Thông tin chính thức về ổ dịch bệnh sán dây lợn ở tỉnh Bình Phước

Bệnh sán dây lợn trên người chữa được nếu phát hiện sớm, tích cực điều trị triệt để, đồng thời bệnh này không lây từ người sang người.
Thông tin chính thức về ổ dịch bệnh sán dây lợn ở tỉnh Bình Phước ảnh 1Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước thông tin về dịch sán lợn trên địa bàn tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN)

Chiều 9/11, các cơ quan Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân huyện biên giới Bù Gia Mập cùng phối hợp tổ chức họp báo chính thức cung cấp thông tin cho báo chí về ổ dịch bệnh sán dây lợn xảy ra ở huyện Bù Gia Mập, gây hoang mang dư luận thời gian qua.

Theo thông tin tại buổi họp báo, từ tháng 2/2018, Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế, khảo sát và phát hiện tại xã Phú Nghĩa có mẫu lợn nhiễm bệnh lợn gạo và phát hiện nguyên nhân nhiễm sán dây lợn.

Từ tháng 4/2018, Sở đã phối hợp lấy 904 mẫu kiểm tra cho người tại xã Phú Nghĩa, Đăk Ơ, Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập.

Kết quả, 904 mẫu xét nghiệm có 108 mẫu dương tính với ấu trùng sán dây lợn, chiếm 11,95%, 330 mẫu dương tính với ấu trùng giun đũa chó, mèo, chiếm 36,5%.

Sở Y tế Bình Phước khẳng định hiện nay, bệnh sán dây lợn này phổ biến ở 55 tỉnh thành phố cả nước, tỷ lệ mắc thông thường ở các tỉnh, thành phố này là từ 2-6 %.

Tại Bình Phước, qua điều tra thực tế 904 mẫu có 11,95% mẫu dương tính với bệnh sán dây lợn.

[Bình Phước: Phát hiện ổ bệnh với 108 người nhiễm sán dây lợn]

Tỷ lệ bệnh sán dây lợn ở Bình Phước cao hơn những tỉnh khác vì Bình Phước là tỉnh nằm trong vùng lưu hành, tập quán chăn nuôi thả rông gia súc và nhiều gia đình tự làm thịt lợn không thông qua các cơ sở giết mổ đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, vùng lấy mẫu xét nghiệm nằm ngay địa điểm đang có nguy cơ về bệnh nên tỷ lệ sẽ cao hơn.

Trước vấn đề này, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã triển khai một số biện pháp, trong đó tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến người dân, có công văn gửi trung tâm y tế các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đề nghị xét nghiệm và điều trị cho các trường hợp lấy mẫu dương tính với bệnh sán dây lợn.

Trạm Thú y các địa phương đã có khảo sát và tuyên truyền vệ sinh dịch tễ đến các trang trại chăn nuôi…

Theo Sở Y tế tỉnh, bệnh sán dây lợn trên người chữa được nếu phát hiện sớm, tích cực điều trị triệt để. Ngoài ra, bệnh này không lây từ người sang người và chỉ lây khi người ăn thịt lợn chưa chín hoặc chưa được chế biến kỹ, hạn chế hoặc không ăn rau sống để phòng trung gian lây trứng bệnh sán dây lợn vào cơ thể người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục