Kết hợp tiền kiểm-hậu kiểm và cần có bộ tiêu chí phân loại phim

Đại biểu cho rằng cần xây dựng một bộ tiêu chí phân loại chi tiết rõ ràng để các nhà làm phim có căn cứ để kiểm soát các nội dung phim của mình, vừa để Hội đồng thẩm định có căn cứ yêu cầu chỉnh sửa.
Kết hợp tiền kiểm-hậu kiểm và cần có bộ tiêu chí phân loại phim ảnh 1Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 23/10, thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành sửa đổi Luật Điện ảnh một cách toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, thúc đẩy ngành Điện ảnh phát triển trở thành một ngành kinh tế.

Tạo ra những đột phá, tạo cú huých mới cho ngành điện ảnh

Đánh giá Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã có sửa đổi, bổ sung về chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất phim, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề xuất Luật cần cụ thể hơn các chính sách của Nhà nước. Theo đại biểu, các quy định nêu trong dự thảo Luật chưa được đảm bảo để tạo ra những đột phá, tạo cú huých mới cho ngành điện ảnh.

Về vấn đề liên quan đến sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước, trong dự thảo Luật nêu ra 2 phương án. Đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định về phim do Nhà nước đầu tư sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị có đề tài khá rộng gồm sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước về đề tài lịch sử, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số và các vấn đề của cuộc sống đương đại. Do đó, cần quy định hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước theo phương án gồm giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu để bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Cho rằng dự thảo Luật có tác động lớn, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) nhấn mạnh khâu quản lý Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, theo đại biểu các nội dung quy định đối với các chủ thể quản lý Nhà nước, hành vi của chủ thể quản lý trong dự án Luật còn chung chung, cần rà soát quy định cụ thể hơn để phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm trong quản lý Nhà nước.

Cần kết hợp tiền kiểm-hậu kiểm và bộ tiêu chí phân loại phim rõ ràng

Theo đại biểu Phạm Nam Tiến (Đắk Nông), hiện nay có ý kiến cho rằng Hội đồng thẩm định phim can thiệp quá sâu vào nội dung phim và ép buộc các nhà làm phim thay đổi nội dung phim để được cấp phép phổ biến. Thậm chí có những ý kiến, không nên có Hội đồng thẩm định phim này mà nên trao quyền cho các tổ chức, cá nhân sản xuất phim tự phân loại phim.

Từ góc nhìn của mình, đại biểu cho rằng Hội đồng thẩm định phim đã luôn làm hết trách nhiệm của mình và làm tròn vai của mình; luôn thiện chí tiếp thu những ý kiến đóng góp ý kiến đối với nhà sản xuất và với mong muốn cao nhất là đem lại những tác phẩm điện ảnh tốt, có chất lượng cao, đảm bảo nội dung sạch, đem đến công chúng. Tuy nhiên, vì phim là một tác phẩm nghệ thuật mang tính sáng tạo cao cho nên có nhiều góc nhìn khác nhau.

Chính vì thế, rất cần có sự nhìn nhận đúng mức và Hội đồng thẩm định cùng các nhà sản xuất nên ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung về vấn đề này.

[Trình Quốc hội xem xét ban hành dự án Luật Điện ảnh sửa đổi]

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần xây dựng một bộ tiêu chí phân loại chi tiết rõ ràng để các nhà làm phim có căn cứ để kiểm soát các nội dung phim của mình, vừa để Hội đồng thẩm định có căn cứ yêu cầu chỉnh sửa.

Cùng chung ý kiến của đại biểu Phạm Nam Tiến, đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) nhấn mạnh kiểm duyệt phim là chế định quan trọng của Luật Điện ảnh. Cùng với sự phát triển của công nghiệp điện ảnh thì cơ chế kiểm duyệt phim có sự thay đổi. Một số nước vẫn duy trì kiểm duyệt phim bằng biện pháp hành chính và cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó, thời gian gần đây, nhiều nước chuyển dịch sang cơ chế kiểm duyệt phim trên cơ sở phân loại như cách tiếp cận của dự thảo Luật.

Theo đại biểu Định Công Sỹ, việc trao quyền tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim là phù hợp với thực tế, với điều kiện năng lực, bộ máy, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật với khối lượng phim cần kiểm duyệt. Tuy nhiên, hậu kiểm phim cũng có nguy cơ để lọt phim có những nội dung, tính chất vi phạm hoặc không phù hợp thuần phòng, mỹ tục của Việt Nam. Do đó, Nhà nước cần đề cao vai trò, trách nhiệm và năng lực quản lý.

Đại biểu cũng cho rằng trước mắt cần kết hợp cả tiền kiểm và hậu kiểm một cách hợp lý, trong đó hậu kiểm là chủ yếu. Cùng với đó, việc thực hiện phương án quản lý này cần xây dựng bộ tiêu chí về phân loại phim một cách chi tiết; quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường tự động và kiểm duyệt tự động để đánh giá được nội dung, phát hiện nội dung vi phạm, hiển thị cảnh báo cho người xem, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu; cung cấp công cụ cụ thể người xem có thể phản ánh nội dung vi phạm, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh và có cơ chế phản ứng nhanh với những phim có vi phạm, huy động sự tham gia của xã hội, các hội, hiệp hội trong hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm định, kiểm soát.

Kết hợp tiền kiểm-hậu kiểm và cần có bộ tiêu chí phân loại phim ảnh 2Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị cần quy định cụ thể những điều cấm trong hoạt động điện ảnh. Theo đại biểu, với những phim đề cập đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, dân tộc thiểu số, trong Hội đồng thẩm định phim cũng phải có các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia với các đạo diễn, nhà sản xuất phim để kiểm duyệt các bộ phim này trước khi phát sóng.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, nêu quan điểm ngoài nhu cầu xem phim ở rạp chiếu phim thì hiện nay người dân cũng rất thích xem phim trên mạng xã hội, các kênh thông tin khác. Tuy nhiên, có những bộ phim ở nước ngoài phản ánh không trung thực với lịch sử, văn hóa dân tộc ta nên ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của nhiều người dân. Điều này đặt ra yêu cầu trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải có thêm quy định về cấp phép và kiểm duyệt phim. Quy định kiểm duyệt không chỉ thực hiện ở công đoạn trước khi bộ phim phát sóng mà cả sau khi phát sóng, được công khai rộng rãi đến công chúng.

Ngoài ra, trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng cần có thêm những quy định, chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm bản quyền về phim. Bởi thực tế khi bộ phim chưa được công bố rộng rãi nhưng đã có những cá nhân dùng thiết bị công nghệ cao quay lại bộ phim rồi đưa lên mạng. Điều này ảnh hưởng lớn đến bản quyền và doanh thu từ bộ phim đó.

Điện ảnh có trách nhiệm đưa hình ảnh đất nước ra quốc tế

Tham gia thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với việc sửa đổi luật như Tờ trình và báo cáo thẩm tra nêu.

Theo Chủ tịch nước, ở nhiều nước, ngành công nghiệp điện ảnh có vị trí quan trọng trong phát triển đất nước. Nhiều nước đi lên từ công nghiệp điện ảnh; nhờ điện ảnh để quảng bá đất nước. Chủ tịch nước lấy ví dụ ở châu Á có Hàn Quốc với các bộ phim cách đây 20 năm đã giúp quảng bá hình ảnh đất nước này.

Nhấn mạnh đất nước đang hội nhập quốc tế nên quy luật thị trường, quy luật giá trị chi phối, Chủ tịch nước cho rằng điện ảnh và văn hóa dân tộc trong kinh tế thị trường rất quan trọng. Làm điện ảnh phải giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua hình ảnh đất nước, con người, truyền thống Việt Nam.

“Suốt ngày thấy đánh đấm, đồi trụy không mang hình ảnh của một dân tộc, đất nước thì sao giữ được đất nước. Giữ được đất nước trong kinh tế thị trường chính là văn hóa, giữ gìn văn hóa thông qua các hình thức nghệ thuật như điện ảnh rất quan trọng," Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước lưu ý luật pháp với mối quan hệ của điện ảnh, cần một đạo luật dài hơi hơn để sống nhiều thời gian hơn, không phải vài hôm lại sửa, vì liên quan đến công nghệ.

Chủ tịch nước đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước và trả lời được những câu hỏi như tại sao Việt Nam phải chiếu quá nhiều phim nước ngoài, “tất nhiên hội nhập thì có phim nước ngoài nhưng không phải quá nhiều như vậy được trong khi chúng ta có thể xây dựng văn hóa dân tộc thông qua điện ảnh từ lịch sử kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, văn hóa vật thể, phi vật thể."

Chủ tịch nước cũng đề nghị cần tạo dựng khung pháp lý cụ thể để khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia làm phim. Nhà nước nên đặt hàng, dành nguồn kinh phí hỗ trợ cần thiết cho những tác phẩm lịch sử, tư liệu giới thiệu đất nước, con người Việt Nam.

Về Hội đồng thẩm định, theo Chủ tịch nước đó là những người có vai trò vô cùng quan trọng, có tầm nhìn, tài năng, đức cao đạo trọng. Những bộ phim được chiếu yêu cầu rất khắt khe. Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, hiện nay vẫn còn hiện tượng nhiều bộ phim không tốt xuất hiện trên màn ảnh nhỏ.

Chủ tịch nước cũng lưu ý thêm rằng, thời gian gần đây có những người lên trên mạng thu hút hàng triệu người xem với những nội dung phản cảm hay có một số người mới nổi trên mạng cứ mở ra là thấy nói tục. Đó là một hình ảnh rất xấu, phải nghiêm trị, nghiêm cấm vì vi phạm đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng đến dân tộc, xóa nhòa lịch sử. Từ đây, Chủ tịch nước cũng đề nghị làm rõ hơn những hành vi nghiêm cấm trong dự thảo Luật.

Về chính sách phát hành phim, Chủ tịch nước thấy còn thiếu, nhất là quảng bá ra nước ngoài; hợp tác quốc tế quảng bá, xúc tiến còn hạn chế.

"Trước đây người ta không hiểu Việt Nam nhiều. Bây giờ người ta hiểu Việt Nam nhưng cũng chưa hiểu đầy đủ nền văn hóa, lịch sử thì điện ảnh có trách nhiệm rất quan trọng trong việc đưa hình ảnh Việt Nam ra quốc tế," Chủ tịch nước nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục