Bỏ mặc cầu vượt, người đi bộ băng qua đường thách thức 'tử thần'

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ năm 2009 đến nay, thành phố đã có 46 cầu vượt đi bộ được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng. Số cầu vượt này có trị giá đầu tư xây dựng hàng trăm tỷ đồng, nhưng điều đáng nói, vì nhiều nguyên nhân, rất nhiều cầu vượt đã không phát huy được tác dụng lãng phí, để xuống cấp.Trong đó có nguyên nhân là người dân vẫn không có thói quen đi cầu vượt, mà bất chấp nguy hiểm, tai nạn có thể xảy ra mà băng qua đường.

Clip và hình ảnh phóng viên báo Tin tức ghi nhận:

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, khá nhiều cầu vượt bộ hành trên địa bàn Hà Nội vắng khách qua lại do đặt sai vị trí, nơi nhu cầu người dân không lớn; hoặc đặt đúng vị trí, nhưng thiết kế đường dẫn bất hợp lý, người đi bộ phải vòng vèo, khả năng tiếp cận chưa thuận lợi, nhất là với người già, trẻ em, người khuyết tật…

Đơn cử như những cầu vượt Láng Hạ (quận Đống Đa), cầu vượt Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy)... được xây dựng hiện đại, nhưng do thiếu đồng bộ với hạ tầng xung quanh, nên ít người sử dụng. Những cầu vượt này hiện đều đã xuống cấp, hoen gỉ, khiến người dân càng thêm e ngại sử dụng và đang cho thấy sự lãng phí đầu tư xây dựng.

Một số cầu vượt khác như cầu vượt Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), Chùa Bộc (quận Đống Đa)... không chỉ hoen gỉ cùng thời gian, mà hiện đang trở thành điểm tập kết xe thùng chở rác tại các vị trí chân cầu. Do vậy, nhiều người dân sinh sống xung quanh khu vực các cầu vượt này vẫn băng cắt qua đường vào giờ cao điểm mà không đi lên cầu. Thậm chí, bất chấp nguy hiểm, len lỏi, vừa đi vừa tránh dòng xe cộ đang lao nhanh về phía mình... 

Chú thích ảnh
Người đi bộ bằng qua đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) ngày dưới gầm cầu vượt. 
Chú thích ảnh
Cầu vượt ngay gần cổng Trường Đại học Điện lực trên phố Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), nhưng nhiều sinh viên, người dân vẫn băng qua đường. 
Chú thích ảnh
Mặc dù tại vị trí cầu vượt Hoàng Quốc Việt, lưu lượng phương tiện qua lại đông, nhưng nhiều người đi bộ vẫn thờ ơ. 
Chú thích ảnh
Người đi bộ "hùng dũng" băng qua đường tại vị trí cầu vượt Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) khi giao thông như mắc cửi.
Chú thích ảnh
Người đi bộ thản nhiên băng qua đường ngay dưới chân cầu vượt Lê Thanh Nghị trước cổng Bệnh viện Bạch Mai (quận Hoàng Mai).
Chú thích ảnh
Không khó gặp cảnh người đi bộ qua đường, bỏ mặc cầu vượt ngay trước mặt trên phố Trung Kính (quận Càu Giấy).
Chú thích ảnh
Trời nắng, phương tiện giao thông đông, nhưng người đi bộ vẫn thờ ơ với cầu vượt trên phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm).
Chú thích ảnh
Người đi bộ vừa băng qua đường, vừa tránh xe, mặc dù trước mặt là cầu vượt Láng Hạ (quận Đống Đa).
Chú thích ảnh
Thêm trường hợp người đi bộ băng qua đường bất chấp dòng xe cộ lưu thông tại vị trí cầu vượt Nguyễn Chí Thanh.
Chú thích ảnh
Thậm chí có đông người đi bộ qua đường Nguyễn Văn Cừ cùng lúc, tiện tránh dòng phương tiện.

Song, một phần cũng xuất phát từ sự thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của không ít người dân, coi thường sự an toàn của bản thân, bỏ quên cầu vượt. Nhiều người dù biết băng qua đường nguy hiểm, nhưng vì muốn nhanh, tùy tiện, nên bất chấp nguy hiểm mà không đi lên cầu. Bên cạnh đó việc không đảm bảo hỗ trợ, khiến một số người cao tuổi không đủ sức leo thang, nên cũng chọn đi bộ băng qua đường. 

Để khắc phục tình trạng người dân thờ ơ với cầu vượt, hầm bộ hành, phát huy hiệu quả của các công trình này, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đưa nội dung giáo dục về an toàn giao thông vào các bậc học phổ thông để từng bước tạo ý thức, văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên; đồng thời, tăng cường các biện pháp cưỡng chế người vi phạm như: Lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách giữa để ngăn chặn tình trạng người đi bộ cố tình băng qua đường, gây mất an toàn giao thông...

Về lâu dài, Sở GTVT đề nghị với các cơ quan chức năng bổ sung chế tài xử phạt đối với người đi bộ vi phạm vào Luật Giao thông đường bộ để răn đe.

Chú thích ảnh
Cầu vượt Hoàng Quốc Việt hoen gỉ cùng thời gian cho thấy sự lãng phí và khiến nhiều người e ngại sử dụng.
Chú thích ảnh
Cầu vượt Chùa Bộc ngay cổng Học viện Ngân hàng hoen gỉ, trở thành nơi tập kết xe thùng chở rác.
Chú thích ảnh
Mặt đường hẹp, nhưng cầu thang lên cầu vượt Thái Hà (quận Đống Đa) rộng, ít người đi bộ sử dụng... cho thấy sự lãng phí của cầu vượt này.
Chú thích ảnh
Cầu vượt to, rộng, thoáng, có mái che hiện đại... nhưng vắng bóng người đi bộ trên phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy). 
Chú thích ảnh
Cầu vượt Thanh Nhàn ngay cổng Bệnh viện Thanh Nhàn gần như vắng bóng khách bộ hành, vì gầm cầu vượt mặt đường có vạch chỉ đường dành cho người đi bộ... 
Hành vi “Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn” được nêu tại điểm a, khoản 1, Điều 9, Nghị định số 100/CP/2019. Tuy nhiên, chế tài xử phạt đối với người đi bộ vi phạm quá nhẹ, không đủ sức răn đe (tối thiểu là 60.000 đồng và tối đa là 200.000 đồng)... Đây cũng là nguyên nhân khiến cho người đi bộ “nhờn luật”.
Bài, ảnh, video: Vân Sơn/Báo Tin tức
Hà Nội mưa trắng trời, gầm cầu vượt thành nơi trú tạm
Hà Nội mưa trắng trời, gầm cầu vượt thành nơi trú tạm

Gần trưa 5/7, trận mưa lớn bất ngờ đổ xuống, xối xả khiến nhiều người đi đường tại Hà Nội phải dừng chân, trú dưới các gầm cầu vượt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN