cung gạo vào đầu tháng 11/2021, gây thêm áp lực giảm cho giá mặt hàng này.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước đó, đứng ở mức từ 430-435 USD/tấn. Hoạt động xuất khẩu gạo tại Việt Nam đang được đẩy nhanh sau khi hầu hết các hạn chế về di chuyển liên quan đến đại dịch COVID-19 đã được dỡ bỏ.

Thị trường nông sản Mỹ cho thấy, trong phiên giao dịch cuối tuần 22/10, giá các mặt hàng nông sản biến động trái chiều tại sàn giao dịch Chicago (Mỹ), với giá ngô và lúa mỳ đồng loạt tăng, còn giá đậu tương lại giảm.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 tăng 5,75 xu Mỹ (0,42%) lên 5,2725 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2021 cũng tăng 14,75 xu Mỹ (1,99%), lên 7,56 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 11/2021 lại giảm 3,5 xu Mỹ (0,29%) xuống 12,205 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Công ty nghiên cứu nông nghiệp AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) cho biết, lúa mì giao kỳ hạn đang tăng giá trong khi đậu tương giảm giá do lượng dự trữ cuối vụ của Mỹ đang tăng và lo ngại ngày càng lớn về nhu cầu tiêu thụ yếu của Trung Quốc.

Giá năng lượng tăng và lo ngại lạm phát có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường hàng hóa thế giới nhưng nhu cầu xuất khẩu ngô và đậu tương tốt hơn là điều cần thiết để thị trường nông sản phục hồi bền vững.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) không thông báo bất kỳ đợt xuất khẩu đậu tương mới nào từ Mỹ sang Trung Quốc trong thời gian gần đây. Sự giảm tốc rõ rệt trong hoạt động xuất khẩu đậu tương của Mỹ đã hạn chế đà tăng giá mặt hàng này, ngay cả khi không có rủi ro nào về diễn biến thời tiết ở khu vực Nam Mỹ.

Thời tiết tại miền Đông và Trung Tây nước Mỹ sẽ vẫn ẩm ướt trong 10 ngày tới. Lượng mưa sẽ ảnh hưởng đến sản lượng nông sản tại các bang Illinois, Indiana, Wisconsin và Michigan. Đợt giá lạnh sắp tới sẽ làm chậm tiến độ thu hoạch và giảm sản lượng ngô của Mỹ, giữa bối cảnh các cánh đồng ngô bị ngấm nhiều nước và xu hướng thời tiết ẩm ướt sẽ tiếp tục diễn ra vào tháng 11/2021.

Về thị trường càphê thế giới, trong phiên giao dịch ngày 22/10, thị trường càphê thế giới diễn biến trái chiều khi Robusta tăng, Arabica giảm. Giới đầu cơ nhận định khả năng thiếu hàng cục bộ ở những tháng sắp tới, khi vụ cà phê mới ở Việt Nam chưa được đưa ra thị trường.

Giá càphê Robusta vẫn đứng vững nhờ nhu cầu càphê giao ngay tăng mạnh sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Trái lại, đồng reais của Brazil suy yếu đã thúc đẩy người dân Brazil mạnh tay bán nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên thị trường cũng dấy lên mối lo nông dân sẽ không bán hàng ra, trong bối cảnh tiền lương nhân công và chi phí cho vật tư sản xuất ngày càng tăng cao vượt quá sức chịu đựng của họ.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe của London (Vương quốc Anh) tăng phiên thứ tư liên tiếp. Giá càphê Robusta giao tháng 11/2021 tăng thêm 18 USD, lên 2.134 USD/tấn, còn giá càphê Robusta giao tháng 1/2022 tăng thêm 6 USD, lên 2.141 USD/tấn.

Trái lại, giá càphê Arabica trên sàn ICE US của New York (Mỹ) tiếp tục sụt giảm. Cụ thể, giá càphê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 3,45 xu Mỹ, xuống 199,85 xu Mỹ/lb và giá càphê Arabica giao tháng 3/2022 giảm 3,55 xu Mỹ, còn 202,60 xu Mỹ/lb (1lb = 0,4535 kg)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục