Pfizer/BioNTech: Mũi tiêm tăng cường bảo vệ cao trước biến thể Delta

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của Pfizer/BioNTech tiêm mũi tăng cường vaccine với 10.000 người trong giai đoạn biến thể Delta hoành hành mạnh cho thấy hiệu quả bảo vệ lên tới 95,6%.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho người dân tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 23/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho người dân tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 23/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/10, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) thông báo việc tiêm mũi tăng cường sử dụng vaccine phòng COVID-19 mà 2 hãng phối hợp phát triển cho hiệu quả cao trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III.

Đặc biệt, việc tiêm mũi tăng cường vaccine này cho hiệu quả bảo vệ cao trước biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, biến thể lây lan nhanh và nguy hiểm vốn đang gây nhiều thách thức cho cuộc chiến chống COIVD-19 toàn cầu.

Theo thông báo, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III được thực hiện với 10.000 người từ 16 tuổi trở lên trong giai đoạn mà biến thể Delta hoành hành mạnh.

Các dữ liệu cho thấy việc tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho hiệu quả bảo vệ lên tới 95,6%.

[Vaccine Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả bảo vệ cao với thanh thiếu niên]

Các dữ liệu về tính an toàn khi tiêm mũi tăng cường vaccine này cũng rất khả quan. Pfizer cho biết trong thử nghiệm lâm sàng, khoảng cách trung bình giữa mũi 2 và mũi tăng cường là 11 tháng.

Trong khi nhóm được tiêm mũi tăng cường vaccine của Pfizer/BioNTech chỉ ghi nhận 5 ca bệnh thì nhóm tiêm giả dược ghi nhận 109 ca bệnh.

Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla khẳng định những kết quả trên tiếp tục cung cấp bằng chứng cho thấy lợi ích của việc tiêm mũi tăng cường trong bảo vệ con người trước dịch COVID-19.

Trong thử nghiệm lâm sàng, trung bình độ tuổi của người tham gia là 53 tuổi, trong đó 55,5% người tham gia là từ 16-55 tuổi và 23,2% là người từ 65 tuổi trở lên.

Trước đó, Pfizer từng xác nhận hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 loại 2 mũi do hãng và BioNTech phối hợp phát triển sẽ giảm dần theo thời gian, dẫn nghiên cứu chỉ ra hiệu quả sẽ giảm từ 96% xuống 84% vào thời điểm 4 tháng sau khi tiêm mũi 2.

Một số quốc gia đã triển khai tiêm mũi tăng cường với vaccine này.

Pfizer và BioNTech cho biết sẽ cung cấp các dữ liệu chi tiết về thử nghiệm lâm sàng trên cho một bên thứ 3 (thường là chuyên san khoa học) để đánh giá chéo.

Bên cạnh đó, Pfizer và BioNTech cũng sẽ sớm cung cấp dữ liệu cho Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng như Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) và các cơ quan chức năng tại các nước khác để phục vụ việc đánh giá cấp phép tiêm mũi tăng cường.

Đến nay, các nhà quản lý của Mỹ và EU đã cấp phép tiêm mũi thứ 3 vaccine của Pfizer/BioNTech cho các bệnh nhân có vấn đề về suy giảm hệ miễn dịch, nhóm được cho là có phản ứng miễn dịch thấp hơn sau khi tiêm 2 mũi vaccine của các hãng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục