Đà phục hồi kinh tế tại Eurozone có xu hướng chững lại

IHS Markit nhận định nền kinh tế Eurozone có thể sẽ chững lại trong thời gian tới nếu đại dịch COVID-19 tiếp tục gây gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến giá cả tăng cao.
Người dân mua hàng hóa trong siêu thị tại Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân mua hàng hóa trong siêu thị tại Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đà phục hồi kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang giảm tốc, khi các vấn đề về chuỗi cung ứng tại các nhà máy đã đẩy giá cả tăng vọt chưa từng thấy trong vòng 20 năm qua.

Đây là kết luận được đưa ra trong cuộc khảo sát do IHS Markit (Anh) - công ty chuyên thu thập kết quả khảo sát chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) - công bố ngày 22/10.

Theo kết quả khảo sát, chỉ số PMI - chỉ số đo lường “sức khỏe” của ngành sản xuất - đã giảm từ 56,2 điểm trong tháng Chín xuống còn 54,3 điểm trong tháng 10, sau khi đạt mức cao nhất 59 điểm hồi tháng Tám.

Điều này phản ánh hoạt động sản xuất vẫn đang tiếp tục mở rộng nhưng có xu hướng suy giảm và tiệm cận ranh giới suy giảm. Ngưỡng 50 điểm là mốc phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Tuy tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, song IHS Markit nhận định nền kinh tế Eurozone có thể chững lại trong thời gian tới nếu đại dịch tiếp tục gây gián đoạn và khiến giá cả tăng cao.

[Lạm phát ở Liên minh châu Âu đang tiến gần đến mức 4%]

Theo IHS Markit, vấn đề trong chuỗi cung ứng được bộc lộ rõ nhất tại Đức khi cường quốc xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU) phải phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu để sản xuất các hàng hóa cao cấp, trong đó có ôtô và máy móc.

IHS Markit cũng cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến vào mùa Thu và Đông sẽ là một thách thức lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt đối với các lĩnh vực dịch vụ cần gặp mặt khách hàng trực tiếp.

Ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại IHS Markit, cho biết đại dịch COVID-19 tiếp diễn đồng nghĩa với việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn vẫn là mối quan ngại lớn. Điều này gây áp lực lên hoạt động sản xuất và khiến giá cả trong ngành sản xuất lẫn dịch vụ tăng cao.

Mặc dù vậy, theo IHS Markit, một điểm sáng trong bức tranh phục hồi kinh tế Eurozone là thị trường tuyển dụng việc làm đã đạt mức kỷ lục vào tháng Bảy, do các doanh nghiệp đang tăng cường nhân lực nhằm đáp ứng các đơn hàng còn tồn đọng.

Hồi tháng Chín, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2021 lên mức 5%, trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ECB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực vào năm 2022 xuống 4,6% từ mức 4,7% trong dự báo trước. Dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2023 không thay đổi, vẫn ở mức 2,1%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục