Bình Dương vẫn còn 10.365 bệnh nhân đang điều trị COVID-19

Tại tâm dịch Bình Dương, hiện vẫn còn 10.365 bệnh nhân đang điều trị COVID-19; trong đó 7.667 bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế và 2.698 trường hợp đang điều trị tại nhà.
Bình Dương vẫn còn 10.365 bệnh nhân đang điều trị COVID-19 ảnh 1Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động trong doanh nghiệp tại Bình Dương. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, trong ngày 19/10, tỉnh này ghi nhận 500 ca mắc mới COVID-19, tăng 13,9% so với ngày 18/10; trong đó số ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa đến 90%, qua sàng lọc cộng đồng chiếm 5,4% và một số sơ sở y tế, khu cách ly.

Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 226.353 ca mắc COVID-19; 2.307 người tử vong, số người khỏi bệnh đã xuất viện là 222.537 trường hợp. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn 10.365 bệnh nhân đang điều trị; trong đó 7.667 bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế và 2.698 trường hợp đang điều trị tại nhà.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, sau khi trở về trạng thái “bình thường mới,” các hoạt động kinh tế-xã hội mở cửa trở lại, khả năng số người tái mắc COVID-19 sẽ còn cao trong thời gian tới.

Do đó, cần thiết lập kịch bản phù hợp, đặc biệt là việc xử lý các trường hợp F0 trong các khu công nghiệp để duy trì ổn định sản xuất, trên tinh thần sống chung an toàn với dịch bệnh.

[Bình Dương "phủ khắp" các trạm y tế lưu động điều trị COVID-19]

Theo đánh giá chung, Bình Dương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh hiện nay là phục hồi sản xuất gắn với linh hoạt kiểm soát dịch bệnh để thích ứng trong điều kiện "bình thường mới." Theo đó, tỉnh yêu cầu từng cấp, ngành phải tập trung thực hiện tốt từng mục tiêu, các chính sách, kiểm soát dịch phục hồi sản xuất.

Cùng ngày, Bình Dương đã đưa thêm Trạm Y tế lưu động vào hoạt động tại Khu Công nghiệp Việt Hương 2, thị xã Bến Cát.

Trạm y tế lưu động này sẽ sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp; quản lý theo dõi chăm sóc người mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh trong Khu Công nghiệp; thực hiện các xét nghiệm COVID-19; phối hợp triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 và khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc bệnh khác.

Đến nay, Khu Công nghiệp Việt Hương 2 có 43 dự án đang hoạt động với hơn 4.000 công nhân lao động đã tiêm vaccine ngừa COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục