Triều Tiên có thể thay đổi cán cân quân sự Đông Á nếu thực sự triển khai tên lửa siêu thanh

Nhiều nhà phân tích nhận định nếu Triều Tiên chế tạo và triển khai thành công vũ khí siêu thanh thì Bình Nhưỡng thậm chí có thể thay đổi cả cán cân quân sự trong khu vực.

Chú thích ảnh
Hình ảnh Triều Tiên công bố về vụ phóng tên lửa siêu thanh ngày 28/9. Ảnh: AP

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 28/9 cho biết đó là lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa siêu thanh và sự kiện đã thành công. Các nhà phân tích phương Tây đã quan sát bức ảnh Triều Tiên công bố về cuộc thử nghiệm ngày 28/9 và cho rằng tên lửa này mang đặc điểm của vũ khí lượn siêu thanh.

Kênh CNN (Mỹ) dẫn đánh giá của nhiều chuyên gia cho rằng tên lửa siêu thanh mà Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm ngày 28/9 có khả năng là một trong những vũ khí nhanh nhất và chính xác nhất thế giới.

Các thông số cụ thể về tên lửa siêu thanh Hwasong-8 của Triều Tiên vẫn chưa được công bố nhưng về lý thuyết các tên lửa với phương tiện lượn siêu thanh có khả năng bay gấp 20 lần vận tốc âm thanh. Các tên lửa này đồng thời dễ thay đổi quĩ đạo khi bay, khiến chúng gần như không thể bị bắn hạ.

Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hàng không vũ trụ Trung Quốc thuộc Đại học Hàng không Mỹ cho tiết đường bay ở vị trí thấp của tên lửa siêu thanh đồng nghĩa với việc chúng ở dưới tầm phát hiện của radar trong thời gian dài hơn.

Các chuyên gia đã chỉ ra một số điều đặc biệt trong tin được KCNA đưa. Theo KCNA, Triều Tiên đã sử dụng “nhiên liệu tên lửa dạng ống”. Giáo sư Jeffery Lewis tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury đánh giá điều này đồng nghĩa với việc tên lửa được nạp nhiên liệu tại nhà máy thay vì sau khi được triển khai ra nơi phóng.

Ông Lewis phân tích: “Nếu Triều Tiên nạp nhiên liệu cho tên lửa tại nhà máy, các đơn vị quân đội sẽ không phải dành thời gian làm công việc này ở bên ngoài và tránh được rủi ro bị Không quân Mỹ tấn công… Đây là bước tiến lớn cho Triều Tiên”.

Giáo sư Kim Dong-yub tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc) nhận định: “Dường như Triều Tiên đang cố vượt qua điểm yếu của việc bơm nhiên liệu lỏng cho tên lửa trước khi phóng”.

Trong khi đó, giáo sư dự bị tại Đại học Webster (Thụy Sĩ) Lionel Fatton nhận định: “Nếu việc Triều Tiên phóng tên lửa siêu thanh là sự thật thì điều đó đồng nghĩa với việc hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc và Nhật Bản trở nên gần như bất lực”. Những hệ thống này được thiết kế để phòng vệ trước tên lửa đạn đạo vốn rơi xuống mục tiêu từ độ cao lớn hơn nhiều so với tên lửa siêu thanh.

Sau khi phân tích dữ liệu từ vụ phóng thử, quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa này dường như ở giai đoạn đầu phát triển. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) đánh giá tên lửa Triều Tiên mới thử nghiệm vẫn có thể bị phát hiện và đánh chặn.

Ông Drew Thompson, một cựu quan chức Lầu Năm Góc, hiện là nghiên cứu viên cấp cao tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, phân tích: “Một tên lửa siêu thanh có thể vượt mặt hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến sẽ là vũ khí thay đổi cuộc chơi nếu được trang bị thêm cả đầu đạn hạt nhân”.

Theo KCNA, việc phát triển vũ khí chiến lược là một trong 5 nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của kế hoạch 5 năm phòng vệ quốc gia. Chuyên gia chính sách hạt nhân Ankit Panda tại Quỹ Carnegie Endownment Hòa bình Quốc tế nhận định rằng việc Triều Tiên sử dụng cụm từ “chiến lược” để miêu tả vũ khí là ngầm đề cập đến năng lực vũ khí hạt nhân.

Nhưng Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha (Hàn Quốc) có quan điểm rằng tên lửa siêu thanh của Triều Tiên có thể không giống với những loại đang được các nước khác triển khai.

Mới chỉ có 2 quốc gia là Nga và Trung Quốc được cho đã phát triển thành công tên lửa siêu vượt âm. Tháng 12/2019, Nga tuyên bố hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard đã được phiên chế. Đến tháng 1/2020, Tổng thống Putin đã theo dõi việc phóng hệ thống tên lửa siêu thanh thứ hai Kinzhal ở Crimea.

Trong một cuộc diễu binh năm 2019, Trung Quốc đã phô trương tên lửa DF-17 vốn có thể sử dụng để triển khai phương tiện lượn siêu thanh.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA) ở Washington, DC, Mỹ đang phát triển 8 loại vũ khí siêu thanh. Trong tháng 4, Lầu Năm Góc thừa nhận Mỹ đã phóng thử một tên lửa siêu thanh, sau vụ thử không thành công.

Theo luật quốc tế, Bình Nhưỡng bị cấm thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên đã 3 lần tuyên bố phóng thử tên lửa trong tháng này. Ngày 15/9, Triều Tiên đã thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa. Trước đó, vào sáng 13/9, KCNA cho biết nước này đã phóng thử tên lửa hành trình trong hai ngày 11 và 12/9. Tên lửa hành trình vốn bay thấp và chậm hơn so với tên lửa đạn đạo.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo CNN)
Sức mạnh của tên lửa siêu thanh gần như không thể bắn hạ mà Triều Tiên vừa thử
Sức mạnh của tên lửa siêu thanh gần như không thể bắn hạ mà Triều Tiên vừa thử

Các chuyên gia cho rằng tên lửa siêu thanh mà Triều Tiên vừa thử ngày 28/9 có khả năng là một trong những vũ khí chính xác và nhanh nhất thế giới, có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN