Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, 'mây đen' phủ bóng lên châu Á

Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã khiến các nhà phân tích của ngân hàng Citi (Mỹ) hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Việt Nam.
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, 'mây đen' phủ bóng lên châu Á ảnh 1Công nhân làm việc tại một máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã “phủ mây đen” lên triển vọng tăng trưởng của nhiều quốc gia, khi sự sụt giảm mạnh của hoạt động chế tạo và tình trạng tắc nghẽn nguồn cung tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ảnh hưởng đến cán cân cung-cầu tại châu Á.

Khi người khổng lồ châu Á “hắt hơi”

Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) mới đây công bố số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế nước này chỉ đạt 4,9%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý 3/2020 và giảm mạnh so với mức 7,9% của quý 2/2021.

Số liệu này được công bố giữa bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chịu thiệt hại do những nút thắt trong chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu điện cũng là những nguyên nhân tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc.

[Liệu kỷ nguyên suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã tới?]

Để duy trì hoạt động của các nhà máy giữa bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, Trung Quốc đang buộc phải tiêu thụ nhiều điện hơn dự kiến.

Tuy nhiên, việc sản xuất than - nhiên liệu chính để sản xuất điện ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đang bị kiềm chế do chính phủ tăng cường thực hiện các chính sách nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2060.

Theo thống kê, gần 70% sản lượng điện năng của Trung Quốc đến từ các nhà máy điện than.

Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường châu Á Louis Kuijs thuộc hãng phân tích Oxford Economics, cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đi xuống một phần còn do sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản vốn bị ảnh hưởng từ "cơn bão" mang tên Evergrande - nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ vỡ nợ hàng trăm tỷ USD.

Các số liệu thống kê cho thấy nhiều lĩnh vực của kinh tế Trung Quốc đã đánh đi tín hiệu tiêu cực, trong đó, hoạt động chế tạo ghi nhận tăng trưởng sản lượng yếu nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

NBS cho biết hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng Chín kém khởi sắc hơn khi chỉ tăng trưởng 3,1%, thấp hơn so với mức 5,3% của tháng trước đó.

Tính từ đầu năm, GDP của Trung Quốc trong ba quý đạt tăng trưởng 9,8%, chủ yếu nhờ mức tăng trưởng mạnh mẽ 18,3% của quý 1.

…các nền kinh tế châu Á trước nguy cơ “cảm lạnh”

Đối với các đối tác thương mại của Trung Quốc, sự giảm tốc của “người khổng lồ châu Á” mang đến những rủi ro mới đối với đà phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Frederic Neumann, chuyên gia thuộc bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại ngân hàng HSBC (Anh) cho rằng Trung Quốc là động lực chính cho tăng trưởng toàn khu vực, do đó, khi nền kinh tế này giảm tốc, các nền kinh tế châu Á sẽ mất đi nhiều lực đẩy.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, 'mây đen' phủ bóng lên châu Á ảnh 2Cảnh vắng vẻ tại một chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phân tích của HSBC, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương từ Hàn Quốc cho đến New Zealand đều có mối quan hệ mật thiết với những thay đổi về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc hơn so với Mỹ và các nước châu Âu.

Các nhà kinh tế của HSBC ước tính GDP của kinh tế Trung Quốc cứ tăng thêm 1 điểm phần trăm, tốc độ tăng trưởng của cường quốc thương mại Hàn Quốc cũng sẽ tăng thêm khoảng 0,7 điểm phần trăm.

Theo phân tích, Hàn Quốc cho đến nay là quốc gia nhạy cảm nhất với những biến động của kinh tế Trung Quốc, tiếp theo là Thái Lan.

Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã khiến các nhà phân tích của ngân hàng Citi (Mỹ) hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Một cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành vào tuần trước cho thấy phần lớn các công ty Nhật Bản lo ngại sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.

Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro từ kinh tế Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng các nước châu Á vẫn có thể ngăn chặn sự sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu trong nước, khi những tiến bộ của chương trình tiêm chủng giúp dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, nhu cầu của Trung Quốc đối với một số hàng hóa, như nhiên liệu và thực phẩm, vẫn ổn định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục