Malaysia thành lập lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19

Lực lượng Đặc nhiệm phản ứng nhanh quốc gia của Malaysia sẽ tập trung vào việc nhanh chóng xét nghiệm, và cách ly những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Malaysia thành lập lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Subang, bang Selangor (Malaysia). (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, nhằm nhanh chóng xét nghiệm và cách ly các ca mắc COVID-19, Bộ Y tế Malaysia quyết định thành lập Lực lượng Đặc nhiệm phản ứng nhanh quốc gia.

Trong một phát biểu ngày 26/9, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết lực lượng này sẽ áp dụng kinh nghiệm đạt được trong việc giảm số ca nhiễm ở Thung lũng Klang (gồm lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur, bang Selangor và một phần bang Nigeri Sembilan) vào việc phòng chống COVID-19 trên phạm vi toàn quốc.

Lực lượng sẽ tập trung vào việc nhanh chóng xét nghiệm và cách ly những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo ông Khairy, bất cứ ai xét nghiệm COVID-19 tại cơ sở xét nghiệm hay tự xét nghiệm bằng bộ xét nghiệm nhanh (RTK-Ag) mà có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, chính quyền đều có thể lập tức phát lệnh cách ly tại nhà đối với người đó cũng như những ai tiếp xúc gần mà không cần phải đợi tới khi có kết quả xét nghiệm sinh học phân tử (RT-PCR) mới cách ly.

[Dịch COVID-19: Malaysia đổi chiến lược về miễn dịch cộng đồng]

Ngoài ra, nếu phát hiện người mắc COVID-19 nào ra ngoài vi phạm lệnh cách ly tại nhà, chính quyền sẽ căn cứ vào ghi nhận trên ứng dụng truy vết MySejahtera để thông báo cho cảnh sát xử lý.

Cùng ngày, cảnh sát Malaysia đã phát cảnh báo về tình trạng làm giả chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Trả lời tờ Straits Times, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia Koh Kar Chai cho biết: “Vấn đề làm giả chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 xảy ra trong thời điểm các quốc gia bắt đầu triển khai 'thẻ xanh' cho các hoạt động như du lịch, cũng như việc các quốc gia bắt đầu công nhận giấy chứng nhận vaccine của nước khác cho nhiều mục đích. Chúng tôi đã nhận được cảnh báo từ những người có liên quan. Họ được liên hệ bởi những kẻ sẵn sàng chi trả để có được giấy chứng nhận giả.”

Trong khi đó, theo một nhân viên y tế ở trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, có một số người tới các điểm tiêm chủng nhưng không muốn tiêm mà chỉ muốn “sở hữu” giấy chứng nhận. Nhân viên này cho biết: “Chúng tôi có gặp những người phản đối việc tiêm vaccine, họ không muốn tiêm mà chỉ muốn giấy chứng nhận.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục